Mỗi năm, đột quỵ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ chính là bí quyết bạn bảo vệ sức khỏe của mình trước “lưỡi hái của tử thần”.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (Stroke) xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não suy giảm, tắc nghẽn, gián đoạn một cách đột ngột. Lúc này, do não bị thiếu oxy và dinh dưỡng để nuôi các tế bào não nên các tế bào này sẽ bắt đầu chết dần. Do đó, đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não.
Các dấu hiệu của người bị đột quỵ bao gồm:
- Méo mặt
- Tay chân khó cử động, liệt tay chân, không thể nhấc chân lên, đi rớt dép,…
- Nói bị đớt, không nói chuyện được
- Lẫn lộn, sảng, hôn mê
- Hoa mắt, thị lực giảm sút
- Đau đầu
- Buồn nôn, nôn ói
- Chóng mặt, mất thăng bằng, không thể đứng vững
Về nguyên nhân, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Mắc các bệnh lý tim mạch (rung tâm nhĩ, hở van tim, suy tim,…)
- Tăng huyết áp
- Bệnh tiểu đường
- Rối loạn Lipid máu
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ
- Uống rượu bia, lạm dụng các chất kích thích
- Béo phì, thừa cân, ít vận động
- Ăn uống không lành mạnh, thường xuyên dùng thức ăn có lượng chất béo cao, nhiều dầu mỡ
Thời gian xảy ra quá trình đột quỵ chỉ kéo dài vài phút. Các trường hợp đột quỵ đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như méo miệng, liệt tay hoặc chân, liệt nửa người, rối loạn cảm xúc, lo âu trầm cảm…. Nếu không kịp thời phát hiện và cấp cứu thì người bị đột quỵ còn có thể phải sống đời sống thực vật hoặc thậm chí tử vong.
Hiện nay, tình trạng đột quỵ ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa do người trẻ ngày nay chưa xây dựng thiếu khoa học trong chế độ ăn uống và sinh hoạt như: ít vận động, sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng,…
Do đó, việc xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa đột quỵ là điều vô cùng quan trọng, không thể chủ quan.
Cách phòng ngừa đột quỵ
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Lựa chọn bữa ăn chính và cả các bữa ăn nhẹ lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Nên cố gắng đảm bảo ăn nhiều trái cây tươi và rau quả để bổ sung vitamin C, chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, cần ghi nhớ cholesterol cao và huyết áp cao làm tăng khả năng bị đột quỵ. Do đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa cholesterol cao. Hạn chế muối (natri) trong chế độ ăn uống của bạn cũng có thể làm giảm huyết áp của bạn.
Giảm cân
Giảm cân là một cách để phòng ngừa đột quỵ bởi béo phì, cũng như các biến chứng liên quan đến béo phì, chẳng hạn như tiểu đường, đều làm tăng khả năng bị đột quỵ. Nếu bạn thừa cân, việc giảm từ 5-10kg tùy theo cân nặng có thể thật sự giúp bạn hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Làm sao để biết bản thân có bị thừa cân hay không? Tốt nhất hãy theo dõi chỉ số khối cơ thể (BIM) để biết bạn đang ở mức nào, thiếu cân, thừa cân hay đã có cân nặng chuẩn. Sau đó, hãy lên kế hoạch giảm cân bằng một số biện pháp như:
- Cố gắng ăn không quá 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI hiện tại của bạn).
- Tăng cường vận động với các hoạt động như đi bộ, tập yoga, bơi lội,…
Tập thể dục
Để có một lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa đột quỵ, bạn nên dành thời gian để tập thể dục nhiều hơn. Tập thể dục góp phần làm giảm cân và giảm huyết áp – những vấn đề có thể dẫn đến đột quỵ. Và, tập thể dục cũng có vai trò như một phương pháp giảm nguy cơ mắc đột quỵ độc lập.
Vậy nên tập thể dục bao nhiêu thì đủ? Theo đó, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày và 3-4 ngày/tuần cho việc luyện tập. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chia nhỏ mỗi buổi tập từ 10-15 phút và tập 2-3 buổi/ngày.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng đáng kể khả năng bị đột quỵ. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, cai thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Tham khảo: 5 bí quyết cai thuốc lá cho chồng
Hạn chế rượu bia
Bia rượu và những buổi tiệc tùng trông có vẻ rất vui, nhưng cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của bạn. Vì thế, muốn phòng ngừa đột quỵ, hãy hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng rượu bia hoặc các thực phẩm có chứa cồn.
Lượng rượu bia cho phép ở nam giới là không quá 2 ly/ngày còn ở nữ giới là không quá 1 ly/ngày. Nếu buộc phải uống rượu, nên ưu tiên lựa chọn rượu vang bởi uống một ít rượu vang có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
Ngủ đủ giấc
Thức khuya, dậy sớm, mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc có thể khiến bạn kiệt sức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Do đó, nên chú ý để ngủ đủ giấc. Với những trường hợp mất ngủ, bạn có thể uống nước ấm, massage chân, dùng các loại trà thảo mộc, nghe nhạc nghỉ ngơi thư giãn,… để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình.
Xem thêm: Mất ngủ kéo dài nguy hiểm như thế nào
Tầm soát và điều trị các vấn đề sức khỏe
Tiểu đường, huyết áp cao, các vấn đề tim mạch,… chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ. Vì thế, giải pháp phòng ngừa đột quỵ chính là thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các vấn đề về sức khỏe.
Nếu đang mắc bệnh, cần uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tuân theo phác đồ điều trị để có thể hạn chế bệnh diễn tiến nặng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Giải tỏa các áp lực sống
Áp lực tiền bạc, công việc, những vấn đề căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội,… cũng là thủ phạm dẫn đến những rắc rối về mặt sức khỏe. Người thường xuyên sống trong lo lắng sẽ dễ gặp tình trạng đau đầu, đau nửa đầu, rối loạn giấc ngủ,… và đột quỵ.
Vì thế, để phòng ngừa đột quỵ, bạn nên học cách để kiểm soát những mối bận tâm của mình cũng như đối mặt với áp lực. Nghe nhạc, đọc sách, trò chuyện cùng bạn bè, đi dạo phố, chơi cờ, vẽ tranh,… là những cách để bạn giải quyết căng thẳng của mình, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Trên đây là 8 điều cần làm để phòng ngừa đột quỵ. Việc bảo vệ bản thân chưa bao giờ là điều dư thừa, hãy cố gắng để yêu thương chính mình và chăm lo cho sức khỏe của bản thân càng sớm càng tốt, bạn nhé!