Mẹ và Con - Ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16, chỉ thị 16 tăng cường hạn chế việc đi lại một cách tối đa. Cũng chính vì vậy mà nhiều bạn phải làm việc tại nhà, không duy trì được thói quen tập gym như thường ngày… dẫn đến cơ thể ít vận động hơn.

Kết hợp với các thói quen thường ngày như xem tv, lướt điện thoại… dẫn đến cơ thể hình thành thói quen xấu là ít vận động hơn. Cùng Mẹ và Con tìm hiểu những bệnh lý thường gặp khi cơ thể ít vận động nhé!

Giảm tuổi thọ

Vảo năm 2012, The Lancet (tuần san y khoa lâu đời của Anh) đã đăng một loạt các nghiên cứu liên quan đến tỷ lệ tử vong của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 10 người tử vong sớm (so với tuổi thọ trung bình) thì sẽ có 1 người liên quan đến vấn đề không tập thể dục. Nghiêm trọng hơn, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ mỗi năm có gần 250.000 ca tử vong liên quan đến việc ít vận động. 

Tăng nguy cơ trầm cảm

Tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp tăng sức đề kháng tinh thần và phòng tránh trầm cảm hiệu quả. Một nghiên cứu của Úc được thực hiện trên 8950 phụ nữ (độ tuổi từ 50 – 55) chỉ ra rằng, những người thường xuyên ngồi làm việc lâu, không tập thể dục nhiều hay ít vận động có tỷ lệ trầm cảm cao hơn những người hoạt động thể chất thường xuyên.

Bởi lẽ, tập thể dục giúp cơ thể giải phóng ra một hoạt chất là endorphin – được hình thành trong não giúp tăng cảm giác hạnh phúc. Chính vì vậy, việc tập thể dục được xem là cách điều trị trầm cảm vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, tập thể dục còn xây dựng sự tự tin về thể chất, giảm căng thẳng, đẩy mạnh hóa chất trong não, ổn định toàn bộ hệ thống trong cơ thể trong khi lười tập thể dục không thể đạt được những điều này.

tác hại ít vận động

Thoái hóa đốt sống cổ

Đây là bệnh thường gặp nhất ở những người ngồi làm việc nhiều. Việc giữ cổ luôn ở một tư thế cố định trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến lượng máu lưu thông đến vị trí này, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp, vẹo đốt sống cổ. Bên cạnh đó sẽ dẫn đến đau đốt sống lưng, đau hông, vai gáy…

Nhưng các bạn có thể phòng tránh bệnh này khi làm việc tại nhà bằng cách luôn giữ ấm cho vùng cổ. Điều chỉnh nhiệt độ phòng làm việc thích hợp luôn ở mức nhiệt là 26 – 28 độ C. Bên cạnh đó, khi làm việc các bạn có thể tranh thủ vài phút vận động nhẹ, xoay người, nghiêng cổ qua trái, qua phải, cúi đầu phía trước, ngửa cổ ra sau…

Tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương

Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, những vận động vừa phải lên các nhóm cơ, xương như tập tạ sẽ giúp bảo vệ xương khi lớn tuổi trong khi những người ít vận động hay không duy trì tập luyện sẽ có nguy cơ loãng xương và gãy xương cao hơn. Vì việc tập thể dục sẽ thúc đẩy sự lắng đọng của muối khoáng, tăng cường sản sinh sợi collagen và calcitonin một loại hormon ức chế quá trình lão hóa của xương. 

Đau lưng là bệnh thường gặp nhất ở nhân viên văn phòng

Khi ngồi cơ thể sẽ tăng áp lực lên cột sống hơn 50% so với lúc đứng. Chính vì vậy, đối với những bạn thường xuyên không vận động do ngồi làm việc lâu sẽ đè ép lên các đốt sống dẫn đến tình trạng đau vùng lưng. Hơn nữa, căng thẳng trong công việc cùng không gian không rộng như khi làm việc tại văn phòng sẽ ảnh hưởng đến sự căng cứng cơ bắp nhất là vùng xương cổ và lưng. Và nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên dễ dẫn đến đau lưng mạn tính.

Khô mắt, rối loạn thị giác

Khi ít vận động, mắt chỉ chăm chú nhìn vào một vật thể như màng hình, giấy tờ nhiều giờ liền sẽ khiến đôi mắt bị khô, dẫn đến rối loạn thị giác. Theo nghiên cứu của Viện sức khỏe và an toàn lao động quốc gia Mỹ có đến 75 – 90% người dùng máy tính gặp hội chứng rối loạn thị giác và các vấn đề về mắt. Thậm chí những người thường xuyên sử dụng máy tính gặp bệnh về mắt còn phổ biến các bệnh lý xương khớp.

Biểu hiện của bệnh lý rối loạn thị giác thường là mắt mờ, nhìn hình có bóng đôi, khô mắt, nóng rát mắt, ngứa chảy nước mắt… thông thường nhiều người nhầm những triệu chứng này thành các bệnh lý viêm nhiễm thông thường nên không điều trị đúng cách.

thói quen ít vận động

Bệnh tim mạch

Khi ngồi làm việc quá lâu, tim sẽ dần quen với hoạt động của cơ thể. Nhưng khi bạn đột nhiên di chuyển mạnh, leo bậc thang, cầm vật nặng… tim không thể xử lý kịp dẫn đến nhịp thở của bạn dồn dập hơn. Huyết áp của bạn dần tăng lên, dẫn đến xơ vữa hệ mạch máu và gia tăng đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy, khi làm việc tại nhà ít vận động các bạn cũng nên đứng lên đi lại cũng như dành thời gian để tập luyện đúng cách.

Béo phì

Đây chắc hẳn là bệnh lý thường gặp nhất khi cơ thể ít vận động, vì  lượng thức ăn cũng như lượng đường trong máu không tiêu thụ được qua các hoạt động hợp lý sẽ dần tịch tụ trong cơ thể dưới dạng glycogen trong các tế bào cơ và gan, cuối cùng biến thành mỡ. Do đó việc không hoạt động đúng mức, đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến động mạch vành, đái tháo đường, sỏi mật, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung và ung thư gan ở phụ nữ và ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng và trực tràng ở nam giới.

Hội chứng ống cổ tay

Đây là bệnh thường gặp nhất ở dân văn phòng làm việc trên máy tính nhiều nhưng ít vận động cơ thể, hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng chuột máy tính (Carpal tunnel syndrome). Triệu chứng của hội chứng này là xuất hiện các dấu hiệu tê mỏi, đau nhức ở hai cánh tay và khớp cổ tay.

Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian đủ dài sẽ dẫn tới xương cổ tay của bạn bị tê cứng, đau buốt, các ngón tay bị mất cảm giác. Trầm trọng nhất chính là tổn thương dây thần kinh cổ tay, bàn tay dần chuyển sang màu đen do hoại tử.

Để hạn chế tình trạng này, bạn nên chỉnh một tư thế ngồi ngay ngắn, thẳng lưng. Thường xuyên mát xa tay, ngón tay, co duỗi cánh tay mỗi khi rảnh rỗi. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên thường xuyên di chuyển qua lại để máu lưu thông xuống cả bàn tay.

Nhiễm xạ từ

Khi làm việc tại nhà không gian nhỏ bí bách cộng thêm việc ít vận động hơn nên khả năng nhiễm xạ từ từ máy tính, ti vi, điện thoại… là rất lớn. Biện pháp tốt nhất để hạn chế nhiễm xạ từ chính là vận động sau khoảng 30 – 60 phút làm việc, để cơ thể tránh xa các nguyên nhân nhiễm xạ từ. Bên cạnh đó các bạn cũng nên uống đủ nước nhất là trà xanh, thường xuyên xịt khoáng để da được ẩm mượt. Hay đơn giản hơn là đặt thêm một cây nhỏ xương rồng, lưỡi hổ, sống đời… cạnh bàn làm việc để chúng hút bớt lượng bức xạ phát ra.

Thiếu vitamin D

Vitamin D được nạp vào cơ thể phần lớn là từ ánh sáng mặt trời, sau đó mới là nguồn từ thực phẩm. Nếu bạn dành suốt 8 tiếng ban ngày để “núp” trong phòng thì nguy cơ bạn bị thiếu vitamin D là rất lớn.

Khi không dung nạp lượng vitamin D, cơ thể bạn sẽ thiếu hụt một vitamin cần thiết và quan trọng cho cơ thể. Từ đó gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như loãng xương, các bệnh về ung thư… Không những thế, bạn còn thường xuyên gặp hội chứng lo lắng, trầm cảm và căng thẳng trong cuộc sống. Để phòng tránh bệnh lý do ít vận động này các bạn nên cho cơ thể tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng trước khi làm việc.

lười vận động

Các bạn thấy đấy, có vô số các bệnh thường gặp trong mùa dịch nếu bạn ít vận động. Vì vậy, hãy chủ động tìm ra cách khắc phục qua sự điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống… hợp lý. Cách tốt nhất dành cho bạn là hãy chăm tập thể dục tại nhà vào mỗi buổi sáng bằng các bài tập phù hợp nhé. Chúc bạn và gia đình vui khỏe, an toàn vượt qua dịch bệnh. 

Bài viết liên quan