Mẹ và Con - Suy hô hấp nếu không được điều trị sớm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc các bệnh lý hô hấp.

Suy hô hấp hay còn được biết đến với tên gọi hội chứng suy phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh mắc các bệnh lý hô hấp. Việc nhận biết những dấu hiệu suy hô hấp từ giai đoạn sớm sẽ giúp bạn kịp thời đến bệnh viện điều trị, tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra.

Suy hô hấp là gì?

Suy hô hấp (Respiratory Failure) là tình trạng quá trình phân phối oxy đến các mô bị suy giảm do phổi không nhận đủ oxy hoặc có quá nhiều carbon dioxide tích tụ bên trong phổi gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, suy giảm oxy động mạch. Người bệnh bị suy hô hấp có PaO2 (áp lực riêng khí oxy trong động mạch) < 60mmHg và/hoặc PaCO2 (áp lực riêng khí carbon dioxide trong động mạch) > 50mmHg.

Tình trạng suy hô hấp được chia làm 2 nhóm là mãn tính và cấp tính. Tuy nhiên, khi nhắc đến suy phổi hay suy hô hấp thì thường là tình trạng cấp tính. Có nhiều cách để phân loại suy hô hấp, chẳng hạn như:

  • Theo vị trí thì có suy hô hấp trên và suy hô hấp dưới
  • Theo cơ chế gây bệnh, suy hô hấp được chia làm 2 nhóm là suy hô hấp do hệ hô hấp (viêm đường hô hấp, viêm phổi, xơ hóa phổi, phù phổi,…) hoặc suy hô hấp do hệ tuần hoàn (thuyên tắc mạch phổi, suy tim trái,…)
  • Theo PaCO2, tình trạng suy hô hấp cũng được phân 2 nhóm riêng biệt là thiếu oxy máu và thừa carbon dioxide
  • Ngoài ra, có thể phân loại theo thời gian thành suy hô hấp cấp tính, mạn tính và cấp trên nền mạn.

Suy hô hấp là gì

Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp là gì?

Các tổn thương ở hệ hô hấp đều có thể dẫn đến suy phổi và bất kể ai trong chúng ta, dù người cao tuổi hay thanh thiếu niên, trung niên và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh. Nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp có thể đến từ nguyên nhân ở phổi và nguyên nhân ngoài phổi. Cụ thể:

Nguyên nhân ở phổi

Mắc các bệnh nhiễm trùng phổi như thuyên tắc động mạch phổi, xơ phổi, lao phổi, viêm phế quản,… có thể dẫn đến suy hô hấp nếu không điều trị kịp thời và đúng lúc. Có thể nói, suy phổi chính là biến chứng nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng phổi mà bạn không nên chủ quan.

Nguyên nhân ngoài phổi

Ngoài nguyên nhân do phổi thì suy hô hấp cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

  • Tổn thương hệ thần kinh và có biến chứng tổn thương hoạt động hô hấp
  • Tắc nghẽn thanh – khí quản (xuất phát từ nguyên nhân có dị vật gây tắc thanh quản, bị nhiễm trùng thanh quản, u khí quản, u thực quản vùng cổ, u thanh quản,…)
  • Bị chấn thương lồng ngực dẫn đến gãy xương sườn, làm tổn thương màng phổi và phổi
  • Tình trạng chấn thương thần kinh não bộ (tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não,…) làm tổn thương hệ hô hấp
  • Tràn dịch màng phổi nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến suy hô hấp cấp

Nhận biết triệu chứng suy hô hấp cấp

Tùy theo nồng độ oxy, carbon dioxide trong máu; nguyên nhân gây bệnh; diễn tiến bệnh;… mà bạn có thể có những biểu hiện khác nhau như khó thở, thở dốc, mệt mỏi,… Những triệu chứng suy hô hấp thường gặp bao gồm:

  • Khó thở, thở gắng sức, luôn cảm thấy không đủ không khí để thở
  • Da dẻ xanh xao, nhợt nhạt
  • Cơ thể mệt mỏi, luôn cảm thấy buồn ngủ và không có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (mặc quần áo, lên xuống cầu thang, đi lại,…)
  • Đau đầu, không tỉnh táo
  • Suy giảm thị lực, nhìn mờ, hoa mắt
  • Nhịp tim nhanh, thở nhanh,…

Bạn có thể gặp 1 hoặc nhiều triệu chứng suy hô hấp cùng lúc. Khi thấy cơ thể có những thay đổi bất thường có khả năng liên quan đến suy hô hấp, không nên chủ quan mà cần lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

triệu chứng suy hô hấp

Ai có nguy cơ bị suy hô hấp?

Bất kể ai đều có thể bị suy hô hấp. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Trẻ sinh non: Trẻ sơ sinh khi sinh non chưa đủ tháng có hệ hô hấp và đặc biệt là phổi chưa hoàn thiện, dễ bị suy phổi cũng như mắc các dị tật bẩm sinh ở phổi.
  • Người cao tuổi: Tuổi tác cao làm suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh lý hô hấp và khó phục hồi hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp.
  • Hút thuốc lá và chất kích thích: Hút thuốc lá chủ động hay bị động đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở phổi gây suy giảm chức năng hô hấp. Bên cạnh đó, việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nên tình trạng hơi thở nông, thở chậm và bị suy hô hấp cấp.
  • Người thường tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại: Những người phải làm việc, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, có nhiều khói bụi, hóa chất, amiăng, thuốc nhuộm,… cũng dễ bị suy phổi và mắc các bệnh lý đường hô hấp hơn.
  • Người có tiền sử chấn thương ở đường hô hấp: Nếu bạn từng có tiền sử mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi thì nguy cơ bệnh tái phát nặng hoặc dẫn đến suy giảm chức năng phổi cũng sẽ cao hơn.
  • Khác: Ngoài ra, những người từng hít phải khí độc, mắc bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh, từng gặp tình trạng chấn thương đường hô hấp,… cũng có nguy cơ bị suy phổi nghiêm trọng.

nguyên nhân suy hô hấp

Biến chứng nguy hiểm của hội chứng suy hô hấp cấp tính

Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng suy hô hấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương phổi vĩnh viễn
  • Loạn nhịp tim
  • Suy thận
  • Chấn thương não
  • Đe dọa tử vong hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong

Khi có biểu hiện suy hô hấp, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ nghe phổi, kiểm tra huyết áp và thực hiện kiểm tra cận lâm sàng (xét nghiệm máu, xét nghiệm khí máu động mạch, nội soi phế quản, chụp X-quang ngực,…) nhằm đánh giá chính xác tình trạng bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị suy hô hấp cấp tính

Để điều trị suy phổi, tùy theo tình trạng bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau như:

  • Liệu pháp oxy: Dùng ống thông mũi, mặt nạ thông khí, máy thở cơ học, mở khí quản,… để cung cấp oxy, hỗ trợ đường thở cho người bệnh.
  • Điều trị thuốc: Người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm các loại thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản và Corticoid.
  • Các phương pháp điều trị khác: Ngoài ra, để khắc phục hội chứng suy giảm chức năng hô hấp thì người bệnh có thể cần dùng thuốc làm loãng máu, truyền chất lỏng đường tĩnh mạch, thực hiện biện pháp vật lý trị liệu,…

Chăm sóc người bệnh suy hô hấp

Nếu bị suy hô hấp, bạn cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ để bệnh được thuyên giảm nhanh và phục hồi chức năng phổi. Trong quá trình điều trị bệnh và thời gian đầu khỏi bệnh, bạn không nên làm việc gắng sức, vận động mạnh để tránh cảm giác khó thở.

Ngoài ra cần chú ý cai thuốc lá, không dùng rượu bia và các chất kích thích. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nghỉ ngơi nhiều hơn, tái khám khi có triệu chứng bất thường cũng là những lưu ý quan trọng.

bị suy hô hấp

Biện pháp phòng tránh suy hô hấp

Bất kể ai đều có nguy cơ bị suy giảm chức năng hô hấp. Do đó, tốt nhất nên tiêm phòng đầy đủ các vaccine liên quan đến bệnh lý hô hấp cũng như duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc và uống rượu bia quá mức. Cố gắng luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị khi mắc các bệnh lý hô hấp khác để tránh dẫn đến biến chứng suy hô hấp.

Suy hô hấp gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí còn dẫn đến tử vong nếu không được điều trị, Hy vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm kiến thức để nhận biết dấu hiệu suy hô hấp và kịp thời điều trị. Tốt nhất hãy duy trì lối sống lành mạnh để tránh xa các bệnh lý hô hấp bạn nhé!

 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.