Mẹ và Con - Nếu không được điều trị, chứng rối loạn lo âu về bệnh tật có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng và làm cho bạn không thể ngừng nghĩ đến nỗi ám ảnh về các vấn đề sức khỏe của mình.

Ước tính có khoảng 0,1% dân số mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ. Một số phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện tình trạng lo lắng và ám ảnh quá mức này.

Rối loạn lo âu về bệnh tật

Rối loạn lo âu về bệnh tật là gì?

Rối loạn lo âu về bệnh tật (Illness anxiety disorder – IAD) là một dạng của rối loạn lo âu, khiến người bệnh có nỗi sợ hãi tột độ về việc mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng.

Những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật rất tập trung vào sức khỏe thể chất của họ. Họ có thể nhận thức rõ hơn về các chức năng bình thường của cơ thể như đổ mồ hôi và coi chúng là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng chưa được chẩn đoán. Những người mắc IAD cũng dành nhiều thời gian để suy nghĩ về sức khỏe thể chất của mình. Sự lo lắng và sợ hãi về sức khỏe một cách quá mức khiến những người này nhạy cảm hơn bao giờ hết với chủ đề sức khỏe.

Thậm chí, những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật liên tục cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hoang mang kể cả khi đã thực hiện các xét nghiệm và có kết luận chính thức từ bác sĩ rằng họ có sức khỏe hoàn toàn bình thường.

rối loạn lo âu về bệnh tật

Các dạng rối loạn lo âu về bệnh tật

Khi mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật, bạn có thể thuộc một tron 2 dạng là luôn tìm kiếm sự chăm sóc về y tế và tránh né sự chăm sóc y tế. Hai loại này khác nhau ở cách bạn đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng của mình về những vấn đề sức khỏe.

Người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật có thể thường xuyên đi bệnh viện, tìm mọi cách liên hệ với bác sĩ để trao đổi về những triệu chứng sức khỏe mà họ cho là bất thường. Kể cả những việc nhỏ nhất như bạn cảm thấy hơi mỏi cổ hoặc bạn hắt hơi, bạn đi vệ sinh với màu nước tiểu đậm hơn bình thường một chút,… thì bạn cũng bắt đầu đến bệnh viện để khám bệnh.

Thậm chí, khi đến bệnh viện và được chẩn đoán sức khỏe bình thường thì bạn có thể không hài lòng với những gì bác sĩ đã kết luận, không tin tưởng bác sĩ. Bạn sẽ tiếp tục đổi bác sĩ và đổi bệnh viện, cơ sở y tế khám bệnh liên tục.

Một trường hợp khác của người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật chính là bạn sẽ từ chối mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe. Bởi vì bạn quá lo lắng về kết quả thăm khám hoặc xét nghiệm, chẳng hạn như chẩn đoán một căn bệnh đe dọa tính mạng, nên bạn sẽ tránh đến bệnh viện, không khám bệnh dù cho cơ thể bắt đầu phát ra những dấu hiệu cảnh báo.

Thậm chí có người còn tiêu cực hơn bằng cách tránh né việc đọc những thông tin về sức khỏe, không để cho bất kỳ ai xung quanh mình nhắc đến bệnh tật dù cho việc họ nói chẳng liên quan gì đến bạn.

Phương pháp điều trị bệnh rối loạn lo âu về bệnh tật

Triệu chứng rối loạn lo âu về bệnh tật

Những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật trải qua nỗi lo lắng tột độ về việc mắc bệnh hoặc bị bệnh nặng. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về một căn bệnh cụ thể, chẳng hạn như ung thư vú, đột quỵ, ung thư dạ dày hoặc về bất kỳ căn bệnh nào.

Ngoài mối bận tâm về việc mắc phải một căn bệnh nào đó, các triệu chứng của người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật bao gồm:

  • Có sự lo lắng không tương xứng với vấn đề sức khỏe thực tế hoặc các triệu chứng đang gặp phải
  • Trở nên cảnh giác cao độ, có thể bao gồm việc quan sát khắp cơ thể để tìm các triệu chứng có thể xảy ra
  • Thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại để giảm bớt căng thẳng liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như liên tục nghiên cứu tình trạng sức khỏe hoặc đo huyết áp nhiều lần trong ngày
  • Có những nỗi sợ hãi liên quan đến sức khỏe kéo dài từ sáu tháng trở lên và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn
  • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế quá mức (đến bệnh viện, khám bệnh online, đăng ký tư vấn,…) để yên tâm hoặc tránh chăm sóc y tế vì sợ hãi (không đi khám bệnh, không muốn ai chẩn đoán tình trạng sức khỏe của mình, che giấu các bất thường về sức khỏe,…)
  • Nếu bạn mắc IAD, bạn cũng có thể lo lắng về sức khỏe thể chất của người thân

Những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật thường không có bất kỳ triệu chứng thực thể nào hoặc chỉ có một vài biểu hiện do lo lắng quá mức như tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều hơn, cảm thấy khó tập trung trong công việc,…

Triệu chứng rối loạn lo âu về bệnh tật

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lo âu bệnh tật là gì?

Nguyên nhân

Hiện tại vẫn không thể biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn lo âu về bệnh tật. Các yếu tố tâm lý xã hội đã được nghiên cứu nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác. Tâm lý xã hội đề cập đến mối quan hệ giữa các yếu tố tâm lý và xã hội.

Ví dụ, ai đó có thể tin rằng một căn bệnh phổ biến hơn hoặc dễ lây lan hơn thực tế và vì vậy lo lắng về căn bệnh này nhiều hơn mức cần thiết. Hoặc, cách suy nghĩ của ai đó có thể đã bị ảnh hưởng sau khi bị bệnh khi còn nhỏ. Bạn cũng có thể phát triển chứng rối loạn lo âu này nếu dành nhiều thời gian đọc về các vấn đề y tế, chẳng hạn như những vấn đề mà người nổi tiếng hoặc bạn bè có thể mắc phải.

Nguyên nhân di truyền và sinh học chưa được nghiên cứu nhiều. Đã có một số nghiên cứu nhỏ cho thấy những người mắc rối loạn lo âu về bệnh tật có sự khác biệt ở một số phần nhất định của não so với những người không mắc bệnh này. Nhưng cần nghiên cứu thêm để nói chắc chắn vai trò của gen hoặc sinh học đối với sự phát triển của bệnh.

Các yếu tố rủi ro

Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn lo âu về bệnh tật vẫn chưa được biết rõ nhưng có những yếu tố nguy cơ đã được biết đến. Bất cứ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật, nhưng bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn nếu bạn gặp phải bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Có tiền sử bị rối loạn lo âu, chẳng hạn như rối loạn lo âu lan tỏa
  • Một thành viên gia đình trực tiếp mắc IAD
  • Trải nghiệm cá nhân với một căn bệnh nghiêm trọng hoặc mãn tính hoặc có một thành viên trong gia đình trải qua trải nghiệm như vậy
  • Trải nghiệm tiêu cực với hệ thống y tế khiến bạn không tin tưởng vào bệnh viện, bác sĩ
  • Từng bị dụng tình dục, thể chất
  • Khó chịu với những cảm giác bình thường của cơ thể, chẳng hạn như đổ mồ hôi

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lo âu bệnh tật là gì

Phương pháp điều trị bệnh rối loạn lo âu về bệnh tật

Phương pháp chữa rối loạn lo âu về bệnh tật thường bao gồm liệu pháp tâm lý, dùng thuốc hoặc cả hai.

Trị liệu có thể ở dạng trị liệu hành vi nhận thức (CBT). CBT đã được chứng minh là giúp những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật xác định và giải quyết những suy nghĩ và lo lắng phi lý về sức khỏe của mình. Phương pháp trị liệu cũng có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng đối phó lành mạnh hơn và cho phép bạn diễn giải các cảm giác cơ thể của mình chính xác hơn.

Bạn cũng có thể thực hành giảm căng thẳng dựa trên thực hành chánh niệm để làm giảm tác động của căng thẳng mãn tính và cấp tính, đồng thời giúp bạn thư giãn thường xuyên hơn. Bên cạnh các kỹ thuật thở và thư giãn cơ bản, bạn cũng có thể được khuyến khích thực hiện thiền và yoga, đồng thời ghi nhật ký biết ơn và nhật ký các sự kiện tích cực.

Rối loạn lo âu về bệnh tật là gì

Thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chẳng hạn như Prozac (fluoxetine) và Paxil (paroxetine) cũng có thể có tác dụng kiểm soát các triệu chứng tâm lý của chứng rối loạn lo âu về bệnh tật. Thuốc có thể được kê đơn nếu liệu pháp điều trị đơn thuần không hiệu quả hoặc bạn mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật nghiêm trọng, cần can thiệp sớm để tránh những hậu quả ảnh hưởng đến cuộc sống.

Rối loạn lo âu về bệnh tật thường là một tình trạng mãn tính. Tuy nhiên, các triệu chứng thường có thể được kiểm soát hiệu quả bằng liệu pháp tâm lý và/hoặc sử dụng thuốc. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Và không có cách nào rõ ràng để ngăn ngừa chứng rối loạn lo âu do bệnh tật, nên tốt nhất nếu cảm thấy mình đang gặp những triệu chứng bất thường thì hãy sớm đến bệnh viện thăm khám hay chia sẻ cho người thân, bạn bè có kinh nghiệm để sớm can thiệp bạn nhé!

Bài viết liên quan