Càng kiêng càng xấu
Theo dân gian, sản phụ phải “ở cữ” trong ba tháng mười ngày. Thời gian này kiêng khem rất nhiều thứ như kiêng ăn, kiêng vệ sinh, kiêng đi lại… Đầu tiên là “tuyệt giao” với các món mát, lạnh, món tanh, không được uống nhiều nước… vì các món này bị cho là làm đau bụng, lạnh bụng, sẽ để lại di chứng khi về già. Để cơ bụng săn chắc, bà đẻ phải ăn mặn, không ăn rau, củ, quả. Ngay cả trái cây cũng phải nấu chín mới được ăn. Không được uống nhiều nước để bụng không bị sổ.
Kế đến là việc kiêng… đánh răng, vì quan niệm sau sinh răng “yếu như cua lột” nên việc vệ sinh răng miệng sẽ làm răng lung lay, mòn men răng. Bà đẻ chỉ được súc miệng bằng nước muối và lau răng. Sau sinh, không được gội đầu để tránh bị đau buốt đầu khi cao tuổi, chẳng những thế, còn phải mặc áo ấm, mang vớ… Nịt bụng bằng gen là cách mà phụ nữ giữ vòng eo sau sinh, càng mang gen lâu chừng nào thì bụng mau săn chắc, nhỏ gọn chừng ấy.
Mẹ đẹp con khỏe
Thật ra kiêng cữ thái quá sau sinh nở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé. BS Đào Thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cảnh báo: “Muối tác động lên tế bào thành mạch máu gây tăng huyết áp, giữ nước, phù… Ăn nhiều món mặn hoặc quá nhiều trứng luộc sẽ thiếu rau, củ, quả trong chế độ dinh dưỡng. Thiếu chất xơ còn dẫn đến táo bón. Kiêng uống nước để không bị sổ bụng là cách tự hành mình mệt mỏi và cạn nguồn sữa”.
Tầng sinh môn sau khi sinh bị dãn, cơ lỏng lẻo nên khi bị táo bón sẽ áp lực lên thành mạch máu, tạo ra búi trĩ. Sản phụ nên ăn, uống đầy đủ các loại rau củ để tránh bệnh táo bón giúp đẹp da và lợi sữa. Tuy nhiên, nếu cư ngụ ở nơi nguồn nước không an toàn thì nên hạn chế ăn rau sống. Nước uống sau khi sinh tốt nhất là nước đun sôi để ấm. Sau khi ăn nên dùng bàn chải mềm để chải răng nhẹ nhàng tránh sâu răng và các bệnh răng miệng khác. Bà đẻ cần ở phòng thoáng mát, không có gió lùa, không nằm than, vì lửa than có nhiều thán khí, làm việc hấp thụ dưỡng khí của tế bào trở nên khó khăn, cơ thể mẹ mau mệt, bé quấy khóc.
Sinh thường hay sinh mổ thì sau sinh vẫn có sản dịch. Nếu vệ sinh không kỹ lưỡng sẽ nhiễm trùng phần phụ. Vì vậy, bà đẻ cần tắm gội thường xuyên. Khi tắm nên dùng nước ấm và sấy tóc sau khi gội đầu. Không tắm bồn vì vết thương tầng sinh môn sau sinh cần giữ khô ráo và sát trùng để mau lành. Nên phơi quần áo ngoài nắng, thay băng vệ sinh thường xuyên. Khi thay băng vệ sinh cần xem xét xem sản dịch có mùi bất thường hay không.
Sự vận động không những giúp cơ thể thải sản dịch nhanh chóng, mà còn giúp các cơ mau chóng lấy lại độ đàn hồi, phòng chống bệnh sa dạ con, sa trực tràng. Cần biết, nếu sản dịch không chảy ra được, sẽ ứ đọng bên trong dễ dẫn tới máu đông trong lòng mạch, gây viêm tắc tĩnh mạch. Chỉ nên tránh những vận động nặng như gồng gánh, khuân vác ngay sau sinh vì có thể gây sa sinh dục hay bàng quang.
Cuối cùng là cuộc chiến lấy lại vòng eo. Tốt và hiệu quả nhất là tập thể dục chứ không phải mang gen nịt bụng. Cơ càng được vận động càng săn chắc thì vòng 2 càng nhỏ và đẹp. Các bà mẹ trẻ cũng có thể sử dụng dịch vụ xoa bóp sau sinh.