Ngược lại, chị Năm bán lá cây nở ngày đất tại đường Cách Mạng Tháng Tám thì khẳng định chắc nịch: “Tôi chỉ bán ít nhất từ nửa ký trở lên, vì mỗi lần nấu là nửa ký cộng hai lít nước”. Cách hướng dẫn sử dụng mỗi người một khác, nhưng giá bán đều là 100.000đ/kg. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, người bán đưa tờ giấy photo bài viết trên một tờ báo ca ngợi về tác dụng của cây và “thòng” thêm: “Cứ lên mạng “sợt” là biết cây này tốt như thế nào”. Quả thật, nhiều diễn đàn trên mạng còn truyền nhau về “công dụng thần kỳ” của loại cây nở ngày đất.
Chị Hòa đang hớn hở mua 5kg lá cây nở ngày đất cho biết: “Thấy báo chí viết thì chắc tốt rồi. Cha tôi bệnh tiểu đường ba năm nay, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe người ta truyền miệng thứ gì là tôi tìm mua thứ ấy”.
Những ngày gần đây, trên những tuyến đường lớn đông người của TP.HCM xuất hiện những xe hàng bày bán loại cây có tên gọi là “cây nở ngày đất” với rất nhiều công dụng như trị tiểu đường, gút, khớp…
Mua nửa ký cây nở ngày đất đem về hỏi ý kiến các nhà khoa học, chúng tôi được biết: Cây nở ngày đất mọc nhiều ở nghĩa địa. Cây này hiện thu hút nhiều người dùng tương tự như những “phong trào” lá sa-kê trị gút, lá đu đủ trị ung thư, canh dưỡng sinh, xuyên tâm liên, niệu liệu pháp… đã từng khuấy động dư luận một thời, nhằm vào những người cả tin.
ThS-BS Lê Hoàng Sơn, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM phân tích: gút, tiểu đường là bệnh mạn tính, nguyên nhân phần lớn do lối sống. Vì thế, khi điều trị, giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, lịch làm việc, sinh hoạt, tăng cường tập luyện. Nếu không thuyên giảm, bệnh nhân mới phải sử dụng thuốc. Tâm lý nhiều bệnh nhân thường ngại uống thuốc Tây vì sợ tác dụng phụ nên thường chuyển qua thuốc Nam.
Khi thấy kết quả khả quan, họ nghĩ là do công dụng của những loại cây cỏ này. Thật ra, để có đánh giá chính xác, cần hết sức thận trọng. Vì khi mắc bệnh, bên cạnh việc uống thuốc, bệnh nhân thường tự điều chỉnh lối sống bản thân. Do đó, khi bệnh thuyên giảm, có thể do tác dụng của thuốc hoặc có thể vì lối sống đã được thay đổi, cải thiện.
Tại đường Nguyễn Oanh, bên cạnh cây nở ngày đất, người ta còn thường xuyên bán giảo cổ lam, khổ qua rừng, cỏ ngọt, mắc cỡ, tóc tiên… Người bán tỏ ra “chuyên nghiệp”, phát hẳn một tờ rơi ghi địa chỉ bán, số điện thoại, có kèm xem mạch, bấm huyệt… “Có nhiều loại cỏ cây có thể trị bệnh, vấn đề là thầy thuốc dùng như thế nào, liều lượng ra sao, và người bệnh phải hiểu rõ về công dụng của loại cây cỏ mình muốn sử dụng, nếu không hậu quả khó lường”, ThS-BS Sơn lưu ý.
Cũng theo ThS-BS Sơn, cây nở ngày có hai loại. Cây bông tím, còn gọi là cúc bách nhật – bông nở ngày, là cây thuốc xưa nay được dùng để trị hen suyễn, các bệnh về hô hấp, lỵ, tiêu chảy.
Người tiêu dùng nên cẩn thận khi sử dụng cây nở ngày đất
Còn cây bông trắng, còn có tên cây nở ngày đất, hiện đang bày bán trên thị trường, có công dụng chính là tiêu độc, ngoài ra cũng dùng trị ho, cảm cúm. Loại cây này không thể trị bệnh gút hay tiểu đường như người bán đang “nâng tầm”.
“Khi phát hiện có thông tin nói về tác dụng “thần kỳ” của cây nở ngày đất, tôi đã bỏ ra hai ngày để đọc lại các kinh văn, không thấy ghi cây này chữa gút, tiểu đường. Do đó, cần đề phòng việc quảng cáo quá trớn dựa vào truyền thông. Ngành y luôn lắng nghe, ghi nhận để theo dõi nghiên cứu”, Ths-BS Sơn nói.
Một Thế Giới đã trao đổi với Bác sĩ Dương Hiển Huấn, khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trưng Vương về vấn đề này.
Ông cho biết, điều đáng nói là những loại cây như cây nở ngày đất vẫn chưa được thử nghiệm ở một công trình nghiên cứu nào, vì vậy người dân không nên vội tin vào lời quảng cáo của người bán, thổi phồng về công dụng của một loại cây nào đó đối với tác dụng chữa bệnh.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thấy được báo cáo kết quả công dụng loại cây này có tác dụng như thế nào trên cơ thể con người. Một điều cần lưu ý là trên một loại cỏ cây, thảo mộc nào đó có thể có đến 100 hoạt chất.
Có những loại tác dụng phụ mạnh hơn tác dụng chính nên không được sử dụng để điều trị bệnh. Nên khi bạn có quyết định sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào nên tham khảo ý khiến của bác sĩ, dược sĩ đông y để biết được cơ địa mình có phù hợp, hay dùng liều lượng như thế nào để tránh tác dụng phụ gây nguy hại cho sức khỏe.