Mẹ&Con – Chăm sóc tiền sản thật tốt hay chọn thời điểm phù hợp để mang thai là một trong những cách phòng tránh sinh non ở bà bầu hiệu quả. Ngoài ra, mẹ cũng có thể phòng sinh non bằng những biện pháp đơn giản dưới đây. 

Nguy hiểm chẳng kém các căn bệnh nào khác, sinh non là mối đe dọa sức khỏe và tính mạng hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, cho con một tấm vé vào đời lành lặn, đủ ngày đủ tháng là điều vô cùng quan trọng mà mẹ cần làm. Trong bài viết này, Mẹ&Con xin gửi đến các bà mẹ những kiến thức phòng tránh sinh non để con không “đòi ra sớm”. Cùng tìm hiều nhé!

Chọn thời điểm phù hợp để mang thai

Khoảng cách giữa các lần mang thai cần cách nhau ít nhất là 18 tháng, tốt nhất là từ 2 đến 5 năm. Đây là những khoảng thời gian hợp lý đủ cho mẹ phục hồi sức khỏe cho lần sinh tiếp theo. Việc mang thai quá gần nhau sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non cho mẹ bầu.

Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có những lý do riêng trong việc lựa chọn khoảng cách giữa hai lần sinh. Cho dù khoảng thời gian ấy là bao lâu đi nữa, hãy chắc chắn rằng cơ thể của mẹ đã hồi phục hoàn toàn, sẵn sàng tinh thần cũng như sức khỏe để sinh em bé tiếp theo.

phòng tránh sinh non ở bà bầu
Có nhiều biện pháp giúp phòng tránh sinh non ở bà bầu. (Ảnh minh họa)

Chăm sóc tiền sản phòng tránh sinh non ở bà bầu

Một ngày nào đó, bạn cho rằng bản thân đã sẵn sàng để có em bé. Khi đó, một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm là lập kế hoạch mang thai và chuẩn bị một sức khỏe, tinh thần thật tốt.

Bạn cần khám sức khỏe tiền sản. Nếu bạn đang mắc bệnh nào đó, thì hãy chắc chắn rằng bệnh được điều trị và kiểm soát tốt trước khi mang thai. Bạn cũng cần tạo lối sống lành mạnh, tránh rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ tiêm phòng đầy đủ một số vắc-xin cần thiết trước khi mang thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… Đây là biện pháp giúp cả mẹ và bé yêu tránh được những rủi ro đáng tiếc, trong đó cũng bao gồm cả sinh non.

Trước khi mang thai, để phòng tránh sinh non ở bà bầu sau này, mẹ còn chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài dưỡng chất từ khẩu phần ăn uống hàng ngày, mẹ cũng có thể sử dụng thêm các loại viên bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Duy trì cân nặng hợp lý

Một trong những yếu tố quan trọng để có được thai kỳ khỏe mạnh, ổn định chính là việc giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Cân nặng tăng quá nhanh hay quá chậm cũng đều làm tăng nguy cơ sinh non.

Tùy vào cơ địa của từng mẹ mà việc tăng cân khi mang thai có sự khác nhau. Mẹ có thể dựa vào chỉ số BMI của cơ thể trước khi mang thai để tìm hiểu cân nặng của mình khi mang thai như thế nào là hợp lý. Thông thường:

  • BMI < 18,5 (gầy) cần tăng 12 – 18 kg trong suốt thai kỳ
  • BMI = 18,5 – 26 (chuẩn) cần tăng 10 – 12 kg trong suốt thai kỳ
  • BMI = 26 – 29 (thừa cân) cần tăng 7 – 12 kg trong suốt thai kỳ
  • BMI > 29 (béo phì) cần tăng 6 – 11 kg trong suốt thai kỳ

Công thức tính chỉ số BMI:

BMI = (trọng lượng cơ thể) / (chiều cao x chiều cao)

Chú thích:

  • Trọng lượng cơ thể tính bằng đơn vị kg
  • Chiều cao tính bằng đơn vị cm

Giữ tâm trạng thoải mái

Căng thẳng và lo âu khi mang thai ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi. Căng thẳng, lo lắng trong thời gian dài sẽ gây suy giảm sức khỏe của người mẹ, kéo theo sức khỏe của thai nhi cũng đi xuống. Chính vì lý do này, muốn phòng tránh sinh non ở bà bầu, mẹ cũng luôn cần sống lạc quan, giữ tâm trạng bình tĩnh, suy nghĩ theo hướng tích cực. Mẹ cũng có thể tìm niềm vui với những điều mình yêu thích như nấu ăn, làm đồ handmade cho bé, đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè…

Tránh làm việc quá sức

Cơm áo gạo tiền luôn gắn liền với cuộc sống, nhưng không vì thế mà mẹ gắng làm quá sức khi mang thai. Điều này có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Thay vào đó, mẹ cần cân bằng thời gian làm việc một cách hợp lý. Khi cảm thấy mệt mỏi, mẹ cần dừng công việc lại và dành thời gian nghỉ ngơi ngay lập tức.

Giữ vùng kín sạch sẽ, khô thoáng

Để ngăn ngừa các loại nấm và bệnh âm đạo, mẹ cũng cần chú ý giữ cùng kín sạch sẽ, lựa chọn đồ lót thoáng mát trong thai kỳ.

Khi vùng kín của mẹ gặp “rắc rối” như mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt là bệnh viêm đường tiết niệu thì có thể gây ra vỡ màng ối và chuyển dạ sinh non.

Chế độ ăn uống cân bằng

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến việc bà bầu có sinh non hay không. Nếu chế độ ăn uống thiếu cân bằng, thiếu dưỡng chất thì nguy cơ sinh non rất cao. Chính vì vậy, bà bầu luôn nhớ tăng cường những thực phẩm giàu dưỡng chất để giúp bé khỏe mạnh, phát triển ổn định trong suốt thai kì.

Một số nhóm thực phầm cần thiết trong thai kỳ có thể kể đến như: axit béo omega-3 (trong trứng, cá hồi, rong biển, các loại đậu); vitamin A (trong cà rốt, bí đỏ, khoai lang); vitamin C (trong cam, quýt, dâu, ớt chuông), vitamin E (trong các loại hạt, đu đủ, rau xanh); sắt (trong các loại thịt đỏ, gan động vật, đậu phụ) và canxi (trong sữa, các chế phẩm từ sữa, các loại hải sản).

Mỗi ngày, bà bầu cũng đừng quên bổ sung cho cơ thể ít nhất là 2 lít nước (tương đương với khoảng 8 cốc nước). Khi uống nước, mẹ cần uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không quá 150 – 200 ml.

Khám sức khỏe định kỳ

Để phòng tránh sinh non ở bà bầu, khám thai định kỳ cũng là một việc làm quan trọng, nhất định không thể bỏ qua. Việc khám thai thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu theo dõi được tình hình sức khỏe của cả mẹ và bé. Bác sĩ có thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường, dấu hiệu sinh non một cách sớm nhất, từ đó có những biện pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Bài viết liên quan