Miền Bắc
Người miền Bắc rất coi trọng các phong tục tết Nguyên đán với hy vọng đón một năm mới nhiều tốt đẹp và may mắn. Trong 3 ngày đầu năm, họ tuyệt đối không quét nhà, đổ rác, cho lửa…
Kiêng quét nhà: Người miền Bắc quan niệm rằng, ba ngày đầu năm là khoảng thời gian đón tài lộc và may mắn. Do đó, điều họ kiêng kỵ nhất thời điểm này là quét nhà vì sợ quét hết vận đỏ đi. Chính vì lý do này, trước khi giao thừa, mọi gia đình đều cố gắng quét dọn sạch sẽ nhà cửa để ba ngày Tết không phải động đến cây chổi.
Người miền Bắc kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày đầu năm. (Ảnh minh họa)
Kiêng đổ rác: Tục lệ này xuất phát từ câu chuyện trong Sưu thần ký. Câu chuyện kể về một ông lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng một nàng hầu tên Như Nguyệt. Từ khi dẫn cô gái ấy về, ông trở nên giàu có. Đến một năm nọ, vào ngày mồng Một Tết, không biết vì lý do gì, ông đánh Như Nguyệt. Nàng sợ quá nên trốn vào đống rác. Ông lái buôn không biết nên khi quét nhà đã hốt luôn rác và đổ đi. Từ đó, ông lái buôn lại nghèo khó như xưa. Qua câu chuyện người ta tin rằng nàng Như Nguyệt chính là Thần tài, hốt rác đổ đi trong ngày đầu năm là vứt bỏ đi tài lộc.
Kiêng cho lửa, cho nước ngày Tết: Vì quan niệm lửa đỏ là may mắn nên người miền Bắc cũng rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình vào ngày đầu năm. Họ quan niệm cho lửa là mất đi may mắn, cả năm đó gia đình sẽ gặp phải vận xui. Còn nước được ví như tài lộc với quan niệm “tiền vô như nước” nên nếu cho nước trong ngày đầu năm cũng giống như cho đi tài lộc của nhà mình.
Kiêng kỵ trong xông nhà: Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ, gia đình vừa có tang hay phụ nữ đang mang thai đều nên tránh đến xông đất nhà người khác vào ngày đầu năm. Bởi trong quan niệm ngày Tết miền Bắc, những người này có thể đem lại vận xui cho gia đình gia chủ trong cả năm mới.
Kiêng nói chuyện xui: Trong phong tục tết Nguyên đán, người miền Bắc cũng kiêng nói những từ ngữ có thể mang lại sự xui xẻo như “chết mất”, “tiêu rồi”, “hỏng rồi”… vì sẽ gây ảnh hưởng đến những điều xảy ra trong năm. Thay vào đó, họ sẽ nói những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ và những câu mang lại điềm lành, may mắn cho bản thân cũng như mọi người xung quanh.
Kiêng làm vỡ bát đĩa: Theo quan niệm của người miền Bắc, làm vỡ bát đĩa vào ngày đầu năm là điềm báo cho sự chia ly, đau khổ và bất hòa trong các mối quan hệ trong gia đình.
Kiêng kỵ mai táng: Ngày đầu năm là ngày vui của một năm. Do đó, nếu gia đình vừa có tang thì nên cất khăn tang trong ba mùng đầu năm. Nếu gia đình có người qua đời vào ngày 30 tháng Chạp thì nên cố gắng định liệu chôn cất luôn cho kịp trong ngày hôm đó, tránh để qua mùng Một khiến chuyện chết chóc đi theo suốt cả năm. Còn nếu qua đời vào đúng mùng Một Tết thì chưa nên phát tang mà đợi đến mùng Hai. Ngoài ra, gia đình có tang thì cũng nên kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con hàng xóm.
Một số món ăn cần kiêng: Ngày Tết miền Bắc thường kiêng ăn thịt chó, cá mè, vịt, trứng vịt lộn, mực… để tránh những điều không may cho cả năm.
Miền Trung
Ngoài kiêng kỵ quét nhà, đổ rác, mai táng và kiêng kỵ trong chuyện xông nhà như miền Bắc thì người miền Trung có vẻ thoải mái hơn trong phong tục Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, họ vẫn có một số kiêng kị riêng nhất định mà bạn cần biết.
Người miền Trung kiêng mặc áo trắng hoặc đen trong những ngày Tết. (Ảnh minh họa)
Kiêng mặc quần áo màu đen hoặc trắng: Người miền Trung quan niệm rằng, màu đen và trắng là màu của tang ma, buồn bã. Do đó, trong những ngày đầu năm mới, họ thường kiêng mặc đồ có hai gam màu này. Thay vào đó, họ sẽ chọn những bộ quần áo có màu sắc sặc sỡ để chào đón năm mới.
Kiêng một số món ăn: Trong ngày Tết và cả tháng giêng, người miền Trung thường kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, tôm, đu đủ… vì sợ xui xẻo và công việc làm ăn không thuận lợi trong năm mới.
Miền Nam
Bên cạnh tục kiêng quét nhà, đổ rác, cho nước, cho lửa, làm vỡ bát đĩa và kiêng kỵ trong xông nhà thì người miền Nam cũng kiêng một số việc sau đây trong ngày Tết.
Giặt giũ quần áo là điều kiêng kỵ trong ngày Tết của người miền Nam. (Ảnh minh họa)
Kiêng giặt giũ quần áo: Vào ngày mùng Một Tết, người miền Nam thường kiêng việc giặt giũ vì đây là ngày sinh nhật của Thủy Thần. Việc giặt giũ sẽ động chạm đến vị thần này khiến phúc lộc cả năm bị hao tổn.
Kiêng vay mượn, trả nợ đầu năm: Trong những ngày đầu năm mới, người miền Nam rất kiêng kỵ việc cho vay mượn, đi vay mượn, đòi nợ hoặc trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay mượn thì cả năm sẽ túng thiếu, cùng quẫn. Còn cho người khác vay mượn tiền bạc của mình thì tài lộc trong cả năm đó sẽ bị phân tán, khó phát đạt trong làm ăn.
Kiêng mua thuốc: Để tránh ốm đau quanh năm mới, người miền Nam cũng kiêng việc mua thuốc trong những ngày đầu năm.
Kiêng mua vải vóc: Người miền Nam cho rằng, việc đi mua vải vóc ngày Tết giống như gia đình bạn đang có tang, đây là một điềm xui xẻo cho cả năm mới.
Kiêng để cối xay gạo trống: Trong những ngày đầu năm mới, một số vùng miền tại Nam bộ thường kiêng kỵ việc để cối xay gạo trống. Cối xay gạo trống mang hàm ý về một năm mới công việc làm ăn thất bát. Vì vậy, những nhà có cối xay gạo thì vào những ngày Tết họ sẽ đổ một ít lúa vào cối xay với niềm tin công việc sẽ có thành quả tốt đẹp.
Kiêng những loại trái cây có tên “xui xẻo”: Vào ngày đầu năm, người miền Nam thường kiêng ăn hoặc bày trên mâm ngũ quả các loại trái cây có tên “xui xẻo” như: cam (cam chịu), lê (lê lết), sapôchê (chê bai), chuối (đi xuống)… Thay vào đó, họ sẽ chọn những loại trái cây có tên mang ý nghĩa tốt đẹp như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (có ý nghĩa là cầu vừa đủ xài) và quả sung (sung túc).
Trên đây là những điều kiêng kị trong ngày Tết mà Mẹ&Con thu thập được, nếu bạn còn biết thêm về những phong tục khác, đừng ngại đóng góp cho Mẹ&Con qua hộp thư bên dưới nhé!