Ðóng vai như một sợi dây liên kết giữa thai nhi và mẹ, song kỳ thực dây rốn là sợi dây kỳ diệu cung cấp cho bé dưỡng khí, chất dinh dưỡng để lớn nhanh trong lòng mẹ suốt chín tháng mười ngày

dây rốn

(Hình minh hoạ)

Mẹ biết gì về dây rốn?

Thai nhi đủ tháng chào đời, dây rốn dài trung bình từ 50 đến 60cm, đường kính khoảng 1,5cm, màu trắng, mềm mại. Một đầu của dây rốn nối với nhau thai, đầu còn lại nối với bào thai thông qua một lỗ nhỏ trên bụng bào thai (sau này thành rốn).

Sợi dây kỳ diệu này giúp bào thai nhận đủ oxy và dưỡng chất, để thiên thần bé bỏng có thể phát triển hoàn thiện cho đến lúc chào đời. Ngoài ra, đây cũng là con đường để đưa các chất đào thải từ bào thai ra nhau thai, giúp bên trong bào thai luôn sạch khuẩn, giàu oxy.

Khi bé chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn cho bé, để bắt đầu từ đây bé có một cuộc sống hoàn toàn độc lập với mẹ. Ðầu dây rốn bị cắt gần sát bụng của bé gọi là cuống rốn. Cuống rốn sẽ khô và rụng hẳn sau vài tuần lễ.

Nếu dây rốn có bất thường thì…

Những bất thường ở dây rốn có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Ví dụ nếu dây rốn bị đứt sớm, bé có nguy cơ ngạt thở trong bụng mẹ. Nếu dây rốn quấn quanh cổ bé nhiều vòng, có thể khiến quá trình sinh nở khó khăn hơn. Trường hợp dây rốn bị rối, việc cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai không đầy đủ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi…

Khi đối diện với những bất thường này, bác sĩ sẽ phải theo dõi kỹ, trong một số trường hợp phải chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé trong bụng. Có nhiều lúc, dây rốn bị xoắn, bị “rối” nhưng sau đó, dưới những vận động của bé, dây rốn lại thẳng ra bình thường, không cần đến sự can thiệp nào khác.

Khi nào dây rốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi?

Dây rốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nếu quấn thành nhiều vòng quanh cổ thai nhi, khiến bé sinh ra nhẹ cân, thiếu máu hoặc thậm chí chết lưu trong tử cung. Trường hợp dây rốn bị kéo căng, chèn ép trong quá trình chuyển dạ của mẹ cũng sẽ khiến nhịp tim của bé giảm dần do thiếu máu. Hoặc có trường hợp lúc chuyển dạ, dây rốn có thể khiến thai nhi bị treo lên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài.

Một số bà mẹ lo lắng rằng dây rốn quấn quanh cổ bé quá chặt lúc sinh nở sẽ khiến bé bị thiếu oxy, ảnh hưởng đến não bé sau này. Nhưng kỳ thực không phải lúc nào cũng như thế. Có bé dây rốn quấn quanh cổ đến mấy vòng song vẫn sinh ra bình thường. Mẹ chỉ cần theo dõi sát quá trình phát triển của con và báo cho bác sĩ nếu thấy có bất thường là được.

Có nên lưu trữ tế bào gốc từ dây rốn để dành cho con mai này?

Hiện tại, ở TP.HCM đã có Ngân hàng tế bào gốc dây rốn đầu tiên tại Việt Nam chính thức hoạt động. Tuy nhiên, nếu mẹ từng mắc bệnh hoặc kiểm tra dương tính với các vi-rút viêm gan B, C, HIV, mắc các bệnh về máu: thiếu máu, suy tủy, bệnh về huyết sắc tố, bị rối loạn về máu hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch do di truyền hay lây nhiễm… thì lời khuyên của bác sĩ là không nên lưu lại tế bào gốc từ dây rốn nữa.

Ngoài ra, mẹ cần hiểu rõ rằng việc lưu trữ này chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu, kết quả thành công chưa rõ ràng. Vì thế việc lưu trữ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của gia đình, chứ không phải lưu trữ nghĩa là sau này con bệnh gì cũng có thể lấy tế bào gốc từ dây rốn lưu trữ sau khi sinh ra để chữa.

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như thế nào?

Khi thai nhi đã được đưa ra ngoài, nhiệm vụ của dây rốn không còn nữa. Lúc này, dây rốn sẽ được cắt, sát khuẩn và băng phần rốn của bé lại. Trường hợp đặc biệt, khi động mạch rốn còn đập, bé sơ sinh chưa thở được thì dây rốn vẫn phải giữ nguyên chờ đến khi bé đã thở được, động mạch rốn hết đập mới được cắt.

Việc cắt rốn và làm rốn phải cẩn thận và triệt để vô khuẩn để tránh những nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cho bé. Nếu bị nhiễm trùng núm rốn sẽ rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng.

Chào đời và được cắt rốn xong, cuống rốn của bé sẽ chuyển từ màu vàng xanh sang màu nâu rồi màu đen, sau đó khô và sẽ tự rụng sau sau vài tuần. Trong suốt thời gian này, mẹ tuyệt đối không nên sốt ruột, táy máy… dùng tay giật núm rốn ra vì sẽ gây nguy hiểm cho bé.

Trường hợp sau khi sinh, bạn thấy quanh rốn của bé chảy máu, chảy mủ vàng, nổi cục và sưng, hoặc vùng quanh rốn đỏ tấy thì lập tức phải đưa trẻ vào bệnh viện vì đó là những dấu hiệu nhiễm trùng rố

Nên và không nên làm gì với cuống rốn trẻ sơ sinh?

Ðể chăm sóc cuống rốn cho con, mẹ nên giữ vệ sinh cho bé thật tốt, khô ráo. Có thể dùng gạc mỏng băng rốn để giúp bảo vệ và giúp rốn nhanh khô. Không nên băng quá kín và chặt rốn vì có thể làm rốn bị nhiễm trùng.

Ðặc biệt, tuyệt đối không được bôi hoặc đắp bất kỳ chất gì lên rốn vì vừa có thể gây nhiễm trùng rốn. Nhiều người già hay có thói quen bôi thuốc đỏ, đắp lá cây lên rốn bé sơ sinh. Việc này cần nghiêm cấm.

Tags:

Bài viết liên quan