Bác sĩ luôn khuyên, dù sau cơn vượt cạn mẹ mệt đến mức nào cũng nên ráng cho bé bú được những giọt sữa quan trọng đó. Cho đến lúc này, khoa học dù hiện đại đến mức nào, con người tạo được những điều kỳ diệu ra sao thì vẫn không thể tổng hợp nổi bất kỳ thực phẩm nào giàu kháng thể đặc biệt như những giọt sữa non đầu tiên của mẹ.
Tại sao lại kỳ diệu vậy?
Bạn cứ hình dung, khi còn nằm trong bụng mẹ, thiên thần bé bỏng của bạn được bảo bọc trong môi trường nước ối tuyệt đối vô trùng và nhận được nguồn kháng thể mẹ truyền cho qua nhau thai. Vào thời điểm bé oe oe cất tiếng chào đời, bác sĩ cắt dây rốn cũng đồng nghĩa với việc kết thúc hoàn toàn nguồn kháng thể này. Bé yêu của bạn sẽ phải một mình đối mặt với những khó khăn như thích nghi với môi trường sống mới, với nhiệt độ khác biệt, với cả những vi trùng, vi khuẩn có trong không khí…
Ảnh minh họa
Sẽ thật kinh khủng nếu bé thật non nớt, mong manh và không hề có vũ khí nào để chống chọi lại với những nguy cơ này. Con bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh, sốt, quặt quẹo đau yếu suốt những tuần lễ, những tháng đầu tiên của cuộc đời mình. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra! Tạo hóa nhận thấy sự non nớt, yếu đuối đó của bé nên đã ban cho bé một thứ “vắc-xin” tuyệt vời, nhằm bảo vệ trẻ suốt giai đoạn này. Thứ “vắc-xin” đó, không gì khác hơn chính là sữa non!
Sữa non có một đặc thù là chỉ có nhiều trong 3 ngày đầu sau sinh. Bạn cũng có nguy cơ mất luôn sữa non nếu như sinh mổ. Chính vì thế, bác sĩ luôn khuyến khích các bà mẹ nên sinh thường, chỉ tuân theo chỉ định sinh mổ trong trường hợp chẳng đặng đừng, nguy hiểm cho mẹ và con. Ngoài ra, ngay sau khi sinh, phải cố gắng cho bé bú càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt suốt những ngày đầu để con hấp thu được lượng nhiều nhất những giọt “vắc-xin” quý giá này.
Ảnh minh họa
Bạn sẽ nhận ra ngay hiệu quả của sữa non, vì một em bé được bú sữa non sẽ rất khỏe, ít bệnh vặt, khiến mẹ đỡ khó khăn hơn rất nhiều trong những ngày đầu chăm con. Bạn tự hỏi, sữa non chứa… cái gì mà lại có thể làm nên điều đặc biệt như thế? Vâng, câu trả lời cho bạn là: Những giọt sữa màu vàng nhạt này chứa nguồn chất đạm gấp đến 10 lần sữa mẹ thông thường (và gấp nhiều lần hơn nữa nếu so với các loại sữa bột khác). Đây cũng là loại sữa duy nhất chứa một lượng rất lớn kháng thể (IgA, IgG, IgM, IgD), bạch cầu (4.000 bạch cầu trong 1ml), vitamin A để giúp bé yêu của bạn giảm được các nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, bị dị ứng khi chuyển đổi môi trường.
Các bạch cầu tiết ra IgA, lactoferin, lisozym và interferon, có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn đường ruột. Chỉ cần được bú sữa non, bé sẽ rất hiếm khi mắc các bệnh như sởi, ho gà, tiêu chảy, viêm phổi, khô mắt…; gần như được miễn dịch với những căn bệnh nhiễm khuẩn, hay ăn chóng lớn, phát triển cân đối. Đặc biệt, nếu bạn tiếp tục duy trì việc bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, bạn sẽ thấy số lần trẻ phải “thăm” bác sĩ hay ốm lặt vặt chỉ còn được tính trên đầu ngón tay.
Cho con bú sớm giúp trẻ tận hưởng nguồn sữa non
Một số bà mẹ vì sinh mổ hoặc vì nhiều lý do khác nhau nên không cho con bú sớm. Thậm chí có người, thấy chưa có sữa về, sợ bé nói nên… pha sữa bột, nước đường cho bé bú luôn! Việc làm này thật ra không đúng. Cho bé làm quen quá sớm với những thú không phải là sữa mẹ, trẻ sẽ mất cảm giác thích sữa mẹ, sau này bú ít, ít chịu sữa. Thêm vào đó, những protein trong các loại sữa khác (không phải là sữa mẹ) cũng dễ ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hóa của trẻ, có thể khiến trẻ bị dị ứng.
Việc cho trẻ bú sớm sẽ kích thích việc tạo sữa, giúp sữa về nhiều, về nhanh. Trẻ sẽ được tận hưởng sớm và đầy đủ lượng sữa non quý báu trong những ngày tháng đầu tiên này. Khi bú sữa non, bé cũng sẽ nhanh chóng bài xuất phân su, đỡ vàng da.
Có một điều bạn cần biết là ban đầu, lượng sữa non được tiết ra ít hay nhiều tùy thuộc vào từng cơ thể người mẹ. Một số thai phụ đến tháng cuối sữa đã rịn ra, một số người khác khi sinh xong sữa đã về ào ạt và liên tục. Tuy nhiên, cũng không ít người rơi vào cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, chỉ thấy sữa nhỏ giọt hoặc thậm chí là không thấy sữa về. Trong trường hợp này, cần kiên nhẫn xoa nhẹ nhàng bầu ngực, cho trẻ mút đầu ti để kích thích sữa về nhanh hơn. Nhưng nhớ là bạn cũng không cần “hăng hái” đến mức mới tháng cuối của thai kỳ đã làm các động tác nặn ngực cho ra sữa. Việc nặn bầu ngực như thế có thể gây ra những kích ứng, những cơn co tử cung gây chuyển dạ sớm mà không biết…
Ảnh minh họa
Chất lượng sữa non giảm nhanh trong vài ngày đầu sau sinh và dần được thay thế bằng sữa thật sự. Vì vậy mẹ được khuyến cáo nên cho con bú ngay từ những ngày đầu sau sinh để không bỏ phí những giọt sữa quý báu này.