Mẹ&Con - "Chăm sóc dây rốn bé sơ sinh sao cho đúng cách?" là câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm. Bởi nếu không đảm bảo vệ sinh, rốn sẽ dễ nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Hãy để bác sĩ hướng dẫn mẹ nhé! Chăm sóc rốn đúng cách cho con Những lưu ý khi chăm sóc cuống rốn bé sơ sinh Những điều cần biết về dây rốn

Mẹ biết không?

Dây rốn hình thành như thế nào?

Dây rốn đóng vai trò là nhịp cầu vận chuyển các chất dinh dưỡng từ mẹ sang nuôi dưỡng bào thai. Gồm các mạch máu ở giữa và các phần thạch Wharton khá trong suốt ở xung quanh. Chiều dài trung bình của một dây rốn trong khoảng từ 45-60cm. Được hình thành từ cơ thể thai nhi.

Sau khi thụ tinh, trứng sẽ chia làm hai phần, một phần phát triển thành phôi thai, phần còn lại hình thành nhau thai. Khi các tế bào trong phôi thai phát triển sẽ hình thành nên các yolk sac (túi noãn hoàng), là bộ phận nuôi dưỡng bào thai giai đoạn sớm. Vai trò này sẽ được thay thế sau đó vài tuần khi bánh nhau xuất hiện. Và dây rốn được hình thành từ trong yolk sac và niệu nang.

Dây rốn quan trọng như thế nào với bào thai?

Dây rốn vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ sang bào thai, khi dây rốn hoạt động tốt thai nhi sẽ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển toàn diện cho đến hết thai kỳ.

Ở tam cá nguyệt thứ 3, trung bình mỗi phút bào thai sẽ nhận được ½ lít máu từ mẹ truyền qua nhau thai. Nhưng máu của mẹ không trộn lẫn vào máu của bé, sự trao đổi chất chất dinh dưỡng, oxy và cặn bã sẽ xảy ra trong bánh nhau thai.

Khi cơ thể mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe, thiếu dinh dưỡng đều ảnh hướng đến sự phát triển của dây rốn và nhau thai. Mẹ ăn uống thiếu chất, nghiện thuốc lá, cà phê, các chất gây nghiện khác hoặc tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe dây rốn.

Những điều mẹ cần biết về chăm sóc dây rốn cho bé yêu 6

Sức khỏe dây rốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt của mẹ. (Ảnh minh họa)

Mẹ biết không?

Khi bào thai còn “mi nhon” dây rốn chính là “món đồ chơi” thú vị để bé kéo, với, thậm chí nhào lộn xung quanh nữa đấy. Nên mới có hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ bé. Theo thống kê có khoảng 35% bé sinh ra bị dây rốn quấn quanh cổ, 1% bé có dây rốn thắt nút trong tử cung. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé. Vì các bác sĩ cho biết, dây rốn có chứa các chất nhầy gọi là “jelly wharton”, giúp bảo vệ các mạch máu bên trong, nên bé sẽ không dễ bị siết chặt khi bị dây rốn quấn cổ hay thắt nút đâu.

Khi chào đời dây rốn của bé sẽ được xử lý như thế nào?

Khi bé chào đời, dây rốn cũng đi ra khỏi bụng mẹ, tiếp xúc với môi trường lạnh hơn, dây rốn bắt đầu co lại, dần dần sẽ ngừng hoạt động. Trong trường hợp mẹ sinh dưới nước, thời gian dây rốn hoạt động khi ra ngoài cơ thể sẽ kéo dài thêm từ 3-20 phút.
Khi dây rốn ra ngoài, bác sĩ sẽ dùng kẹp để kẹp và cắt dây rốn, làm tắc các mạch máu. Lúc này, dây rốn được gọi là cuống rốn. Cuống rốn khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, các mô thạch Wharton sẽ sậm màu lại, khô dần, giúp cuống rốn rụng đi.

Lưu ý: Trong những ngày đầu mới sinh, các mạch máu ở cuống rốn của bé còn hở nên dễ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ dùng gạc vô trùng để bảo vệ rốn, gạc được cố định bằng thun vòng quanh vụng bé. Sau 24 giờ sau sinh, cuống rốn sẽ héo và các mạch máu sẽ tắc hoàn toàn, bác sĩ sẽ tháo kẹp rốn ra. Bắt đầu từ thời gian này, cho đến khi cuống rốn khô và rụng đi, mẹ phải để cuống rốn khô thoáng, giữ vệ sinh sạch sẽ thì các Wharton trên cuống rốn mới nhanh khô, rốn mới mau rụng và không bị nhiễm trùng.

Khi bị nhiễm trùng nếu không phát hiện và điều trị sớm, có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có thể bị uốn ván và tử vong.

Mẹ biết không?

Thông thường sau từ 7-15 ngày cuống rốn sẽ tự rụng. Nếu trong thời gian này, cuống rốn không khô và rụng mà có dấu hiệu bị nhiễm trùng, mẹ nên đưa bé đi bác sĩ ngay để các bác sĩ can thiệp sớm.

Những điều mẹ cần biết về chăm sóc dây rốn cho bé yêu 7

Cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ tự rụng trong vòng 5 – 7 ngày – Ảnh minh họa

Chăm sóc cuống rốn của bé mới sinh như thế nào mới đúng?

Khi chăm sóc cuống rốn của cho bé mẹ phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản sau:

–  Để hở cuống rốn sau khi tháo kẹp rốn:
Sau khi cuống rốn được tháo kẹp mẹ phải để hở rốn bé, không dùng băng gạc để bịt kín cuống rốn bé lại. Vì làm như vậy sẽ vô tình tạo môi trường ẩm ướt, khiến cuống rốn lâu khô và dễ bị nhiễm trùng.

Hơn nữa, theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới, mẹ nên áp da mẹ vào vùng xung quanh cuống rốn và rốn bé. Các vi khuẩn có lợi trên da mẹ sẽ truyền sang da bé, bảo vệ da bé khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.

Khi quấn tã mẹ nên quấn bên dưới cuống rốn, tránh mặc ngang hoặc cao hơn rốn sẽ làm ẩm rốn, vi khuẩn sẽ dễ phát triển gây nhiễm trùng rốn bé. Ngoài ra, nên tránh nước tiểu, phân dính vào rốn bé.

Không nên mặc quần áo body, ôm sát mà nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, tránh cọ xát. Có thể chọn những trang phục được thiết kế hở rốn càng có lợi cho việc rốn khô và nhanh rụng.

– Không bôi bất cứ chất gì vào rốn bé:
Nhiều mẹ nghĩ rằng dùng cồn hoặc các loại dung dịch sát trùng khác sẽ giúp cuống rốn sạch khuẩn, nhưng điều này là hoàn toàn không đúng. Mẹ không được bôi bất cứ chất gì vào rốn bé, kể cả kháng sinh, cồn iod, dầu gió, tiêu bột… Vì những chất này có thể thấm qua làn da mỏng manh của bé, làm tổn thương da, gây kích ứng và thậm chí là nhiễm độc.

– Không rửa rốn nếu như rốn vẫn khô:
Thói quen dùng cồn hoặc các loại dung dịch sát khuẩn khác để rửa rốn cho bé khi rốn vẫn khô là không nên. Làm như vậy rốn sẽ ướt, cuống rốn chậm khô và lâu rụng.

Chỉ rửa cuống rốn khi có dấu hiệu bị rỉ dịch, chảy máu. Lúc này, mẹ dùng bông gòn sạch thấm dung dịch nước muối sinh lý natri clorid 9%, nhẹ nhàng làm sạch cuống rốn. Sau đó, dùng miếng bông gòn sạch khác lau khô cuống rốn rồi để thoáng.

Không dùng cồn để rửa và vệ sinh rốn bé, vì cồn có thể gây kích ứng làn da mỏng manh của bé, làm cuống rốn lâu rụng. Mẹ nhớ lau kỹ cả phần nếp gấp sau rốn cho bé nữa nhé.

Nên để cuống rốn khô và rụng tự nhiên. Tuyệt đối không dùng kéo, tay làm đứt cuống rốn ngay cả khi chỉ còn một phần ít cuống rốn bám vào chân rôn. Vì điều này sẽ khiến chân rốn chảy máu liên tục.

Những điều mẹ cần biết về chăm sóc dây rốn cho bé yêu 8

Nên để cuống rốn của bé khô và rụng tự nhiên, điều này sẽ tốt hơn – Ảnh minh họa

Những điều mẹ cần lưu ý:

– Một số trường hợp sau khi cuống rốn rụng, thay vì lành hẳn ở rốn sẽ xuất hiện mô sẹo màu hồng được gọi là u hạt rốn (chồi rốn). Các u hạt này có thể rỉ một ít dịch màu vàng đục, thường mất đi sau khoảng 1 tuần. Mẹ tiếp tục rửa rốn với nước muối sinh lý, mỗi ngày 1 lần cho đến khi u hạt tự mất.

– Cho đến khi rốn rụng, lành hẳn và các u hạt biến mất mẹ không được nhúng cả người bé vào chậu nước tắm. Mà nên tắm từng phần, gội đầu trước, lau khô rồi mới dùng khăn nhúng nước ấm lau nhẹ trên thân bé thôi mẹ nhé.

Khi nào thì cuống rốn bé có dấu hiệu “SOS’’ nên gặp bác sĩ?

• Khi rốn bé có mùi hôi, dịch màu vàng hoặc mủ ở chân gốc rốn chảy ra.
• Vùng da xung quang rốn có dấu hiệu bị sưng đỏ.
• Cháy máu ở rốn liên tục và không cầm được.
• Sau quá 3 tuần nhưng rốn vẫn không có dấu hiệu khô và tự rụng.
• U hạt rốn sau 7 ngày không tự mất mà ra nhiều dịch, dịch lợn cợn.

Như vậy, qua bài này bác sĩ đã giúp mẹ biết chăm sóc rốn bé đúng cách rồi phải không nào. Mẹ nhớ áp dụng để bảo vệ rốn bé yêu khỏe mạnh, mau khô và mau rụng nhé.

Theo sự tư vấn của bác sĩ: Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tags:

Bài viết liên quan