Chắc hẳn không ít lần bạn đã từng nghe đến việc cắt giảm thịt trong bữa ăn. Điều đó thực sự hỗ trợ sức khỏe, cũng như mang lại nhiều lợi ích đáng mong đợi cho chúng ta, chẳng hạn như kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe đường ruột…
Tuy nhiên, những lợi ích của việc cắt giảm thịt trong bữa ăn còn phụ thuộc vào các loại thực phẩm khác ăn kèm khác. Bài viết này sẽ giúp bạn đánh giá 3 lợi ích hàng đầu của việc giảm hoặc tránh ăn thịt.
Vì sao việc tiêu thụ nhiều thực vật lại tốt hơn?
Lý do là vì trong thực vật có chứa nhiều hợp chất có lợi hơn như chất chống oxy hóa, chất xơ và một số vi chất dinh dưỡng mà thịt không thể cung cấp. Ngoài ra, những người ăn chế độ ăn dựa trên thực vật (plant-based) có xu hướng tiêu thụ ít calo và chất béo hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn thay thế thịt bởi các thực phẩm được chế biến sẵn, chứa nhiều đường, tinh bột tinh chế hoặc muối thì hoàn toàn không thể mang lại lợi ích gì. Hơn nữa, điều quan trọng cần lưu ý là chế độ ăn thuần chay, ăn chay hoặc chủ yếu là thực vật có thể thiếu các chất dinh dưỡng chủ yếu có trong thực phẩm động vật.
Chế độ ăn dựa trên thực vật không được lên kế hoạch tốt có thể không cung cấp đủ vitamin B12, kẽm, canxi, sắt và axit béo Omega-3 cùng với các chất dinh dưỡng khác.
Lợi ích sức khỏe của việc cắt giảm thịt trong bữa ăn
1. Hỗ trợ sức khỏe tổng thể và quản lý cân nặng hiệu quả
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn chay (cắt giảm thịt trong một vài bữa ăn) và chế độ ăn thuần chay (loại trừ tất cả các sản phẩm động vật) giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho thấy rằng chế độ ăn bổ sung nhiều thực vật hơn có khả năng cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 so với chế độ ăn tiêu thụ nhiều sản phẩm từ động vật.
Bên cạnh đó, việc cắt bớt thịt trong bữa ăn cũng có thể giúp bạn giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng.
Một phân tích của 12 nghiên cứu cho thấy, những người theo chế độ ăn chay trung bình trong 18 tuần ghi nhận số cân giảm được nhiều hơn đáng kể so với những người ăn theo các chế độ ăn kiêng khác.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Một trong những khía cạnh được nghiên cứu nhiều nhất của chế độ ăn dựa trên thực vật là ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe tim mạch.
Các nghiên cứu dù gây tranh cãi những đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chất béo bão hòa chủ yếu có trong thịt và các sản phẩm động vật, và việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Có rất nhiều cuộc tranh luận về mối liên kết tiềm năng này. Mặc dù vậy, tốt nhất là bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt có chứa nhiều chất béo bão hòa như:
- Thịt đỏ
- Thịt ba rọi
- Lạp xưởng
- Xúc xích
Bạn nên tiêu thụ các loại thịt có ít chất béo bão hòa hơn, chẳng hạn như thịt gia cầm và thịt nạc.
Hơn nữa, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ được giảm thiểu tối đa khi thay thế các nguồn chất béo bão hòa bằng các nguồn chất béo không bão hòa đa, chẳng hạn như cá, hạt lanh và quả óc chó.
Chế độ ăn dựa trên thực vật (plant-basedd) không bao gồm nhiều (nếu có) thịt và thường giàu nguồn chất béo không bão hòa, chẳng hạn như:
- các loại đậu và hạt
- bơ
- dầu ô liu
Chúng cũng chứa giàu chất xơ, một chất dinh dưỡng có thể giúp điều hóa mức cholesterol xấu trong máu. Điều này cũng hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Do đó, ăn nhiều thực vật hơn và cắt giảm các loại thịt có nhiều chất béo bão hòa hoàn toàn có lợi cho sức khỏe tim mạch. Loại thịt bạn chọn để đưa vào chế độ ăn uống cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
3. Cải thiện sức khỏe đường ruột
Khi thay thế thịt bằng đa dạng các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại thực phẩm thực vật khác, cơ thể bạn đang được cung cấp một lượng giàu chất xơ cực kỳ tốt cho sức khỏe đường ruột.
Chất xơ cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột của bạn, sản xuất các hợp chất có vai trò chống viêm và hỗ trợ miễn dịch trong cơ thể.
Vi khuẩn đường ruột cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển của một số tế bào ung thư, và bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2. Protein thực vật và các hợp chất có lợi được gọi là polyphenol được tìm thấy trong thực phẩm thực vật cũng có thể giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh.
Mặt khác, một số nghiên cứu cho thấy chất béo và protein từ các nguồn động vật có thể thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có hại cho đường ruột ảnh hưởng tiêu cực đến sự trao đổi chất và còn là một trong số các nguyên nhân gây ra bệnh tim.
Nhìn chung, một chế độ ăn bổ sung nhiều thực phẩm thực vật và hạn chế thịt có thể nuôi dưỡng vi khuẩn có lỡi trong cơ thể, hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, hệ vi sinh vật đường ruột rất phức tạp. Cần có nhiều nghiên cứu hơn về chủ đề này để chúng ta có thể hiểu đầy đủ về vai trò của protein động vật đối với sức khỏe đường ruột.
Lời kết
Tóm lại, việc cắt giảm thịt trong bữa ăn và thiết kế một chế độ ăn bổ sung đa dạng thực phẩm từ thực vật có thể giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim và một số bệnh ung thư, đồng thời hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.
Hơn hết, việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm động vật còn có những tác động tích cực đến môi trường. Vì ngành sản xuất thịt thường đòi hỏi tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn, dẫn đến phát thải nhiều khí nhà kính hơn, gây phá rừng và ô nhiễm ở mức độ lớn hơn so với nhà máy sản xuất trái cây, rau và các loại thực phẩm thực vật khác.
Nếu bạn muốn bắt đầu một một chế độ ăn hạn chế thịt, hãy cắt giảm lượng thịt một cách hợp lý theo thời gian để cơ thể thích nghi, tìm đọc thêm các nguồn thông tin hữu ích và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có được một chế độ ăn hợp lý nhất.