“Định khi nào lấy chồng?”, “Năm nay công ty thưởng tết bao nhiêu?”… là những câu xã giao ai cũng hỏi nhưng thường người được hỏi chẳng bao giờ thích thú trả lời, thậm chí còn cảm thấy khó chịu, tức giận. Hãy để Tạp chí Mẹ và Con mách bạn cách ứng xử thông minh với những câu hỏi vô duyên ngày Tết qua bài viết sau đây nhé!
Đáp trả những câu hỏi vô duyên ngày Tết?
Bao giờ cưới chồng/vợ?
Đây là câu hỏi thuộc top những câu hỏi gây khó chịu hàng đầu cho giới trẻ, đặc biệt là những người từ độ tuổi khoảng 20 – 30 tuổi, hỏi từ năm này qua năm khác, hỏi đến khi nào họ chịu lấy chồng cưới vợ thì mới chịu thôi.
Tuy nhiên, khi đối mặt với những câu hỏi có tính sát thương cao này, bạn có thể vui vẻ trả lời theo cách hài hước hơn như:
- Cháu dự định cuối năm cưới, mà cuối năm nào thì cháu cũng chưa biết!
- 30 tháng 2 này cháu cưới ạ, mời cô chú đến chung vui nhé!
- Cuối tháng 4 này cháu cưới, khổ nỗi cưới ai thì cháu chưa biết nữa.
- Ra phường đăng ký giấy kết hôn thì họ có phát chồng/vợ cho mình không nhỉ?
Bên cạnh đó, câu “Khi nào cho mọi người ăn tiệc/ăn cỗ đó” cũng ám chỉ đồng nghĩa với câu “Bao giờ cưới”. Tuy nhiên với câu này bạn lại nhanh chóng ứng phó hơn nhiều, chỉ cần xắn tay áo và lao vào bếp, vác thêm con dao hoặc vài củ cà rốt, cải trắng các kiểu và hô to “Mọi người muốn ăn tiệc/ăn cỗ, mời cô dì chú bác đợi cháu 30 phút, cháu dọn món lên ngay cho ạ!”. Hoặc nếu đang trong bữa tiệc, bạn chỉ cần nói “Ơ, các cô chú đang ăn cỗ rồi còn gì ạ”.
Có người yêu chưa?
Đây cũng là một trong những câu hỏi vô duyên ngày Tết mà team độc thân chán ngấy nhất. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, mỗi lần nghe ai hỏi câu này xong cũng chỉ muốn trốn đi chỗ khác, làm sao để mọi người ngừng hỏi mình về câu đó bây giờ?
Thế thì chúng ta cũng đành tìm cách chống chế bằng cách nói vui như: “Cháu đang cảm thấy một mình rất vui vẻ luôn ạ!”, “Có người yêu thì có gì vui hơn không ạ?”… hoặc nếu có người hỏi “Sao năm nào cũng về quê ăn Tết một mình thế?”, bạn có thể đáp tinh nghịch “Dạ cháu sợ về nửa mình mọi người lại hết hồn đó ạ!”.
Khi nào định sinh đứa nữa?
Người lớn sẽ có xu hướng hỏi từ khi bạn còn độc thân đến khi bạn cưới, sau khi cưới sẽ hỏi khi nào bạn có con, và khi bạn có con sẽ hỏi bạn khi nào định có thêm đứa nữa…
Và với những câu hỏi xã giao như thế này, bạn có thể ứng biến theo nhiều cách, đơn giản như: Cháu cũng muốn sinh thêm lắm nhưng khổ nỗi là không ai nuôi cho, bác nuôi giúp cháu 1 đứa nhé cháu đẻ liền đấy ạ!
Dạo này trông béo/gầy thế?
Được xếp trong top những câu hỏi vô duyên ngày tết, đây cũng là câu hỏi khiến nhiều chị em bạn dì vô cùng phẫn nộ mỗi nghe thấy. Nhưng để giữ hòa khí vui vẻ, không quạu quọ cau có ngày Tết, bạn có thể cười trừ cho qua nếu không muốn trả lời (im lặng là sự khinh bỉ lớn nhất), hoặc có thể duyên dáng trả lời như sau:
- Rảnh mập xíu cho vui, chứ không rảnh xấu hoài giống cậu
- Thích thì mập thôi, mình thì ốm lại mấy hồi chẳng được
- Dạ cháu gầy do dạo này học hành/làm việc quá sức đấy ạ, kiến thức/tiền bạc đúng là không dễ kiếm ạ.
Đi làm lương tháng bao nhiêu thế? Thưởng tết bao nhiêu?
Có một câu nói như sau “Lúc bạn còn nhỏ, người ngoài sẽ nhìn vào tiền của bố mẹ để chọn cách đối xử với bạn. Sau này lớn lên, họ sẽ nhìn vào tiền của bạn để đối xử với bố mẹ bạn”.
Và tất nhiên, có rất nhiều người không ý thức được rằng việc hỏi đến lương lậu của người khác là vấn đề tế nhị và riêng tư không phải ai cũng có thể tiết lộ, chia sẻ được. Đặc biệt là những dịp tết đến xuân về sẽ dễ làm mất đi không khí vui vẻ của mọi người. Nhưng đôi lúc, dù cho bạn cố tránh né cỡ nào, họ cũng có thể vặn hỏi cho bằng được. Trong những trường hợp này, bạn có thể vui vẻ trả lời hài hước pha lẫn xíu sự thể hiện rằng mình nghiêm túc không muốn nhắc đến, xin đừng hỏi sâu:
- Lương từ 0 đến 20 triệu, cụ thể là 200.000vnđ.
- Đoán xem!
- Tùy tháng thôi, có tháng dư dả, có nhiều tháng còn không đủ ăn.
Đi làm vậy rồi có thường trích ra gửi bố mẹ đồng nào không?
Lại thêm một câu hỏi mang tính tọc mạch, tò mò và vô duyên của một số người trong mỗi dịp gặp nhau. Hỏi chuyện tiền nong đã đủ tế nhị, đằng này lại hỏi thêm chuyện riêng của gia đình người khác là điều vô cùng bất lịch sự và kiêng kị.
Và với những câu hỏi không hề có duyên này, các bạn nên dùng chiêu gậy ông đập lưng ông, dõng dạc nói “Dạ lương thưởng công ty nào cũng giống nhau nên cháu cũng xêm xêm con trai/con gái cô chú thôi ạ. Thế anh/chị/em nhà cô chú biếu bao nhiêu tiền ăn Tết ạ?”.
Định nào mua nhà/mua xe hơi đấy?
Nếu không biết nên ứng phó như thế nào với những câu hỏi vô duyên ngày Tết kiểu này, thì thử cách trả lời “huề vốn” hoặc tránh né tế nhị. Vừa nhẹ nhàng đẩy vấn đề đi xa, gợi ý cho họ hiểu rằng mình chưa có dự định đó mà không làm cho người nghe cảm thấy phản cảm/phật lòng.
Chẳng hạn như “Đất nước vừa trải qua dịch bệnh và còn đang phát triển từng ngày, cháu vẫn đang suy nghĩ làm sao để cống hiến đưa nước mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nên chuyện mua đất mua nhà mua xe vẫn chưa vội được ạ!”.
Cháu đang học ngành gì? Định ra trường làm gì đó?
Chuyện xác định ngành nghề/công việc tương lai không thể nói trước được, đặc biệt là nhiều người lớn nghe tên ngành học lại nghĩ ngay đến nghề nổi nhất trong ngành đó, ví dụ không phải ai học Y Răng Hàm Mặt cũng đi làm bác sĩ Nha Khoa hoặc học Luật là đi làm Luật sư đứng tranh biện trước tòa.
Tuy nhiên, thường những câu hỏi này được xuất phát từ sự quan tâm lo lắng của bề trên với con cháu trong nhà. Tuy nhiên, một số người lại dùng câu hỏi này như một cách so sánh khập khiễng với các đối tượng khác nhau và có đôi lời không hay, khiến bầu không khí Tết đến xuân về đang vui vẻ bỗng dưng gượng gạo.
Đối với những người có hứng thú bàn sâu đến chuyện tương lai hay lương bỗng khi ra trường đối với ngành nghề của bạn, hãy lịch sự tránh né, cảm ơn và khẳng định rằng mình lúc đầu đã suy nghĩ rất kỹ và tin vào con đường đã và đang đi, nếu có gì ngoài ý muốn cũng sẽ linh hoạt thay đổi theo thời thế. Nhưng nếu như là với những người thân thiết mà bạn có thể tin tưởng, hãy tâm sự, chia sẻ và xin thêm lời khuyên cho bản thân trong năm mới nếu đang gặp khó khăn nhé!