Sự phát triển của trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi sẽ có những đặc điểm khác nhau theo xu hướng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Cụ thể:
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh một tháng tuổi chỉ gồm 3 hoạt động chính mỗi ngày là bú mẹ, ngủ và đi vệ sinh. Tuy nhiên, thói quen bú mẹ và giờ giấc đi ngủ của trẻ thường không có chu kì, rất khó nắm bắt. Trẻ có thể đòi bú bất cứ lúc nào và cũng ngủ bất kể khi nào. Thông thường, trẻ sẽ ngủ hơn 18 giờ mỗi ngày.
Trẻ 1 tháng tuổi có tầm nhìn tốt nhất ở khoảng cách từ 20 – 38 cm. Khi mắt đang phát triển, trẻ thường nhìn xung quanh và tập trung vào những khuôn mặt của người đối diện. Do đó, khi trẻ thức, mẹ hãy kề sát mặt mình với mặt trẻ, nhìn trẻ một cách trìu mến để tăng sự kết giao.
Tiếng khóc của trẻ 1 tháng tuổi thường không xác định được nguyên nhân rõ rệt. Trẻ sẽ khóc khi đói, khi ăn, khi mệt, khi buồn ngủ… do đó, mẹ cần theo dõi trẻ sát sao để kịp thời đáp ứng nhu cầu của trẻ khi cần thiết.
Tiếng khóc của trẻ 1 tháng tuổi thường không có nguyên nhân rõ rệt (Ảnh minh họa).
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã biết cách dùng mắt để giao tiếp nhiều hơn, trẻ biết thể hiện niềm vui và sự mệt mỏi qua đôi mắt.
Trẻ cũng có biểu hiện đòi ăn nhiều hơn khi bước vào tháng này và mẹ nên cho trẻ ăn bất cứ khi nào trẻ muốn. Khi cho trẻ bú sữa mẹ, mẹ nên cho trẻ thay phiên bú đều cả 2 bên bầu ngực thay vì chỉ một bên.
2 tháng tuổi trẻ vẫn duy trì thói quen ngủ bất cứ đâu và trung bình mỗi giấc ngủ kéo dài từ 1 – 3 tiếng. Thông thường trẻ sẽ có dấu hiệu buồn ngủ khoảng 30 phút đến một giờ sau khi ăn. Tổng thời gian ngủ trong 1 ngày có thể thay đổi nhưng trung bình trẻ sẽ ngủ từ 9 – 18 giờ.
Trẻ trở nên khóc nhiều khi được 2 tháng tuổi, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ khóc ngay cả khi mọi nhu cầu của trẻ đều được đáp ứng do sự phát triển của hệ thần kinh, dưới nhiều tác nhân kích thích làm trẻ cảm thấy khó chịu hay đơn giản là trẻ muốn được chú ý.
Thời điểm này, theo sự phát triển của trẻ sơ sinh bắt đầu hình thành kĩ năng bắt chước, mẹ có thể nhẹ nhàng nắm tay trẻ vỗ vỗ vào nhau và hát khe khẽ. Trẻ sẽ dần dần quen với ngôn ngữ và điệu bộ đi kèm với nhau rồi từ từ bắt chước hoặc mẹ có thể cười thật tươi khi giao tiếp cùng trẻ, làm những cử chỉ khác nhau và lặp lại thường xuyên. Vài tháng sau, trẻ sẽ làm giống y hệt mẹ.
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đã bắt đầu biết dùng tay huơ huơ để chơi đùa hay muốn lấy thứ gì đó. Trẻ đã biết cách phối hợp giữa tay và mắt khi nhìn một vật gì đó chuyển động và có xu hướng đưa tay ra chụp lấy. Trẻ cũng thích nâng đầu mình lên một chút những lúc thức hoặc chơi đùa.
Trẻ ít khóc hơn và phát sinh những như cầu mang tính chu kỳ hơn giúp mẹ hoàn toàn có thể đoán được khi nào trẻ đói, khi nào trẻ “tè”, khi nào trẻ ngủ để có cách chăm sóc thích hợp. Trẻ 3 tháng tuổi cũng đã biết cách thông báo đến cho mẹ những vấn đề trẻ đang gặp phải thông qua tiếng khóc. Cụ thể: tiếng trẻ khóc khi đói sẽ khác với tiếng trẻ khóc khi trẻ mệt và cũng sẽ khác với tiếng trẻ khóc khi trẻ cảm thấy buồn chán, muốn chơi…
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi ngủ ngon hơn và sâu hơn (Ảnh minh họa).
Tròn 3 tháng tuổi, trẻ sẽ bú giỏi hơn, bú nhiều hơn và lâu hơn. Điều đó giúp trẻ có giấc ngủ ngon và sâu hơn đặc biệt là giấc đêm của trẻ đã dài hơn kéo dài khoảng 5 – 6 tiếng liên tục.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh giai đoạn từ 1 – 3 tháng tuổi thường mang tính biến thiên theo từng ngày, từng giờ. Sự thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc của mẹ cũng như thời gian mà mẹ dành cho trẻ. Do đó, mẹ hoàn toàn có thể tận dụng khoảng thời gian này để giúp trẻ hình thành và phát triển một số thói quen tốt, kích thích trí thông minh cũng như sự phát triển của trẻ về sau.