Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine ở các tỉnh và đặc biệt là tâm dịch TPHCM để đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Vaccine Covid 19 là mối quan tâm mà mọi người đang tập trung hướng tới. Vì vậy, các bạn hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về vaccine và giải đáp thắc mắc nguy cơ bị nhiễm Covid sau khi tiêm phòng nhé.
Hệ thống miễn dịch cần được bảo vệ trước virus
Đầu tiên, chúng ta cần biết về bộ máy bảo vệ cơ thể trước những tác nhân, yếu tố độc hại xâm nhập như thế nào. Bộ máy ấy đó là hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan làm việc cùng nhau để giúp chống lại sự lây nhiễm từ vi khuẩn hoặc virus có hại. Khi một tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể của bạn, hệ thống miễn dịch sẽ:
- Nhận biết vi khuẩn hoăc virus là vật lạ (không thuộc về cơ thể)
- Cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra các protein đặc biệt được gọi là kháng thể. Trong hầu hết thời gian, hệ thống miễn dịch của bạn ban đầu không thể hoạt động đủ nhanh để ngăn cản tác nhân gây bệnh. Nhưng bằng cách tiêu diệt mầm bệnh, nó sẽ giúp bạn khỏe lại
- Ghi nhớ tác nhân đã khiến bạn bị bệnh và cách tiêu diệt. Bằng cách đó, nếu bạn tiếp xúc cùng một mầm bệnh trong tương lai, hệ thống miễn dịch có thể nhanh chóng tiêu diệt nó trước khi nó có cơ hội khiến bạn bị bệnh như ban đầu. Sự bảo vệ này được gọi là khả năng miễn dịch.
Vaccine hoạt động thế nào?
Có 2 loại vaccine virus: Loại vaccine có chứa virus đã bị giết chết và loại vaccine chứa virus đã được làm yếu đi. Đây còn được gọi là kháng nguyên. Khi bạn tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với vaccine giống như cách hoạt động của nó đối với tác nhân gây bệnh thật mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên. Vì vậy hệ thống miễn dịch vẫn sẽ:
- Nhận biết vi trùng trong vaccine là vi trùng lạ
- Phản ứng bằng cách tạo ra kháng thể đối với vi trùng trong vaccine, giống như đối với vi trùng thật.
- Ghi nhớ mầm bệnh và cách tiêu diệt nó. Một lần nữa, bằng cách đó, nếu bạn tiếp xúc với vi trùng gây bệnh trong tương lai, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ có thể nhanh chóng tiêu diệt nó trước khi nó có cơ hội gây bệnh cho bạn. Đây là cách bạn có được miễn dịch từ vắc xin.
Lợi ích của việc tiêm vaccine Covid 19
Tất cả các vaccine Covid-19 hiện đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh. Chúng đều được đánh giá cẩn thận trong các thử nghiệm lâm sàng và chỉ được chấp thuận khi làm giảm đáng kể khả năng bạn bị nhiễm Covid-19 trước khi ra mắt công chúng. Đồng nghĩa nếu bạn bị nhiễm bệnh, cơ thể bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại bệnh. Không những thế, việc tiêm vaccine bảo vệ những người bạn yêu thương và cộng đồng của bạn.
Các tác dụng phụ của vaccine Covid 19
Bạn có thể bị một số tác dụng phụ. Đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể bạn đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của bạn, nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày. Một số người sẽ không có tác dụng phụ.
Điển hình các tác dụng phụ xảy ra ở cánh tay mà bị tiêm gồm phản ứng viêm: sưng, nóng, đỏ, đau… ngay chỗ tiêm. Toàn thân bạn có thể sẽ có những dấu hiệu đau đầu, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ… Trong đó, triệu chứng sốt nhẹ, sốt khoảng 38°C là một trong các phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau tiêm vài ngày. Nếu sốt cao từ 38,5°C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt.
Hiện nay, paracetamol là hoạt chất có tác dụng giảm đau và hạ sốt được khuyên dùng trong các trường hợp đau và sốt từ nhẹ đến vừa, đặc biệt là giảm đau hạ sốt sau khi tiêm ngừa. Không nên dùng thuốc giảm đau như paracetamol trước khi tiêm để ngăn ngừa tác dụng phụ. Bởi vì ngay cả các chuyên gia y tế vẫn không biết thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của vắc xin.
Bạn có thể bị mắc Covid 19 sau khi tiêm không?
Vaccine Covid-19 đang được sử dụng trên khắp thế giới có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do coronavirus, nhưng một số người được tiêm chủng đầy đủ COVID 19 vẫn sẽ bị bệnh, vì không có vaccine nào có hiệu quả 100%. Đây được gọi là những trường hợp đột phá về vaccine. Với những trường hợp “đột phá” như vậy, các chuyên gia y tế cho rằng vaccine sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ngoài các đặc điểm cụ thể của vaccine, một số yếu tố khác như tuổi, tình trạng sức khỏe, tiền sử mắc Covid-19 trước đây, tiếp xúc hiện tại với SARS-CoV-2 hoặc sự lưu hành của các biến thể virus có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Chuyên gia y tế vẫn chưa biết khả năng miễn dịch từ các loại vaccine Covid-19 khác nhau sẽ kéo dài bao lâu. Đó là lý do tại sao ngay cả khi vaccine đang được triển khai, chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế khuyến cáo như thực hiện quy tắc 5K “khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế”.
Trong 14 ngày đầu tiên sau khi chủng ngừa, bạn không có mức độ bảo vệ đáng kể vì mức độ bảo vệ đang tăng dần. Đối với vắc xin hai liều như hiện nay Việt Nam đang sử dụng, cần dùng cả hai liều để đạt được mức độ miễn dịch cao nhất có thể.
Lời kết
Sau khi được chủng ngừa, để an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng, chúng ta nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế và tốt nhất là cố gắng thực hiện tiêm đủ 2 liều vaccine, để có khả năng phòng bệnh lên tới 70%. Hãy theo dõi sức khỏe thường xuyên ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng. Rất nhiều người mắc Covid sau khi tiêm, do đó bạn hãy đừng chủ quan mà hãy cứ cẩn thận phòng bệnh. Trong trường hợp xấu nhất, bạn cần giữ cho tinh thần của mình lạc quan, bình tĩnh thực hiện từng bước vệ sinh, chữa trị. Mẹ và Con chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe, niềm lạc quan và tinh thần vui vẻ, phấn chấn cùng vượt qua đại dịch.