Sự phát triển của bé trong 3 tháng đầu
Ba tháng đầu đời, bé sẽ phát triển các kỹ năng vận động, giao tiếp, biết nhiều hơn về các “cảm giác”. Để giúp đỡ cho bé nhìn nhiều hơn, nghe nhiều hơn, sờ nhiều hơn và cảm nhận nhiều hơn, bạn có thể cho con tiếp xúc với một số hoạt động thường ngày của mình (nếu như hoạt động đó phù hợp).
Ví dụ như khi bạn gấp quần áo của bé yêu, bạn có thể phối hợp chúng với việc cho bé cầm nắm từng loại quần áo khác nhau. Màu sắc, hình dáng khác nhau, chất liệu vải khác nhau sẽ khiến những “cảm giác” của bé về thế giới xung quanh trở nên ngày càng phong phú.
Thị giác của con cũng phát triển từ những tháng đầu tiên. Bé có thể cố tập trung để nhìn một vật. Nên chọn một số loại đồ chơi có chuyển động nhẹ nhàng, treo trên nôi hoặc đưa qua đưa lại, đùa chơi với con, giúp bé phát triển khả năng nhìn của mình.
Bạn lưu ý rằng ở giai đoạn 3 tháng đầu, tầm nhìn lý tưởng cho bé còn ngắn. Do đó, đừng “bắt” con nhìn ở quá xa. Ngoài những món đồ chơi, nên tạo cơ hội đưa bé ra ngoài vườn, ngoài trời để bé có thể bắt đầu “nhìn” những thứ thuộc về thiên nhiên như lá cây, hoa, bướm, chim chóc…
Những con vật đầy màu sắc và chuyển động như bươm bướm kích thích thị giác cho bé rất tốt. Bé cũng rất thích quan sát nét mặt của bạn khi bạn nói chuyện, vì thế, bạn có thể cho con nhìn ngắm chính gương mặt của mình lúc trò chuyện với con.
Từ 1 tháng tuổi trở đi, bé cũng đã bắt đầu biết phản ứng mạnh với những tiếng động ở quanh mình. Ví dụ như bé biết chớp mắt, cau mày, giật mình… khi nghe tiếng động. Mở cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, cục cưng của bạn đã bắt đầu biết nghểnh tai lắng nghe hoặc tỏ vẻ thích thú.
Bạn sẽ phát hiện được rất dễ dàng những phản ứng tích cực và tiêu cực của bé trước âm thanh. Nên cho con nghe những giai điệu nhẹ nhàng, êm ái, vui tươi, nhất là tiếng hát ru của mẹ trong thời gian này vì nó kích thích bé tập lắng nghe, đồng thời khiến con có sự gắn kết chặt chẽ hơn với mẹ.
Nhận diện những bất ổn
Trong 3 tháng đầu đời, nếu như bạn thấy bé có vẻ thờ ơ với bố mẹ, không chịu nhìn trực diện vào bạn, không tò mò với những cử động của bạn, chỉ đặt đâu nằm đấy, “ngoan ngoãn” một cách khó tin thì đừng vội hớn hở cho rằng sao con người ta chăm cực, còn con mình thì… “khỏe” quá!
Hãy biết rằng ở 3 tháng đầu đời, việc không thích sờ mó, không quan tâm đến những vỗ về, âu yếm có thể là những dấu hiệu cho thấy sự phát triển bất thường về tâm lý hoặc thể chất. Ở tuổi này, bé rất tò mò, rất thích sờ mó, rất quan tâm đến từng biểu hiện dù nhỏ nhất trên gương mặt mẹ. Bé bị kích thích vì những điều đó và phát triển trí não cũng từ những “va chạm” thực tế đó.
Ngoài ra, có thể có bé biết lật sớm, có bé biết lật trễ (không nhất thiết phải là 3 tháng mà sẽ lâu hơn), tuy nhiên bé vẫn giống nhau ở chỗ rất cố gắng phát triển vận động. Tay chân bé thích múa may, nỗ lực cầm nắm, chỉ trỏ, người cố gắng rướn quá rướn lại dù chưa thật sự làm được gì. Bạn lưu ý là đầu và cổ của bé giai đoạn này ngày một khỏe hơn.
Tầm 2 tháng tuổi, bé đã có thể giữ được đầu không bị nghiêng sang bên, mặt có thể nhìn thẳng lên trần nhà khi nằm ngửa. Khi nằm sấp, bé có thể cố gắng nhấc đầu lên khoảnh 45 độ. Sẽ là bất thường nếu bạn hoàn toàn không thấy các dấu hiệu này. Cũng nên biết rằng tuy cơ cổ của bé khỏe hơn trước nhưng vẫn chưa hoàn toàn đỡ được đầu. Do đó, lúc ẵm con hoặc kéo bé dậy, bạn vẫn cần đỡ phần đầu cho bé.
Lưu ý quan trọng là 3 tháng đầu đời, bé sẽ ngày càng trở nên hiếu động hơn nên tuyệt đối không được để bé một mình trên bàn hay giường cao mà không có sự trông chừng, để mắt. Bé có thể xoay người vòng vòng, bất thần lẫy được nên vẫn có khả năng bị té dù chưa thật sự có thể tự mình di chuyển. Vậy đó, không hề khó… Bằng cách mở rộng trái tim, vòng tay và cả sự quan tâm, bạn sẽ ngày càng khám phá được nhiều hơn những điều kỳ diệu từ bé yêu của mình rồi!