Mẹ&Con - Đi đâu cũng nghe mọi người than thở đau mắt đỏ. Cho con đi học mẫu giáo, mới 3 hôm con đã về nhà với đôi mắt đỏ hoe. Bạn đã hiểu gì và biết cách phòng ngừa như thế nào cho trẻ? Mẹo trị đau mắt đỏ cho con khi dịch đau mắt đỏ năm nay vào mùa sớm Cách giữ đôi mắt khỏe mạnh khi làm việc Xử lý bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

Những điều "không thể không biết" về bệnh đau mắt đỏ 3

Mẹ hỏi

Bác sĩ trả lời

Đau mắt đỏ là bệnh như thế nào?

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc – giác mạc chủ yếu do Adenovirus gây ra. Đáng buồn là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị Adenovirus, cho dù có một vài báo cáo nói về việc bệnh có đáp ứng tốt với Cidofovir và Trifluridine.

Đau mắt đỏ có nguy hiểm không?

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp và dễ lây lan. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng đau mắt đỏ cần điều trị dài ngày, dễ lây gây tốn kém tiền bạc, bất tiện trong sinh hoạt và công việc.

Biểu hiện bệnh thế nào?

Khoảng 3-5 ngày trước khi đau mắt, bệnh nhân có thể sốt nhẹ, gai rét, đau họng, hạch trước tai hoặc hạch cằm nổi to. Thường mắt sẽ chuyển từ trắng sang đỏ rất nhanh trong vòng 24 giờ. Ra nhiều rỉ ghèn, đặc biệt về sáng, khiến mi bị dính chặt, rất khó mở mắt. Cảm giác như có cát, sạn ở trong mắt. Mắt thứ hai cũng viêm sau mắt thứ nhất khoảng 5 ngày.

Có thuốc ngừa đau mắt đỏ không?

Rất tiếc bệnh hiện vẫn chưa có thuốc nhỏ ngừa.

Có nên mua sẵn thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ để trong nhà (thuốc Corticoid, Cidofovir…), nếu trẻ bị đau mắt đỏ, nhỏ thuốc này sẽ diệt được vi-rút gây bệnh, không cần đến bệnh viện?

Việc sử dụng bất kỳ thuốc nào, kể cả thuốc nhỏ mắt, Corticoid… phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt bởi có nhiều rủi ro. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, cho toa. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chứa Corticoid trong điều trị.

Bệnh có tự khỏi được không?

Có. Đa phần bệnh nhân thấy bệnh tự thuyên giảm và khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, khi trẻ bị đau mắt đỏ thì không nên chủ quan để đó chờ bệnh… tự khỏi, mà cần đưa trẻ đến bác sĩ để theo dõi, giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu.

Bác sĩ thường điều trị cho con tôi như thế nào nếu bé bị đau mắt đỏ?

Bác sĩ chuyên khoa mắt thường kê đơn theo công thức: nước muối sinh lý, hay tốt hơn là nước mắt nhân tạo, có tác dụng xoa dịu những khó chịu trên mắt, kháng sinh loại nhỏ – để phòng bội nhiễm, đôi khi là Corticoid tra nhỏ tại chỗ. Nước mắt nhân tạo loại có chứa các chế phẩm nhầy và bôi trơn rất hữu ích nếu có khô mắt kèm theo, hay bề mặt giác mạc bị tổn thương.

Tôi đã cho con đeo kính mát khi ra ngoài, thường xuyên cho bé rửa tay sạch sẽ, vậy sao con vẫn bị đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan. Các biện pháp phòng ngừa như đeo kính, rửa tay, đeo khẩu trang… chỉ giúp giảm nguy cơ chứ không dứt điểm được 100%. Đặc biệt ở trẻ nhỏ càng dễ lây vì trẻ đã đi học, môi trường ăn ngủ, vui chơi cùng các trẻ khác. Nếu một bé bị đau mắt đỏ có khả năng lây cho nhiều trẻ khác.

Tại sao đau mắt đỏ lại dễ lây lan và lây nhanh đến vậy?

Adenovirus thuộc nhóm virút chứa AND không có vỏ bọc, nên đề kháng cực tốt ở môi trường ngoài tế bào, nhất là trên các vật dụng bằng nhựa và kim loại: tay nắm cửa, dụng cụ khám bệnh, bàn ghế… Hơn nữa, chúng không hề bị tổn hại gì trước cồn và ether. Nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ các vật dụng xung quanh thì bệnh sẽ khởi phát sau vài ngày đến ba tuần. Bệnh nhân đau mắt đỏ do vậy cần được cách ly khỏi trường học, cơ quan ít nhất bảy ngày sau khi bệnh khởi phát, tuy nhiên khả năng lây nhiễm sang người lành vẫn kéo dài đến tuần thứ ba.

Đường lây của đau mắt đỏ thế nào?

Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt… do dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ đụng vào mắt người khác; qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi; qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi)…

Chu trình bệnh đau mắt đỏ ra sao?

Một chu trình bệnh gồm các giai đoạn: khởi phát, toàn phát, thời gian bị bệnh trung bình là 10-15 ngày nếu không bị bội nhiễm. Sau khi hết bệnh, mắt sẽ trở về bình thường.

>>> Mẹ lưu ý!

Luôn luôn dùng khăn mặt riêng cho từng người trong gia đình. Không dùng chung khăn, để phòng tránh lây nhiễm đau mắt đỏ.

Khi có người bị đau mắt đỏ, do bệnh lây theo đường hô hấp nên rất dễ lây cho cả nhà. Do đó, người bệnh cần dùng chậu, xô riêng, không dùng bồn tắm chung nữa. Nếu cách ly người bệnh được thì càng tốt.

Tags:

Bài viết liên quan