Mẹ&Con - Bước sang tuổi ăn dặm, thay vì toàn bú sữa mẹ hoặc sữa bột, giờ đây bé yêu cần đến một chế độ dinh dưỡng phong phú hơn, với nhiều món ăn, nhiều nhóm chất khác nhau. Ăn sao cho bé khỏe là vấn đề sẽ làm “đau đầu” mẹ, bởi lẽ khi lật ra bất kỳ trang báo nào của thời buổi này, thấy nhan nhản những thông tin thực phẩm không sạch, không lành, trẻ bị ngộ độc, trẻ thiếu chất, ăn lệch lạc dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì, mẹ không khỏi những âu lo. Thực phẩm màu và sức khỏe của bé Tiệc tùng và sức khỏe của bé Con khỏe nhờ ăn

Những “bước đệm” đầu tiên

Luôn nhớ, dù bạn nỗ lực, tích cực lên thực đơn bổ dưỡng, ngon lành đến mấy mà bé không chịu ăn thì cũng… vô phương. Bé chịu ăn, luôn hào hứng với bữa ăn là yếu tố đầu tiên, quyết định sự thành công của một chế độ “ăn khỏe”. Để làm được điều đó, bạn không nên cho trẻ nhảy… cái rụp ngay vào chuyện ăn dặm bằng cách làm quen với các loại bột bán trên thị trường. Thời điểm trẻ không còn chỉ “bú” mà biết chuyển sang “ăn”, bạn nên cho trẻ làm quen với các loại quả thật mềm, nghiền thật nhuyễn như bơ, chuối chín kỹ, táo, đu đủ… Những loại quả này giúp trẻ không bị táo bón và nguy cơ tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa cũng là rất thấp. Hương vị của chúng cũng giúp bé thích thú và không “dị ứng” với chuyện ăn, ngay từ lúc ban đầu.

an-sao-cho-be-khoe

Khi trẻ đã quen với quả, bạn chuyển sang cho con ăn khoai lang, bí đỏ cũng nấu chín, nghiền thật nhuyễn. Mỗi lần chỉ cho thật ít, rồi kiên nhẫn tăng lên từng chút một theo ngày. Muốn bé tiêu hóa tốt, hấp thu tốt các món ăn, mẹ cũng nên cho con uống nhiều nước, cố gắng cho trẻ đi ngoài vào giờ cố định để tạo thói quen cho cơ thể, hạn chế chuyện táo bón.

Một nguyên tắc mang tính căn bản khác để bắt đầu chế độ “ăn khỏe” cho bé là khi bạn chế biến món ăn, phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa kỹ tay cũng như nguyên liệu, vật dụng đựng, nấu… để tránh tình trạng bé bị tiêu chảy chính vì những sơ suất vệ sinh của mẹ. Nguyên liệu dùng chế biến món ăn phải tươi sống, được kiểm dịch đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Giai đoạn những năm đầu đời, bạn nên có hẳn một quyển sổ tay ghi chú thực đơn hàng ngày để theo dõi sự phát triển cũng như sự hấp thụ, những tình trạng dị ứng nếu có của bé. Do hệ tiêu hóa thời điểm này chưa hoàn chỉnh nên trẻ rất dễ gặp phải những phản ứng bất thường trước một số món ăn nhất định. Bạn nên biết rõ tất cả những điều này, để tránh gây cho bé những cảm giác đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, từ đó ảnh hưởng sức khỏe và… sợ luôn ăn!

Hạn chế những món này:

– Sữa bò tươi nguyên chất tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Ngoài sữa mẹ và sữa bột, bạn không nên cho bé “dặm” bằng các loại sữa khác vì có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ ngay. 

– Lòng trắng và trứng chưa chín kỹ cũng có khả năng làm bé nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy. Chỉ nên cho trẻ ăn lòng đỏ và phải luộc thật chín, thật kỹ. Không cho trẻ ăn trứng lòng đào.

– Nên hạn chế cho trẻ dưới 12 tháng ăn phô mai vì đây là một trong những món rất dễ gây ra rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Nếu muốn cho trẻ ăn phô mai, bạn phải chọn loại tiệt trùng và chỉ cho thử từng ít một, nếu bé không có dấu hiệu bất thường mới tăng dần lên.

– Nên hạn chế cho trẻ ăn dặm bằng những món đóng lon, đóng hộp, đóng chai. Vào thời điểm này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn rất non yếu. Bạn chỉ nên cho trẻ ăn các loại hoa quả, thực phẩm tươi, nấu kỹ. Không nên lạm dụng vào đồ hộp vốn có thể có nhiều hóa chất.

– Khi cho trẻ ăn hải sản như tôm, cua, sò, ốc… phải hết sức thận trọng vì đây là những món dễ gây dị ứng, ngộ độc. Nếu bé bị tiêu chảy khi ăn những món này, bạn nên ngưng cho đến khi bé khoảng 2 tuổi mới thử lại. 

Mẹ thuộc lòng những điều này nhé!

Bạn nên cho trẻ bắt đầu làm quen với các món ăn đúng thời điểm (không sớm, không muộn). Để bé có thể “ăn khỏe”, có được hệ tiêu hóa ổn khi chuyển sang giai đoạn làm quen với các món ăn, cần theo công thức từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, từ ngọt đến mặn. Ban đầu, bạn có thể cho con ăn từng chút ít trái cây nghiền thật nhuyễn như đu đủ. Khi bắt đầu với bột, chén bột chỉ bao gồm 2 muỗng bột trong 200ml nước. Lưu ý là khoảng thời gian này, nước dùng để pha bột nên là nước trong hoàn toàn. Chỉ nêm thêm một chút xíu nước mắm nhạt, không dùng bột nêm, không dùng nước thịt để nấu bột.

an-sao-cho-be-khoe

Khi trẻ đã quen dần với việc ăn, bạn có thể bắt đầu giúp con có được chế độ dinh dưỡng phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, dù chế biến thế nào, cũng cần đảm bảo món ăn dặm phải bao gồm đầy đủ 4 nhóm: Bột đường (gạo, bắp, khoai…); Đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…); Chất béo (dầu ô-liu, dầu mè, dầu cải, dầu nành, mỡ cá…) vì chúng rất cần cho sự phát triển của não bộ, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo đồng thời làm cho chén bột mềm, dễ nuốt; cuối cùng là Chất xơ (rau củ quả) để giúp cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời tránh táo bón.

Để bé ngon miệng, nên thường xuyên đổi món cho trẻ, ăn bữa nào dứt điểm bữa đó, không hâm đi hâm lại. Lưu ý thêm, rất nhiều bà mẹ Việt Nam cho rằng khi dùng thịt, cá, tôm, xương… hầm nhừ thì toàn bộ chất dinh dưỡng, tinh túy sẽ nằm trong nước hầm. Cho con ăn nước này là đã tốt rồi. Có bà mẹ suốt giai đoạn con 6-7 tháng chỉ cho ăn toàn một món cháo nấu loãng, nghiền nhuyễn, trộn với nước hầm.

Thực tế cho thấy, nước hầm chỉ cho vị ngọt và mùi thơm nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu. Các chất xơ trong rau củ rất cần cho trẻ, cũng như các “xác” thịt cá mới đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho bé yêu của bạn. Bạn nên băm nhuyễn, nghiền nhỏ các loại “xác” này, nấu thật mềm cho trẻ ăn cả “cái”. Có như thế, bé yêu mới “ăn khỏe” được. 

Bác sĩ Nguyễn Ái Đoan
(BV Nhi Đồng 2) 

Tags:

Bài viết liên quan