Mẹ và Con - Chứng rối loạn tích trữ có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên khả năng cao xuất hiện ở người trẻ tuổi, trong độ tuổi 11 đến 15 tuổi và có dấu hiệu rõ rệt ở người lớn tuổi. Tỷ lệ người mắc chứng rối loạn tích trữ thường trong khoảng từ 2% đến 6%.

Rối loạn tích trữ là một căn bệnh tâm lý khiến người bệnh cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến việc loại bỏ các món đồ có trong nhà, trong văn phòng, nơi làm việc của mình. Bạn có xu hướng tích trữ quá nhiều, bất kể giá trị thực tế của chúng như thế nào.

Giải mã chứng bệnh rối loạn tích trữ

Rối loạn tích trữ là gì? Đây là một căn bệnh tâm lý mạn tính, khiến người bệnh bị ám ảnh với việc lưu giữ đồ đạc, vật dụng hay thậm chí vật nuôi với số lượng lớn dù không cần thiết. Người bệnh cảm thấy khó khăn và tiếc nuối, buồn bã hay thậm chí đau khổ khi phải nghĩ đến việc vứt bỏ các món đồ dùng và nhận thấy cần phải tiết kiệm chúng.

chứng bệnh rối loạn tích trữ

Người mắc bệnh rối loạn tích trữ chứa tất cả những món đồ mà họ có thể, khiến không gian sống trở nên chật chội, thậm chí chỉ có những lối đi hẹp uốn lượn qua những đống đồ đạc lộn xộn. Mặt bàn, bồn rửa chén, bếp lò, bàn làm việc, cầu thang và hầu như tất cả các không gian khác thường chất đầy đồ đạc.

Và khi không còn chỗ trống bên trong, sự lộn xộn có thể lan sang cả ban công, sân thượng hay bất kỳ những không gian nào mà người bệnh cho rằng họ có thể cất giữ đồ đạc của họ.

Chứng bệnh rối loạn tích trữ có thể dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, rối loạn tích trữ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn, nhưng không nên chủ quan vì người bệnh nặng có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chứng bệnh này, chẳng hạn như khi bạn lưu giữ quá nhiều đồ đạc trong không gian sống chung và khiến người bạn đời của bạn khó chịu, dẫn đến việc vợ chồng cãi nhau, mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn,…

Triệu chứng bệnh rối loạn tích trữ

Lấy và để dành quá nhiều đồ đạc, dần dần tạo nên sự bừa bộn trong không gian sống và khó vứt bỏ đồ đạc thường là những dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của chứng rối loạn tích trữ, thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên đến những năm đầu trưởng thành.

Khi một người già đi, họ thường bắt đầu mua những thứ không có nhu cầu hoặc không sử dụng ngay lập tức. Ở tuổi trung niên, các triệu chứng thường nghiêm trọng và có thể khó điều trị hơn.

thích tích trữ đồ đạc trong nhà

Các vấn đề về tích trữ dần dần phát triển theo thời gian và có xu hướng trở thành một hành vi riêng tư. Thông thường, khi bạn tích trữ nhiều đồ đạc đến mức bạn gây chú ý cho người khác nghĩa là chứng rối loạn tích trữ của bạn đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mua quá nhiều những thứ không cần thiết, không dùng đến.
  • Gặp khó khăn, chần chừ khi vứt bỏ hoặc cho đồ đạc của bạn, bất kể giá trị thực tế là bao nhiêu.
  • Cảm thấy cần phải tiết kiệm những món đồ hay vật dụng và khó chịu khi nghĩ đến việc vứt bỏ chúng.
  • Các không gian ở luôn lộn xộn bởi việc lưu giữ và chất chứa quá nhiều vật dụng.
  • Có xu hướng thiếu quyết đoán, trốn tránh, trì hoãn các vấn đề về lập kế hoạch và tổ chức, đặc biệt liên quan đến việc dọn dẹp không gian sống.

Rối loạn tích trữ khác với thu thập. Những người có bộ sưu tập, chẳng hạn như tem hoặc xe mô hình, cố tình tìm kiếm các mặt hàng cụ thể, phân loại chúng và trưng bày cẩn thận bộ sưu tập của họ. Mặc dù các bộ sưu tập có thể lớn, nhưng thường bạn chỉ sưu tập một loại đồ vật cụ thể. Chẳng hạn như nếu bạn có niềm đam mê với tem, bạ chỉ sưu tập tem, chứ không phải mang tất cả mọi thứ như tem, bao thư, con dấu,… về nhà.

Tác hại của chứng rối loạn tích trữ là gì?

Mua quá nhiều, tích trữ và không bao giờ bỏ bớt sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như:

  • Các vật dụng trong nhà, chẳng hạn như báo, quần áo, giấy tờ, sách,… sẽ chất thành từng đống vô cùng lộn xộn.
  • Không gian đi lại và khu vực sinh hoạt của gia đình trở nên chật chội, không sử dụng được cho mục đích ban đầu, chẳng hạn như không thể nấu ăn trong bếp hoặc sử dụng phòng tắm để tắm.
  • Tích tụ thức ăn hoặc rác đến mức bất thường, mất vệ sinh.
  • Gây mất an toàn cho bản thân và những người khác trong nhà của bạn, khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu.
  • Dễ gây xung đột, cãi vã với những người cố gắng giảm thiểu các đồ vật không cần thiết hoặc đang dọn dẹp đồ đạc trong nhà của bạn.
  • Khó sắp xếp đồ đạc, đôi khi làm mất đồ quan trọng trong đống lộn xộn.

rối loạn ám ảnh tích trữ

Nguyên nhân gây rối loạn tích trữ

Nguyên nhân gây rối loạn tích trữ là gì? Theo các nghiên cứu về căn bệnh này, có thể thấy, rối loạn tích trữ có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:

  • Do yếu tố di truyền.
  • Do người bệnh trải qua các biến cố có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, chẳng hạn như mất người thân nên có xu hướng tích trữ tất cả di vật của người đã mất và những thứ liên quan đến sở thích của người đã mất hoặc bị mất tài sản nê cố gắng tích trữ để có cảm giác an toàn hơn.
  • Do cảm thấy căng thẳng, áp lực quá mức khiến chức năng não bộ bị suy giảm.

Theo các nguyên nhân trên, những người mắc chứng rối loạn tích trữ thường tiết kiệm, lưu trữ đồ vì:

  • Họ tin rằng những món đồ này là duy nhất hoặc sẽ cần đến vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
  • Các vật phẩm có ý nghĩa tình cảm quan trọng, như một lời nhắc nhở về thời gian hạnh phúc hoặc đại diện cho những người hoặc thú cưng yêu quý.
  • Họ cảm thấy an toàn hơn khi được bao quanh bởi những thứ họ tiết kiệm được.
  • Họ không muốn lãng phí bất cứ thứ gì.

chứng rối loạn tích trữ

Điều trị bệnh rối loạn tích trữ

Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể không coi đó là vấn đề, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Giải pháp cho người mắc chứng rối loạn tích trữ gồm có:

  • Liệu pháp tâm lý: Thực hiện “nhận thức hành vi” giúp người bệnh hiểu được căn bệnh của mình và phối hợp điều trị rối loạn ám ảnh tích trữ hiệu quả hơn.
  • Sử dụng thuốc điều trị: Chưa có thuốc đặc trị cho bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn tích trữ thường xảy ra cùng với chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Do đó, có thể kết hợp dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm,… để người bệnh tỉnh táo và minh mẫn hơn.
  • Điều trị bằng ý chí, lối sống: Nếu bạn nhận thức được mình đang mắc chứng rối loạn tích trữ, hãy cố gắng cải thiện thông qua việc chống lại ham muốn sở hữu nhiều tài sản; phân loại vật dụng, đồ đạc; học cách cho đi nhiều hơn; xác định các món đồ dùng không cần thiết và không lưu trữ chúng trong không gian ở; tham gia các hoạt động xã hội và tiếp xúc với nhiều người hơn; thường xuyên dọn dẹp nhà cửa;…

Chứng rối loạn tích trữ không phải một chứng bệnh lạ hay quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể gây nên một số phiền toái trong cuộc sống. Vì thế, nếu nhận thấy bản thân có một vài biểu hiện bệnh hay có xu hướng tích trữ đồ đạc quá nhiều thì hãy cố gắng xem những món đồ mình tích trữ có thật sự cần thiết hay không và nếu không thể ngừng việc tích trữ thì đừng ngại tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ bạn nhé!

Bài viết liên quan