Những ngày gần đây hẳn bạn sẽ nghe nhắc nhiều đến sóng nhiệt, trời nóng, biến đổi khí hậu… Không chỉ chúng ta, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối diện với tình trạng này. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con sẽ cập nhật giúp bạn một số kiến thức dưới đây để bảo vệ bản thân và gia đình hiệu quả hơn khi trời nóng bức nhé!
Sóng nhiệt và những điều bạn cần biết
Sóng nhiệt là tình trạng nhiệt độ cao bất thường kéo dài trong một khoảng thời gian. Sóng nhiệt bắt đầu khi áp suất cao trong khí quyển di chuyển vào và đẩy không khí ấm xuống mặt đất. Không khí đó nóng lên hơn nữa khi nó bị nén nên chúng ta cảm thấy nóng hơn rất nhiều.
Hệ thống áp suất cao ép xuống mặt đất mở rộng theo chiều dọc, buộc các hệ thống thời tiết khác phải thay đổi hướng đi. Thậm chí, nó còn hạn chế tối đa gió và mây che phủ khiến không khí thêm ngột ngạt. Đây cũng là lý do tại sao sóng nhiệt bao phủ một khu vực trong vài ngày hoặc lâu hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ toàn cầu, tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng sẽ tăng lên trong thế kỷ 21 do hậu quả của biến đổi khí hậu. Tình trạng nhiệt độ ban ngày và ban đêm cao kéo dài tạo ra căng thẳng sinh lý tích lũy trên cơ thể con người, làm trầm trọng thêm các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đái tháo đường và bệnh thận…
Các đợt nắng nóng có thể tác động sâu sắc đến các nhóm dân số lớn trong thời gian ngắn, thường gây ra các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cũng như tác động kinh tế xã hội theo tầng (ví dụ như mất khả năng lao động và năng suất lao động).
Chúng cũng có thể làm mất khả năng cung cấp dịch vụ y tế, bởi tình trạng thiếu điện thường đi kèm với các đợt nắng nóng làm gián đoạn các cơ sở y tế, giao thông và thiếu nước.
Những nguy cơ chính do sóng nhiệt gây ra
- Con người không uống đủ nước, gây nên tình trạng mất nước
- Quá nóng có thể làm cho các triệu chứng của người bệnh trở nên tồi tệ hơn, nhất là bệnh về tim, hô hấp
- Kiệt sức vì nóng và say nắng
Ai dễ gặp nguy hiểm do nhiệt độ cao?
Sóng nhiệt gây ra tình trạng nắng nóng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, kể cả những người trẻ tuổi và khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn một số người có nhiều nguy cơ hơn những người khác, bao gồm:
- Người lớn tuổi – đặc biệt là những người trên 75 tuổi và là phụ nữ
- Những người sống một mình hoặc không thể tự chăm sóc
- Những người mắc bệnh nghiêm trọng hoặc lâu dài bao gồm bệnh tim hoặc phổi, tiểu đường, bệnh thận, bệnh Parkinson hoặc một số tình trạng sức khỏe tâm thần dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức làm giảm khả năng truyền đạt sự khó chịu và nhu cầu của họ
- Những người đang dùng nhiều loại thuốc có thể khiến họ dễ bị ảnh hưởng xấu bởi thời tiết nóng như cảm thấy khó giữ bình tĩnh
- Những người làm việc ngoài trời hoặc ở những nơi nóng bức
- Sử dụng rượu hoặc ma túy
- Người có sức khỏe kém hơn như bà bầu, bà mẹ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
- Người thừa cân, béo phì
Chăm sóc gia đình trước sóng nhiệt
Mọi người đều có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng và điều quan trọng là bạn phải cẩn thận bất cứ khi nào nhiệt độ bắt đầu tăng. Một đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí chỉ một ngày nắng nóng gay gắt cũng có thể gây ra các bệnh như chuột rút do nóng, kiệt sức vì nóng và say nắng.
Người cao tuổi
Cái nóng ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn những người khác. Những người từ 65 tuổi trở lên có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt. Các yếu tố có thể làm tăng rủi ro của một người bao gồm sống một mình, các bệnh mạn tính và một số loại thuốc.
Khi nhiệt độ quá cao, bạn nên thường xuyên kiểm tra và giúp đỡ ông bà và cha mẹ – những người có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt cao hơn, đặc biệt nếu họ đang sống một mình. Hãy gọi cho cha mẹ, ông bà ít nhất một lần/ngày, khuyến khích họ uống nước, giúp họ đi mua sắm hoặc làm những việc lặt vặt khác.
Bạn cũng có thể cân nhắc đưa những người lớn tuổi trong gia đình đến nơi mát mẻ trong ngày (ví dụ: trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, thư viện)…
Trẻ em
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được theo dõi cẩn thận trong thời tiết nóng vì nhiệt độ cơ thể của chúng tăng nhanh hơn nhiều so với người lớn. Trẻ cần uống nước thường xuyên, mặc quần áo mỏng nhẹ và được giữ cho cơ thể mát mẻ.
Theo đó, bạn không bao giờ để trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong ô tô. Nhiệt độ bên trong những chiếc ô tô đang đỗ có thể tăng gấp đôi trong vòng vài phút.
Người chơi thể thao
Nhiệt độ và thể thao hoặc các hoạt động thể chất (tập thể dục) có thể là một sự kết hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nhiệt trong khi chơi thể thao bằng cách uống nhiều nước, nghỉ ngơi thường xuyên và tránh tập thể dục vào các thời điểm nhiệt độ trong ngày cao.
Chuẩn bị trước tình trạng nhiệt độ tăng cao
Để đối phó với những áp lực do sóng nhiệt gây ra, các chuyên gia khuyên bạn có thể chuẩn bị một số phương án dưới đây:
- Chuẩn bị vừa đủ thức ăn, nước uống và thuốc men để không phải ra ngoài trời nóng. Đăc biệt là đảm bảo rằng chúng có thể được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
- Những người có bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có cần thay đổi thuốc khi thời tiết quá nóng hay không.
- Kiểm tra xem quạt hoặc máy lạnh của bạn có hoạt động tốt không. Đừng quên bảo dưỡng máy điều hòa định kỳ theo hướng dẫn sử dụng thiết bị.
- Hãy xem xét đến những phương pháp có thể làm mát cho ngôi nhà của mình, chẳng hạn như lắp rèm che cửa sổ, màn che nắng hoặc rèm che bên ngoài ở các mặt của ngôi nhà hướng về phía mặt trời, trồng cây để tạo bóng mát xung quanh ngôi nhà.
- Chuẩn bị cho sự cố mất điện cũng là điều bạn quan tâm. Mất điện có thể xảy ra trong thời gian thời tiết cực kỳ nóng. Do đó hãy chuẩn bị đèn pin, điện thoại di động, pin dự phòng, quạt tích điện…
Mẹo giúp bạn đối phó với sóng nhiệt
Khi thời tiết quá nóng, cho dù đó là một ngày nắng nóng hay một đợt nắng nóng, hãy nhớ tuân thủ những lời khuyên dưới đây từ các chuyên gia y tế:
- Uống đủ nước. Nếu bạn hay người thân thuộc nhóm người bị hạn chế nước (do các bệnh lý ở thận như suy thận), hãy hỏi bác sĩ xem nên uống bao nhiêu trong thời tiết nóng bức.
- Tránh xa đồ uống nhiều đường hoặc có cồn vì những thức uống này thực sự khiến bạn mất nhiều nước hơn. Bạn cũng nên tránh đồ uống quá lạnh, vì chúng có thể gây co thắt dạ dày
- Đổ mồ hôi nhiều sẽ làm cơ thể bạn mất muối và khoáng chất. Bạn có thể bổ sung thức uống có các thành phần vừa nêu để bù vào lượng đã mất. Nếu bạn đang ăn kiêng muối, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh mạn tính khác, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi uống nước giải khát thể thao hoặc uống viên muối
- Chặn ánh nắng mặt trời ở nhà vào ban ngày bằng cách đóng rèm cửa và rèm
- Mở cửa sổ khi có gió mát, nhiệt độ bên ngoài mát hơn bên trong và nếu điều đó an toàn
- Tránh nắng vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Nếu phải ra ngoài, hãy đội mũ, bôi kem chống nắng và tìm đứng dưới nơi có bóng mát
- Hủy bỏ hoặc hoãn các chuyến đi chơi. Nếu nhất định phải ra ngoài, hãy ở trong bóng râm và mang theo nhiều nước
- Mặc quần áo sáng màu, rộng rãi làm từ sợi tự nhiên như bông và vải lanh
- Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn và các món ăn mang đến cảm giác mát mẻ như salad, trái cây… Tránh các bữa ăn nóng và nhiều chất béo vì chúng sẽ làm tăng nhiệt cho cơ thể bạn
- Xem dự báo thời tiết để biết thêm thông tin về điều kiện thời tiết hay những ngày có tia cực tím cao…
- Thời tiết nóng bức có thể làm hỏng thức ăn nhanh chóng. Hãy chú ý nhiều hơn đến yếu tố an toàn thực phẩm để tránh bệnh tật
- Đảm bảo thực phẩm trong tủ lạnh được bảo quản đúng cách
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tránh các hoạt động nặng nhọc như thể thao, cải tạo và làm vườn
- Quạt điện có thể mang lại sự thoải mái, nhưng khi nhiệt độ ở mức cao, chúng sẽ không ngăn ngừa được các bệnh liên quan đến nhiệt.
- Bạn có thể chọn cách tắm để làm mát cơ thể nhưng không nên lạm dụng
- Hạn chế sử dụng bếp và lò nướng để không làm tăng nhiệt độ trong nhà của bạn
- Giới hạn hoạt động ngoài trời vào những giờ cao điểm từ 11:00 – 16:00. Nếu gắng sức dưới trời nóng khiến tim đập nhanh, hãy dừng mọi hoạt động và vào một khu vực mát mẻ hoặc trong bóng râm để nghỉ ngơi
Thông tin thêm về sóng nhiệt
Sóng nhiệt là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người trên thế giới. Sóng nhiệt ở Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chúng ta, thậm chí là khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn.
Các chuyên gia đến từ Đại học Washington, Đại học Harvard nhận định tình trạng này sẽ ngày một trầm trong hơn, lan ra nhiều nước trên thế giới. Nếu con người không có các biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường, vào thế kỷ 22, tình trạng này có thể thường xuyên và trầm trọng hơn đến 10 lần. Mức nhiệt độ có thể tăng đến 51 độ C thách thức cả khả năng sinh tồn của con người.
Trước khi sóng nhiệt được giải quyết ở cấp độ vĩ mô, bạn và những người xung quanh nên thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, tăng cường các biện pháp phủ xanh môi trường sống để cải thiện chất lượng cuộc sống nhé.
Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn áp dụng thành công và giảm bớt những ảnh hưởng do sóng nhiệt gây ra, đảm bảo cho cuộc sống gia đình không bị xáo trộn, sức khỏe luôn ổn định!