“Đang yên đang lành tự nhiên Tết đến” là lời cảm thán đầy ngao ngán của những ai sẽ phải đối mặt với hàng ngàn áp lực vô hình của ngày Tết Nguyên Đán. Vậy nếu là một trong số họ, bạn sẽ phải làm gì để vượt qua tâm lý sợ Tết này để hòa cùng niềm vui chung?
Nỗi niềm sợ Tết gói gọn trong câu thảng thốt
Trong vài năm trở lại đây, cứ vào những ngày giáp Tết là câu cảm thán “đang yên đang lành tự nhiên Tết đến” lại xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Nó thể hiện một thực tế rõ ràng rằng hiện nay đang có rất nhiều người mang tâm lý “chán Tết” hoặc thậm chí là “sợ Tết”.
Là dịp lễ hội lớn nhất và được trông chờ nhất mỗi năm, nhưng ngày Tết cũng mang tới những áp lực vô hình rất nặng nề, đặc biệt là những người đã qua độ tuổi “nhận lì xì”. Bởi lẽ trong mắt họ hàng, bè bạn và hàng xóm, cách một người hay một gia đình chuẩn bị cho Tết, đón Tết và “ăn Tết” sẽ phản ánh mức độ thành công hay thất bại trong 1 năm phấn đấu của chính họ.
Vì thế ai cũng muốn chuẩn bị tốt nhất cho ngày Tết của mình và gia đình. Chúng ta quay cuồng với hàng loạt kế hoạch dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm quần áo mới, làm đẹp cho bản thân, chuẩn bị tiền mừng tuổi… Chi phí cho những mục tiêu kể trên đôi khi sẽ khiến toàn bộ khoản lương thưởng của chúng ta “bốc hơi” chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Dịp cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ của các kế hoạch ngắn hạn. Quan niệm việc năm cũ không để sang năm mới khiến mọi thành viên trong mỗi doanh nghiệp đều phải nỗ lực chạy đua với thời gian để hoàn thành. Thế nên, việc tính toán thời gian làm sao để vừa đạt được các mục tiêu và kế hoạch mà công ty giao phó, vừa chuẩn bị đón Tết thật tốt cũng là cả một vấn đề nan giải và khiến chúng ta càng thêm đau đầu.
Không chỉ vậy, với những người trẻ đang xây dựng sự nghiệp hoặc đến tuổi lập gia đình thì mỗi khi đến Tết, họ lại phải đối mặt với hàng loạt câu “năm nào cũng hỏi” từ họ hàng, người thân và bè bạn như “lương tháng bao nhiêu”, “thưởng Tết thế nào”, “có được thăng chức chưa” hay “bao giờ lấy chồng”… Nếu không thể đưa ra những câu trả lời tích cực cho các thắc mắc trên, người trẻ hiển nhiên sẽ vô cùng khó chịu và thậm chí là bực tức và dần nảy sinh tâm lý “sợ Tết”. Việc chia sẻ câu nói “đang yên đang lành tự nhiên Tết đến” thể hiện rõ tâm trạng của họ.
3 cách để vượt qua áp lực, đón xuân hân hoan
Tết Nhâm Dần đang đến rất gần, nếu bạn là một trong những người đang mang tâm lý sợ Tết thì thay vì lại tiếp tục “chia sẻ” dòng trạng thái kể trên, hãy thử áp dụng 1 trong 3 phương pháp sau đây để thoát khỏi áp lực của ngày Tết và đón xuân hạnh phúc nhé.
Cách 1: Tự giác thay vì bị phát giác
Đây là cách tốt nhất dành cho những ai sợ bị “đánh giá” trong ngày Tết. Xuân này nếu không có được những thành công trong sự nghiệp hoặc tình cảm, bạn đừng cố gắng gồng mình để “thể hiện” mình bằng cách đón Tết “hoành tráng” hoặc tỏ thái độ khó chịu trước những câu hỏi khó của họ hàng, bè bạn nữa.
Thay vào đó, hãy cho tất cả biết rõ tình trạng của mình bằng một bài đăng thú vị và hóm hỉnh trên mạng xã hội hoặc chuẩn bị một màn giới thiệu hài hước về những khó khăn của bản thân với họ hàng và bè bạn khi gặp nhau trong những ngày Tết.
Thực tế trong năm qua khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, hầu như tất cả chúng ta đều gặp khó khăn. Vì thế bạn sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm khi chủ động chia sẻ về những “nỗi khổ” của mình cho người thân và bè bạn. Đó là cách tốt nhất để bạn cởi bỏ áp lực vô hình về sự phán xét của người khác dịp Tết và vui vẻ đón xuân.
Cách 2: Làm mới Tết của mình và gia đình
Với người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam thì Tết Âm Lịch là dịp lễ quan trọng và mang tính truyền thống rất lớn. Mỗi gia đình thường có một danh sách những điều cần làm ngày Tết, được lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Ngày 30 Tết sẽ làm gì, ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 sẽ bày mâm cúng ra sao, đi chúc Tết ở đâu, ăn những món truyền thống nào.
Chính vì sự cứng nhắc này mà ngày Tết dần trở nên nhàm chán, tẻ nhạt trong mắt nhiều người. Chúng ta không còn có cảm giác hào hứng nữa mà trở nên mệt mỏi, chán nản với những hoạt động cứ lặp đi lặp lại mỗi dịp Tết đến xuân về. Cộng thêm áp lực với việc ngày càng phải đón Tết lớn hơn, sung túc hơn càng khiến chúng ta thêm “sợ Tết”.
Vậy giải pháp tốt nhất cho bạn và gia đình dịp xuân Nhâm Dần này là chủ động làm mới kế hoạch ăn Tết của mình. Hãy thử đón Tết theo một cách khác sáng tạo hơn như cùng đại gia đình du xuân ở một địa điểm du lịch ngoại thành hoặc thay đổi lịch trình và kế hoạch ăn Tết khác với thường lệ. Nếu bạn và gia đình ở trong khu vực đang hạn chế di chuyển để chống dịch, hãy tận dụng cơ hội này đón một cái Tết gọn nhẹ, an toàn và tiết kiệm hơn.
Cách 3: Giảm tải nhiệm vụ, đón Tết nhẹ tênh
Nếu không thể áp dụng 2 cách trên, bạn vẫn có thể đón Tết Nhâm Dần một cách gọn nhẹ và ít áp lực hơn bằng cách thu gọn lại danh sách mục tiêu cần chuẩn bị và thực hiện. Hãy bắt đầu bằng các bước sau đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị: Bạn cần chuẩn bị một quyển sổ hoặc một mẫu giấy và chia thành 4 cột có nội dung gồm (1) tên nhiệm vụ, (2) chi phí thực hiện, (3) thời gian cần để thực hiện, (4) mức độ cần thiết,
- Bước 2 – Liệt kê: Ở cột số (1), bạn hãy ghi lại toàn bộ các nhiệm vụ mà bạn phải thực hiện trước và trong Tết. Ở cột số (2) và (3), bạn ghi lại chi phí và thời gian dự kiến để thực hiện các nhiệm vụ ở cột (1). Cách này sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ quan trọng của mỗi nhiệm vụ cũng như nguồn lực cần thiết mà mình cần để hoàn thành.
- Bước 3 – Phân loại: Dựa vào những gì đã làm ở bước 2, tại cột số (4), bạn đánh giá tầm quan trọng và mức độ cần thiết của các nhiệm vụ kể trên theo thang điểm từ 1 đến 4. Hãy đánh số 1 cho những nhiệm vụ cần thiết nhất, 2 cho các nhiệm vụ nên có, 3 cho các hạng mục có cũng được mà không có cũng không sao và 4 cho các nhiệm vụ không cần thiết.
- Bước 4 – Lược bỏ: Sau khi đã hoàn thành việc đánh giá và phân loại, bạn hãy lược bỏ những nhiệm vụ có thứ hạng phân loại là 3 và 4. Thậm chí nếu cảm thấy vẫn còn quá áp lực, bạn có thể bỏ luôn một số hạng mục xếp hạng 2 và tập trung vào các nhiệm vụ có tầm quan trọng được đánh số 1.
- Bước 5 – Lên kế hoạch thực hiện và bám sát vào đó: Sau khi đã có được danh sách các việc phải làm qua 4 bước trên, bạn hãy sắp xếp chúng vào một bản kế hoạch đón Tết Nhâm Dần cụ thể và cùng cả nhà bám sát vào đó để thực hiện.
Trên đây là 3 cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ Tết và không còn phải nói câu “đang yên đang lành tự nhiên Tết đến” nữa. Hãy áp dụng để giảm bớt áp lực chuẩn bị đón Tết cho mình và có thêm thời gian nghỉ ngơi cũng như mừng xuân mới Nhâm Dần tiết kiệm, hạnh phúc và trọn vẹn hơn, bạn nhé.