Mẹ và Con - Làm sao để bảo vệ bản thân trước những ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm không khí? Ngoài đeo khẩu trang, đâu là biện pháp giúp bạn phòng tránh bệnh hô hấp cho chất lượng không khí suy giảm?

Tình hình ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng hơn tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố. Cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân trước những tác động do ô nhiễm không khí gây nên.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

Có hơn 200 chất độc hại do con người tạo ra được thải vào không khí xung quanh bạn hàng ngày dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm khói bụi từ các phương tiện vận tải, khí thải từ các khu công nghiệp, khí thải từ bếp ăn,… Ngoài ra, cháy rừng và các vấn đề thiên tai khác cũng khiến ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm không khí chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi,…

Các  nghiên cứu trong nhiều năm đã nhiều lần chỉ ra rằng, nồng độ hạt mịn trong không khí ngoài trời tăng lên tương ứng với việc tăng số ca nhập viện vì bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác,…

Ai đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động tiềm tàng của ô nhiễm không khí? 

Bất kỳ ai, dù là người già, trẻ nhỏ hoặc phụ nữ đang mang thai, thanh thiếu niên,… đều có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Trong đó, các đối tượng có nguy cơ bị tổn thương cao hơn bao gồm:

Những người mắc bệnh tim hoặc phổi

Những người mắc các bệnh như suy tim, đau thắt ngực, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khí phế thũng hoặc hen suyễn có nhiều khả năng có phản ứng xấu với chất lượng không khí ngoài trời kém.

Người cao tuổi

Nhóm người từ độ tuổi trung niên (45 tuổi trở lên) và đặc biệt là người cao tuổi có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí không đảm bảo.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Phổi và hệ hô hấp của trẻ em vẫn đang phát triển. Trẻ cũng có xu hướng hít thở nhiều không khí hơn trên mỗi kg trọng lượng cơ thể so với người lớn và cũng thích ra ngoài công viên, chơi ngoài trời hơn. Điều này khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Người mắc bệnh tiểu đường

Điều này có thể ảnh hưởng đến tim và sức khỏe. Tiếp xúc với không khí xấu có thể làm cho tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Phụ nữ mang thai

Hít thở không khí có chứa các chất độc hại có thể khiến phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ gặp nguy hiểm, gặp các biến chứng khi sinh. 

Ngoài ra, những người thường xuyên hoạt động ngoài trời như công nhân tại công trường xây dựng, người sinh sống gần khu vực nhà máy hoặc nơi xử lý rác thải,… là những đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí cao hơn.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào

Các dấu hiệu bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

Nếu bạn hoặc người thân của bạn sống hoặc làm việc ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như:

  • Sổ mũi
  • Cay mắt
  • Khó thở
  • Bị kích thích ở cổ họng và phổi của bạn
  • Đau họng, ho kéo dài
  • Có đờm trong cổ họng
  • Tình trạng tim hoặc phổi xấu đi

Cách bảo vệ sức khỏe bản thân trước tác động của ô nhiễm không khí

Không phải chờ đến khi có những triệu chứng bệnh do ô nhiễm không khí thì mới bắt đầu điều trị. Thay vào đó, bạn có thể chủ động áp dụng những biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình trước tác động từ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trước tình trạng không khí ô nhiễm.

Thường xuyên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí

AQI chính là chỉ số chất lượng không khí (AQI) dùng để đánh giá xem không khí hiện tại như thế nào. Có rất nhiều ứng dụng giúp bạn có thể xem nhanh chỉ số này trên điện thoại để biết về tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực mà bạn sinh sống.

Thông thường, các ứng dụng theo dõi AQI sẽ đưa ra các cảnh báo được mã hóa bằng màu sắc để cho bạn biết liệu không khí xung quanh bạn có tốt cho sức khỏe hay không.

Ví dụ: màu xanh lá cây có nghĩa là không khí trong lành, thoáng khí, trong khi màu đỏ được dùng để cảnh báo bạn về tình trạng ô nhiễm nguy hiểm.

Cách bảo vệ sức khỏe bản thân trước tác động của ô nhiễm không khí

Ở trong nhà, đóng cửa ra vào và cửa sổ

Nếu chỉ số AQI đang ở mức không tốt cho sức khỏe, hãy cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là gần các khu vực tắc nghẽn giao thông. Thay vào đó, nên trong nhà và đóng cửa để ngăn chặn không khí ô nhiễm lọt vào không gian nhà ở của bạn.

Tránh tập thể dục ngoài trời ở những nơi có mức độ ô nhiễm cao

Tránh chạy hoặc đi bộ ở những khu vực có nhiều người qua lại. Các phương tiện như xe buýt và ô tô có thể thải ra các chất độc hại và làm cho chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, hãy cố gắng hạn chế con bạn chơi ngoài trời nhiều khi chất lượng không khí kém.

Cân nhắc sử dụng máy lọc không khí

Mặc dù máy lọc không khí không loại bỏ tất cả các chất gây ô nhiễm nhưng có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà của bạn. Chọn máy lọc không khí có tốc độ phân phối không khí sạch (CADR) cao phù hợp với diện tích phòng của bạn để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một nghiêm trọng.

ô nhiễm không khí tại thành phố

Thay thế bộ lọc

Thay đổi bộ lọc của máy điều hòa và máy lọc không khí thường xuyên sẽ cải thiện chất lượng không khí và giảm mức sử dụng năng lượng.

Dùng máy hút bụi thay cho chổi

Khi vệ sinh nhà ở, thay vì dùng chổi thì bạn có thể đầu tư cho máy hút bụi, đặc biệt là khi loại bỏ mạt bụi, lông thú,… Máy hút bụi có khả năng hút sạch hơn và giúp bạn có không khí trong lành hơn.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài

Sau đại dịch Covid-19, có lẽ ai cũng biết về tầm quan trọng của khẩu trang để giúp ngăn cản các giọt bắn chứa virus, vi khuẩn và mầm bệnh từ người đối diện. Tuy nhiên, khẩu trang còn có vai trò trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn khỏi tác động của ô nhiễm không khí.

Bạn có thể đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế, nhưng chỉ một số khẩu trang nhất định như N95 mới lọc được các hạt bụi mịn. Và với khẩu trang vải, cần giặt sạch mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh.

Trồng cây

Bạn có thể trồng cây ở khu vườn hay ban công trước nhà. Cây xanh sẽ giúp hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2 giúp môi trường sống xung quanh bạn được trong lành hơn.

trồng cây giảm ô nhiễm không khí

Sử dụng các tiện ích thân thiện với môi trường tại nhà

Bằng cách sử dụng ít năng lượng hơn hoặc các nguồn thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, bạn có thể giảm số lượng chất độc hại thải ra trong và xung quanh nhà và khu vực mình sinh sống. Điều này sẽ giúp không khí xung quanh không gian sống của bạn trong lành hơn và tốt lành hơn cho những người thân yêu của bạn.

Chú ý đến các triệu chứng sức khỏe liên quan đến chất lượng không khí

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí, nên đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của bạn và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Chọn ăn uống hoặc đi dạo, hẹn hò ở những nơi không có thuốc lá

Khói từ thuốc lá truyền thống hoặc vape (thuốc lá điện tử) có thể gây ô nhiễm không khí xung quanh bạn bằng các chất độc hại. Khói thuốc đặc biệt có hại nếu bạn hoặc người thân của bạn mắc bệnh tim hoặc phổi. Để tránh điều đó, hãy chọn những nhà hàng không thuốc lá và những nơi không hút thuốc khác.

Với tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, hãy hành động để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn nhé!

Bài viết liên quan