Sứt môi hở hàm ếch là nỗi lo thường trực của nhiều mẹ bầu. Nhất là nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh. Mặc dù không gây nguy hiểm tính mạng thì sứt môi, hở hàm ếch ảnh hưởng đến khả năng ăn nói, hòa nhập của trẻ.
Tuy thế bệnh có thể được phát hiện sớm cũng như có nhiều phương án điều trị rất hiệu quả. Cách chăm sóc trẻ hở hàm ếch, khi nào cần phẫu thuật cũng như cách chẩn đoán sớm bệnh đều được đề cập chi tiết trong bài viết sau.
Sứt môi hở hàm ếch là gì ?
Sứt môi
Sứt môi hay khe hở môi là dị tật xuất hiện khi mô mềm ở hàm trên không gắn dính được với mũi của bé. Có nhiều trường hợp khác nhau, phổ biến gồm:
- Môi trên có một vết lõm nhưng vết sứt này chưa kéo dài đến mũi.
- Sứt môi toàn phần: một đường hở dài từ môi đến nền mũi
- Sứt môi một bên: khe hở xuất hiện ở một bên mũi
- Sứt môi hai bên: có cả hai vết hở ở hai bên mũi
- Sứt môi đơn: chỉ có môi trên bị hở mà vòm miệng không có
Hở hàm ếch
Hở hàm ếch là khiếm khuyết do khẩu cái không phát triển bình thường khi còn là thai nhi, dẫn tới dị tật. Hở hàm ếch có thể đi kèm với cả tình trạng sứt môi. Hở hàm ếch cũng được chia thành nhiều dạng như:
- Hở hàm ếch một phần: Một lỗ nhỏ xuất hiện ở khẩu cái mềm hoặc cứng, miễn chưa chạm đến lỗ răng cửa thì tính là một phần.
- Hở hàm ếch toàn bộ: Có một khe hở đi từ khẩu cái mềm đến khẩu cái cứng và vượt qua cả lỗ răng cửa.
- Hở hàm ếch đơn: có khe hở ở vòm miệng nhưng không có ở môi.
- Khe hở xương ổ: Khe hở xuất phát từ nướu của hàm trên và có thể đi vào vòm miệng hoặc không.
- Khe hở màng: Khe hở xuất hiện ở vùng khẩu cái mềm ở phía sau vòm miệng.
Cách chẩn đoán sứt môi hở hàm ếch
Trước khi sinh
Bởi vì đây là dị tật bên ngoài cơ thể nên hầu hết các trường hợp sứt môi và hở hàm ếch đều có thể nhìn thấy được ngay khi sinh, không cần xét nghiệm đặc biệt. Ngày nay, với kỹ thuật hiện đại thì sứt môi hở hàm ếch càng có thể được chẩn đoán từ rất sớm khi nhìn trên siêu âm.
Nhờ phân tích hình ảnh siêu âm thì bác sĩ có thể phát hiện sự bất thường trong cấu trúc khuôn mặt như sứt môi hở hàm ếch. Vào khoảng tuần thứ 13 thai kỳ là có thể phát hiện sứt môi. Nếu sứt môi, hoặc sứt môi đi kèm hở hàm ếch thì dễ xác định hơn chỉ riêng dị tật hở vòm miệng.
Nếu siêu âm trước sinh phát hiện có bất thường thì bác sĩ có thể thêm phương pháp chọc ối để xét nghiệm xem thai nhi có mắc hội chứng di truyền nào không, có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh nào khác không.
Chọc ối giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi
Sau khi sinh
Sau khi sinh bạn có thể dễ dàng nhận diện dị tật sứt môi hở hàm ếch qua các biểu hiện:
- Có vết nứt trên môi, ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên mặt
- Vết nứt xuất hiện như khe nhỏ, nằm trên môi hoặc xuyên qua nướu trên và vòm miệng rồi dừng lại ở dưới mũi.
- Vết nứt xuất hiện bên trong, trên vòm miệng, không ảnh hưởng đến bên ngoài khuôn mặt.
Hở hàm ếch nội ở trong, xuất hiện từ phía sau miệng và bị bao phủ bởi niêm mạc miệng ít xuất hiện. Bạn có thể nhận biết qua các biểu hiện:
- Khó nuốt
- Nói bằng giọng mũi
- Nhiễm trùng tai tái phát thường xuyên
Nguyên nhân gây dị tật sứt môi hở hàm ếch
Trong vòng tuần 6 đến tuần 10 thai kỳ thì xương, da hàm trên, mũi, miệng sẽ hợp nhất để tạo vòm miệng và môi trên. Đây là tình trạng thường gặp nếu trẻ còn mắc thêm các dị tật bẩm sinh như:
- Hội chứng Down
- Hội chứng Edward
- Hội chứng Patau
Một số cha mẹ sẽ thắc mắc liệu sứt môi hở hàm ếch có di truyền không? Câu trả lời là có. Nếu cha mẹ hoặc trong gia đình họ hàng có tiền sử mắc dị tật này thì bé cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Ngoài ra cũng còn một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật:
- Dùng thuốc khi mang thai gây ảnh hưởng lên thai nhi
- Thiếu dinh dưỡng, thiếu chất
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại khi mang thai
- Dùng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy trong khi mang thai
Nhìn chung nguyên nhân cụ thể gây ra sứt môi hở hàm ếch cũng chưa thể được xác định rõ ràng. Nhưng các yếu tố tác động trong thời gian mang thai là nhân tố chính.
Khi nào cần phẫu thuật ?
Điều trị sứt môi hở hàm ếch bẩm sinh thực tế không quá khó. Mục tiêu là cải thiện khả năng ăn, nói, nghe và điều chỉnh diện mạo. Việc điều trị thường là phẫu thuật, tùy theo tình trạng dị tật cũng như tuổi của bé, thời gian phát hiện mà sẽ có một số cách chính như sau:
- Sửa môi (và mũi nếu cần): rạch hai bên khe hở và tạo thành các vạt mô rồi khâu lại với nhau nhằm tạo ra hình dạng, cấu trúc môi bình thường hơn.
- Sửa vòm miệng hở hàm ếch: tách và tái tạo lại vòm miệng để sắp xếp lại mô và cơ.
- Phẫu thuật ống tai: vì các bé bị hở hàm ếch có nguy cơ bị viêm tai mạn tính nên có thể cần thêm phẫu thuật đặt ống tai để giảm nguy cơ mất thính giác.
- Phẫu thuật tái tạo ngoại hình: cải thiện các chức năng cơ bản như ăn nói, thở của người bệnh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phẫu thuật sức môi hở hàm ếch thường được thực hiện theo thứ tự này:
- Sửa môi: trong vòng 3 đến 6 tháng đầu.
- Sửa chữa hở hàm ếch: 12 tháng hoặc sớm hơn nếu phù hợp.
- Phẫu thuật tiếp theo: từ 2 đến 18 tuổi, tùy chỉ định bác sĩ.
Dù không phải bệnh nguy hiểm nhưng sứt môi hở hàm ếch cũng có ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống. Do đó, cha mẹ cần khám thai định kỳ cũng như cho trẻ khám và điều trị ngay khi phát hiện bất thường.