Có chuyện không vừa ý là… đập đồ
Chồng Nhung cực kỳ nóng tính. Mới cưới nhau vài tháng nhưng rất nhiều đồ đạc trong nhà đều bị anh đập nát. Lần đó, anh vừa mua chiếc điện thoại mới trị giá hơn 10 triệu. Chị Nhung xót của nên càu nhàu vài câu. Chị vừa đứng lên, anh cầm điện thoại ném thẳng vào tường. Chiếc điện thoại văng dội ra, rơi xuống đất. Nhung vội nhặt lên nhưng không kịp, Thành nhanh tay nhặt lên, ném mạnh một lần nữa. Lần này thì điện thoại vỡ ra tan tành.
Chưa hết, sẵn có cái bình cổ trưng trên kệ, anh đá mạnh xuống đất. Cái remote bên cạnh cũng không thoát được con mắt đang long lên sòng sọc của Thành. Anh đập vỡ tan tành.
Nhung không kềm được, nói lớn: “Anh làm gì vậy hả?”. Lập tức, Thành giáng một bạt tai đau điếng xuống Nhung, cô loạng choạng rồi té xuống nền nhà. Thành bỏ đi, kèm theo câu thách thức: “Cho chừa, lần sau đừng ý kiến ý cò gì nghe không?”. Nhung ôm mặt, nghẹn ngào khóc.
Dạy con bằng cách… đánh con
Hoàng nổi tiếng là ông bố trẻ yêu con. Dù bận rộn với công việc của một trưởng phòng trong công ty truyền thông lớn, nhưng anh giành công việc đi đón con ở trường, việc mà đúng ra là của vợ. Đồng nghiệp ai cũng cười, chọc quê nhưng anh mặc kệ. Anh vẫn đến đúng giờ và đón con về.
Yêu con như vậy nhưng thỉnh thoảng, Hoàng vẫn đánh con trận nào trận đó nhớ đời. Lần đó, anh kèm toán cho cu Ken. Nói qua nói lại thế nào mà anh đạp con té chúi nhủi xuống ghế. Chị Xuân can nhưng cũng bị xô té đập đầu vào thành bàn. Đến khi Ken la lớn quá, hàng xóm chạy qua can thiệp anh mới chịu buông con ra. Khi mọi việc xong xuôi, chị hỏi con mới được biết, Hoàng dạy hoài con không hiểu nên… đánh.
Nóng lên là nói những câu xúc phạm
Chồng Nga lại có tật xấu là thường nói những câu rất khó nghe khi nổi nóng. Lần đó, khi còn đang ở chung với gia đình chồng, Nga ủi quần áo chuẩn bị cho chồng đi đám tiệc. Sơ ý, chiếc bàn ủi quá nóng nên làm ố vải bên phía tay áo phải. Vì cận giờ, quần áo lại vừa mang ra tiệm giặt hết nên Quân phùng mang trợn má lên với Nga: “Ngu gì mà ngu quá, có nhiêu đó làm cũng không xong”. Nga ấm ức đáp lại: “Anh có cần nói nặng như vậy không?”. Lập tức, Quân giằng lấy cái áo trên tay Nga, vo lại thành cục rồi quăng vào thùng rác.
Nga hốt hoảng lấy áo lên từ thùng rác, phủi bụi thì lập tức, Quân bỏ gọn áo vào bếp ga bên cạnh, bật lửa phừng phừng. Nga chỉ còn biết đứng nhìn không nói được lời nào.
Người trong cuộc nói gì?
Với ông bố trẻ, anh Hoàng khi được hỏi: “Có phải anh dùng biện pháp: thương cho roi, cho vọt không?” thì anh lắc đầu nguầy nguậy: “Làm gì có chuyện đó. Con cái mình sinh ra, nó đau một mình đau gấp trăm lần. Tôi không phải dạy con theo cách đó. Chỉ do lúc nóng không kiềm chế được nên vậy thôi. Tôi đang tập một vài cách hạ cơn nóng nhưng xem ra chưa hiệu quả”.
Khi được hỏi về hành động “quen thuộc”: đập phá đồ đạc trong nhà, Thành tỏ ra rất trầm tư: “Tôi cũng nai lưng ra đi làm và nhận lương hàng tháng. Tôi hiểu rõ việc kiếm tiền không dễ chút nào, đó là chưa kể vợ chồng tôi đang lên kế hoạch tích góp tiền lo cho con cái sau này. Đâu phải tôi “vô cảm” với tiền, cũng xót lắm chứ nhưng không hiểu sao lúc đó lại hành động như vậy. Những lúc vui vẻ, vợ tôi cũng tâm sự, hỏi tôi coi cô ấy phải làm sao để tôi đừng nóng tính. Điều này khiến tôi ân hận lắm nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để giảm cơn nóng tính. Lúc đấy, không còn là tôi nữa”.
Mỗi lần Quân nói những câu xúc phạm, Nga lại giận cho cả nửa tháng. Quân than thở: “Lần nào cũng phải năn nỉ gãy lưỡi cô ấy mới chịu bỏ qua. Cứ nghĩ đến khuôn mặt “nặng như chì” của vợ là tôi… ngán. Đâu phải tôi muốn thế! Chắc phải cố từ bỏ chứ không có ngày mất vợ như chơi.
Lời khuyên
Nóng tính là một trong những biểu hiện cảm xúc của người đàn ông. Nói thế cũng không có nghĩa là bắt chị em phụ nữ phải chấp nhận tính xấu này của chồng mình mà khuyên bạn đừng quá chăm chú, đánh giá những lời nói, hành động của họ trong lúc nóng giận. Bởi vì có đến 99% là sai, chính họ cũng nhận ra điều đó.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Thanh Thảo (tổng đài 1088) thì: “Người vợ cần hết sức tỉnh táo trong lúc chồng lên cơn nóng, vì rất dễ, bạn sẽ bị lôi kéo vào cuộc. Người đàn ông khi nóng giận còn có thêm tật xấu là dễ đổ thừa. Từ đó, chủ đề ban đầu bị xoay hẳn qua một chủ đề khác. Điều này làm bạn bực bội không kém. Cứ thế, chẳng thể hóa giải được mà càng làm cho tình hình trầm trọng hơn lên”.