Mẹ&Con - Theo các nhà sản xuất, với dung dịch rửa tay khô (DDRTK), tay sẽ sạch hết vi khuẩn, đánh bay mùi tanh hôi và lưu lại hương thơm dễ chịu, da tay mềm mại… Nhưng ít ai biết sản phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bạn đã biết rửa tay đúng cách? 6 tác động tâm lý của việc rửa tay

Không nước vẫn sạch khuẩn?

Vì những tính năng tiện dụng trên mà nhiều người đang lạm dụng DDRTK, sử dụng mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi đang ở gần nguồn nước sạch.

su-that-dang-ngai-ve-dung-dich-rua-tay-khong-can-nuoc

Rất nhiều sản phẩm DDRTK dạng gel, xịt từ hàng Việt Nam đến hàng ngoại nhập, giá tương đối “mềm”, chỉ khoảng 25.000 – 55.000đ/chai 30ml. Hầu hết sản phẩm được quảng cáo pha chế từ các nguyên liệu, thành phần tự nhiên, giúp diệt khuẩn và dưỡng da tay mịn màng. Ngoài ra, có đủ màu, mùi các loại trái cây dâu, nho, cam, táo… Khi nhỏ vài giọt vào tay sẽ có cảm giác mát lạnh, ngào ngạt hương thơm.

Nhiều nơi tự chế DDRTK để bán; ngoài loại chai xịt 50ml còn có chai 500ml, 5 lít để cả gia đình dùng. Có hãng tung đến 12 loại DDRTK đủ màu, mùi với slogan “không nước, không khăn, không khuẩn”.

BS Trần Văn Ký – Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, khuyến cáo: hầu hết DDRTK nào cũng quảng cáo diệt khuẩn tốt nhưng rất khó để đánh giá sản phẩm nào thực sự hiệu quả. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên dùng DDRTK khi ra ngoài, trong điều kiện “ngặt” không có nguồn nước để rửa tay, chứ không nên lạm dụng, đặc biệt cho trẻ nhỏ.

Nhiều chất độc hại

TS Huỳnh Khánh Duy – Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: DDRTK có thành phần chính là các hợp chất cồn (sopropanol, ethanol, n-propanol), hoặc/và povidone-iodine, các chất làm đặc (axít polyacrylic), chất giữ ẩm (glycerin, propylene glycol) và các chất tạo hương (tinh dầu, dầu thơm).

Trong đó, ethanol (thành phần cơ bản của rượu, bia và các nước giải khát chứa cồn) giết chết các sinh vật bằng cách biến tính protein và hòa tan chất béo. Ethanol có hiệu quả chống lại hầu hết các vi khuẩn, nấm, và nhiều loại virus, nhưng không có hiệu quả chống lại các bào tử vi khuẩn.

su-that-dang-ngai-ve-dung-dich-rua-tay-khong-can-nuoc

Tác dụng của n-propanol với cơ thể người tương tự như ethanol nhưng độc tính của nó cao hơn ethanol hai-bốn lần. Tuy ít độc (tương đương ethanol), nhưng isopropanol lại là chất có thể gây kích ứng da. “Cần lưu ý các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ do sử dụng các nguyên liệu không tinh khiết, có thể chứa các tạp chất gây độc, có thể làm chết người. Như glycerin có thể bị nhiễm diethylene glycol, một chất độc gây suy thận cấp, suy gan cấp, có thể gây hôn mê và tử vong”, TS Duy khuyến cáo.

Theo BS Ký, trong DDRTK còn có thể có chất triclosan là chất hóa học có đặc tính kháng khuẩn, thường được bổ sung chủ yếu vào xà phòng, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và sản phẩm làm sạch… Chất này đã được chứng minh làm rối loạn nội tiết, gián đoạn hoạt động của hệ thống miễn dịch và góp phần vào việc kháng thuốc kháng sinh ở người. Bên cạnh đó là chất bảo quản paraben mà trên nhãn của các sản phẩm chăm sóc cá nhân thường ghi các tên như ethylparaben, butylparaben, methylparaben và propylparaben – các chất này có thể gây dị ứng da và niêm mạc.

Chưa kể, DDRTK chỉ khử trùng mà không loại bỏ các chất bẩn ra khỏi tay nên không hiệu quả như xà phòng và nước trong việc ngăn chặn sự lây truyền của nhiều mầm bệnh. Ngoài ra, tùy theo cơ địa của người sử dụng có thể có trường hợp bị viêm da tiếp xúc, dị ứng, nổi mề đay hoặc các hội chứng liên quan đến sự nhạy cảm với các hợp chất cồn hoặc các chất phụ gia có trong DDRTK.

Tags:

Bài viết liên quan