Mẹ&Con – Chuyện này được nói tránh, nói né bằng những cái tên rất… phức tạp, li kì và khơi gợi trí tò mò, nào khóc ngoài biên ải, nào chưa đến chợ đã hết tiền. Nhưng bất kể gọi bằng tên gì thì với các quý ông, nó vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi, là một trong những vấn đề được rủ rỉ rù rì hỏi nhiều nhất ở các phòng khám Nam khoa và… bên bàn nhậu!!!

Nỗi khổ của chồng bị xuất tinh sớm

Mẹ&Con – Chuyện này được nói tránh, nói né bằng những cái tên rất… phức tạp, li kì và khơi gợi trí tò mò, nào khóc ngoài biên ải, nào chưa đến chợ đã hết tiền. Nhưng bất kể gọi bằng tên gì thì với các quý ông, nó vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi, là một trong những vấn đề được rủ rỉ rù rì hỏi nhiều nhất ở các phòng khám Nam khoa và… bên bàn nhậu!!! • Bác sĩ Nguyễn Thành Quân

Nguồn: Mẹ&Con, Cập nhật: 11/03/2013

Khi “bản lĩnh nam nhi” bị… thử thách!

Rất nhiều lần, bác sĩ nghe những lời phàn nàn dở khóc dở cười từ các chị vợ, rằng: Chẳng hiểu sao chồng em dạo này nhất định không chịu gần vợ nữa. Rồi thì hễ gần vợ, chưa gì hết trơn, “đạn pháo” đã bay vèo vèo, kết thúc luôn… trận mạc. Đã thế, hình như anh ấy “mặc cảm” chuyện này sao đó bác sĩ ơi, ảnh toàn né em, bảo mệt, bảo bận công việc hoặc… chê bai em không biết cách, khiến ảnh bị “trục trặc”. Có chị, được thể than luôn: Ảnh nhậu nhiều hơn, lại còn bồ bịch lung tung. Mà em biết, chẳng qua mất tự tin với vợ nên muốn tỏ ra mình đầy “bản lĩnh nam nhi” bằng những trò bia ôm bia iếc kiểu đó, chứ ngày xưa ảnh đâu có đâu bác sĩ.

Nhiều lắm! Nghe đến là… nản lòng chiến sĩ. Còn với các “chiến sĩ” thật sự thì kín đáo hơn, dè dặt hơn, song chung quy cũng đều thổ lộ nỗi lo lắng của mình: Tôi trục trặc thế có sao không? Có phải là do tuổi tác? Làm cách nào để “bền sức” hơn? Làm cách nào để vợ đừng chê bai nữa? Có anh, mất tự tin chuyện ấy đâm ra… mất tự tin luôn trong cuộc sống đời thường, làm gì cũng gắt gỏng với vợ, ghen tuông bóng gió, khiến không khí gia đình căng thẳng như dây đàn.

Thế mới thấy, rõ ràng cái chuyện “xuất binh” sớm hay muộn thôi mà cũng thành ra… chuyện lớn. Nó ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng cuộc sống chăn gối mà quan trọng hơn, ảnh hưởng đến tâm lý, đến sự tự tin, đến cách cư xử trong cuộc sống đời thường.

Nghe thì cứ tưởng như đùa, song thực tế không ít đôi vợ chồng bỗng dưng trở nên… lạnh sau những lần chưa xung trận đạn đã “bay tứ tung” như thế. Lạnh, không hẳn vì người vợ không được thỏa mãn, nản chồng mà đa phần lạnh là do người chồng mất cảm giác “tự hào” về bản thân mình, cảm thấy ngại ngần và muốn né tránh chuyện chăn gối.

Điều đáng nói, rất nhiều đức lang quân cứ tưởng đây là “bệnh”, trong khi thực tế, xuất tinh sớm rất hiếm khi là trường hợp bệnh lý, mà phần nhiều chỉ là những trục trặc chăn gối mang tính tâm lý, có rất nhiều giải pháp giúp vượt qua! Nói vậy để biết, điều quan trọng đầu tiên vẫn là tìm đúng thầy đúng thuốc, đừng ngại ngần giấu bệnh, đừng “tự chữa” hoặc rỉ tai nhau qua… bàn nhậu để hỏi han đủ các chiêu thức, mang về áp dụng có khi tiền mất tật mang. Cũng không nên giữ rịt lấy trong người, tự mình mặc cảm, tự ti trong khi đây là chuyện rất thường gặp ở quý ông và cũng rất bình thường nhất là sau tuổi 40. Chẳng có gì đáng để bạn phải “ôm sầu hận” trong lòng như thế cả.

Hãy biết rằng chuyện “xuất binh” kia vốn là một dạng phản xạ diễn ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong một thời gian, dài hay ngắn là phụ thuộc vào từng người, đó là tăng cảm giác kích thích và có thể kiểm soát được. Giai đoạn sau diễn ra ngắn và không thể kiểm soát được.

Với người “khóc ngoài biên ải”, sẽ xảy ra trường hợp phóng tinh trước khi muốn và cảm thấy không thể kiểm soát được, coi như đầu hàng vô điều kiện với tình trạng… “đạn bay vèo vèo” kia. Định nghĩa này cũng có nghĩa là nếu muốn khắc phục tình trạng trên, bạn cần kiểm soát giai đoạn đầu (chứ tất nhiên giai đoạn sau thì “vô phương rồi!), thông qua một số “mẹo” hoặc thuốc (chỉ dùng khi thật cần thiết theo chỉ định của bác sĩ).

Khoc ngoai bien ai

(Ảnh minh họa)

Tuyệt chiêu tránh “cướp cò”

Xử trí chuyện “cướp cò”, điều đầu tiên, quan trọng nhất, xin khẳng định chính là chuyện rèn tâm lý trận mạc. Như đã nói ngay từ đầu, xuất quân sớm hầu hết chỉ là một trạng thái rối loạn tâm lý, không phải là một tình trạng bệnh lý có tổn thương thực thể. Vì thế, biện pháp khắc phục đơn giản chỉ là rèn luyện và…. rèn luyện.

Đừng quá đặt nặng chuyện ấy, đừng gây áp lực cho mình, hãy xem việc chăn chiếu là chuyện lâu dài, chẳng nhất thiết “quyết thắng trận này” cho bằng được. Tâm lý bình chân như vại sẽ khiến bạn dễ thở hơn nhiều.

Để tránh hư bột hư đường, nên cố gắng xem càng nhẹ chuyện này càng tốt. Đừng đòi hỏi mình phải hoàn hảo trước nàng. Nhớ xem, có ai hoàn hảo trên đời đâu chứ! Có thể chia sẻ với vợ rằng bạn muốn thực hiện khúc dạo đầu theo chiều hướng tập trung mang đến cảm xúc cho nàng, dặn nàng tránh va chạm quá nhiều vào “hoàng tử bé”. Bằng cách đó, mọi việc sẽ khả quan hơn.

Một cách thức hữu ích nữa là bạn cần tập cách phân tâm khi “hành sự”. Có thể ngó lơ đôi chút, buông lỏng bản thân, tránh tập trung cao độ đòi hỏi mình… đạt huy chương vàng. Áp lực càng ít, chuyện khóc ngoài biên ải càng được giảm thiểu.

Bạn cũng có thể chia sẻ với vợ để nàng biết cách thực hiện biện pháp “stop-start” (ngưng-khởi động lại), nhằm tránh kích thích liên tục kéo dài. Một chuyện nữa xin dặn riêng với các chị em, tuyệt đối lúc chăn chiếu đừng bao giờ hỏi một câu ngỡ ngàng đến mức… thiếu tế nhị, kiểu như: “Anh… xong rồi à?”, sẽ chỉ khiến các chàng thêm mất tự tin, căng thẳng và rơi vào vòng lẩn quẩn, càng căng thẳng càng mau “hết tiền”, càng mau “hết tiền” càng căng thẳng.

Nhiều “bà xã” cũng hay kín đáo hỏi riêng bác sĩ: Có món ăn nào khắc phục được tình trạng này không? Xin trả lời rằng về mặt cơ bản, bạn chỉ cần cung cấp cho chồng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất mà thôi. Có thể bổ sung thêm một số món giàu Kẽm như hàu, hải sản nói chung.

Còn lại, đừng tin quá vào những món như kiểu rượu thuốc, các món “ăn gì bổ nấy” được quảng cáo. Những món ấy đôi lúc đột xuất có tác dụng, chẳng qua cũng là nhờ… tâm lý (quá tin tưởng, thấy tự tin, thoải mái) mà thôi.

Cuối cùng, một chuyện nhỏ cần nhắc nhở các quý ông là nếu bình thường bạn “tự xử” một mình quá nhiều, hoặc bạn trong tình trạng phập phồng lo lắng (không phải gần gũi vợ mà đang “chán cơm thèm phở” chẳng hạn) thì cơ thể sẽ dần hình thành nên một cung phản xạ ổn định, tức xuất binh sớm để mọi việc “nhanh gọn lẹ” cho xong.

Việc này nếu kéo dài và thường xuyên sẽ dẫn đến việc tới lúc muốn… chậm cũng không chậm được nữa. Lúc đó, muốn hình thành lại một cung phản xạ mới cần có ý chí, sự kiên nhẫn cũng như có sự hỗ trợ từ người bạn đời, khích lệ, động viên, giúp cơ thể chuyển sang “nhịp” mới.

Thống kê từ phòng khám Nam khoa của Bệnh viện Bình Dân cho thấy, có đến 30 – 40% quý ông bị mắc chứng bệnh phiền toái này. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ khuyên nên ứng dụng các “bí kíp” hay điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, luôn ghi nhớ, đây là loại thuốc cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ khi dùng. Tuyệt đối không nên “tự xử”.

Tags:

Bài viết liên quan