Nhịp tim nhanh hay chậm là nhằm đáp ứng nhu cầu oxy liên tục biến đổi. Nhịp tim cao hoặc chậm bất thường đều có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe, tăng nguy cơ đau tim. Biết nhịp tim trẻ em bao nhiêu là bình thường sẽ giúp cha mẹ phòng ngừa nhiều rủi ro sức khỏe cho bé. Hơn nữa hiểu biết nhịp tim trung bình theo độ tuổi sẽ giúp bạn biết khi nào cần tìm kiếm hỗ trợ y tế cho con.
Nhịp tim trẻ em trung bình theo độ tuổi
Khó có thể tính toán được nhịp tim nào là “chuẩn” cho từng bé. Nhịp tim của trẻ em phụ thuộc rất lớn vào trọng lượng cơ thể, tuổi tác, giới tính, trạng thái hoạt động. Nhịp tim khi nghỉ ngơi và khi hoạt động rất khác nhau. Để kiểm tra nhịp tim của trẻ thì bạn nên đo khi bé đang trong trạng thái nghỉ, không khóc.
Nhịp tim trung bình của trẻ nhỏ thường rơi vào khoảng 43 – 180 nhịp/phút. Cụ thể, thống kê của một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, tổng hợp từ 69 nghiên cứu nhỏ lẻ khác cho ra kết quả nhịp tim trung bình của trẻ nhỏ theo từng độ tuổi là như sau:
- Trẻ mới sinh: 90 – 164 nhịp/phút
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi: 107 – 181 nhịp/phút
- Trẻ từ 6 đến 6 tháng tuổi: 104 – 175 nhịp/phút
- Trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi: 98 – 168 nhịp/phút
- Trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi: 93 – 161 nhịp/phút
- Trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi: 88 – 156 nhịp/phút
- Trẻ từ 18 đến 24 tháng: 82 – 149 nhịp/phút
- Trẻ 2 – 3 tuổi: 76 – 142 nhịp/phút
- Trẻ 3 – 4 tuổi: 70 – 136 nhịp/phút
- Trẻ 4 – 6 tuổi: 65 – 131 nhịp/phút
- Trẻ 6 – 8 tuổi: 59 – 123 nhịp/phút
- Trẻ 8 – 12 tuổi: 52 – 115 nhịp/phút
- Trẻ 12 – 15 tuổi: 47 – 108 nhịp/phút
- Thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi: 43 – 104 nhịp/phút
Cha mẹ có thể thấy rõ, càng lớn tuổi thì nhịp tim của con càng giảm. Do đó, tuyệt đối không dùng nhịp tim của người trưởng thành để làm tham chiếu đánh giá nhịp tim trẻ em.
Các chỉ số về tim mạch cần biết khác
Bên cạnh chỉ số nhịp tim của trẻ em, ba mẹ cũng có thể tham khảo thêm nhịp thở, huyết áp theo từng độ tuổi để có thể quan sát tình trạng sức khỏe của bé một cách chính xác hơn:
Cách đo nhịp tim trẻ em chuẩn xác
Để xác định chính xác nhịp tim trung bình của trẻ em, cha mẹ có thể đo bằng hai cách sau:
Dùng máy đo nhịp tim
Đo khi trẻ thả lỏng và bình tĩnh. Nếu con mới quấy khóc hoặc hoạt động mạnh thì hãy để trẻ nằm hoặc ngồi, nghỉ ngơi trong khoảng 5 phút để nhịp tim ổn định trở lại. Hiện nay có nhiều dòng máy khác nhau giúp đo nhịp tim, huyết áp cũng như nhiều chỉ số sức khỏe quan trọng khác.
Đo thủ công
Nhịp tim trẻ em hoàn toàn có thể đo thủ công được. Bạn cũng đo khi bé đang thả lỏng. Đặt ngón giữ và ngón trỏ lên động mạch ở cổ tay, cổ hoặc nách bé rồi đếm số nhịp đập trong một phút. Để chính xác hơn thì nên dùng đồng hồ bấm giờ và đo 3 lần rồi lấy trung bình.
Dấu hiệu nhận biết nhịp tim trẻ em bất thường
Nhịp tim trẻ em bao nhiêu là bình thường khá khó nói. Để chắc chắn trẻ có gặp vấn đề về nhịp tim hay không cần căn cứ theo một số dấu hiệu khác:
- Đối với trẻ nhỏ: Dấu hiệu thường không rõ ràng, bé lại chưa biết nói để diễn đạt. Cha mẹ cần lưu ý nếu thấy da trẻ tái xanh, đổ mồ hôi trộm ở trẻ, sụt thân nhiệt nhanh, quấy khóc, không chịu bú, thở nhanh… Ở một số bé bạn còn cảm giác được tim đập rất nhanh khi áp tai vào ngực trẻ.
- Đối với trẻ lớn: Khi bạn hỏi thì trẻ có thể mô tả rằng thấy mình “đánh trống ngực”, luôn trong tình trạng hồi hộp hoặc biếng ăn, nhợt nhạt, chóng mặt.
Đặc biệt là nếu nhịp tim bất thường dẫn tới các triệu chứng dưới đây thì cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức:
- Ngất xỉu
- Chóng mặt kéo dài
- Khó chịu cực độ
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim ở trẻ em
Bất kỳ tình trạng nhịp tim trẻ em bất thường nào cũng là rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim khá đa dạng:
- Do khuyết tật tim hoặc các vấn đề thể chất.
- Do phản ứng với yếu tố bên ngoài như nhiễm trùng, sốt, khi uống thuốc.
- Tim đập quá chậm do mắc chứng tổng hợp Sick Sinus (do các bệnh liên quan đến cơ tim hoặc bệnh tim bẩm sinh), tức là dù trẻ vận động mạnh thì nhịp tim cũng không tăng.
Hầu hết các rối loạn nhịp tim là vô hại nhưng cha mẹ không nên chủ quan. Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm kéo dài đều tiềm ẩn rủi ro sức khỏe không dung xem thường. Cha mẹ phải thận trọng và theo dõi mạch đập, ghi lại số đo thường xuyên.
Chăm sóc trẻ rối loạn nhịp tim
Học cách làm chậm nhịp tim cho con
Có một số mẹo giúp làm chậm nhịp tim cho trẻ mà cha mẹ nên biết:
- Chườm lạnh lên mặt
- Phương pháp thở Valsalva đôi khi cũng rất hiệu quả
- Ho hoặc nôn khan có thể giúp giảm nhịp tim cho bé
- Xoa xoang động mạch cảnh của trẻ
Về lâu dài nên cho trẻ có chế độ ăn hợp lý và lành mạnh, đồng thời nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng kết hợp nghỉ ngơi hợp lý.
Tìm hiểu CPR và các quy trình khẩn cấp
Quy trình hồi sức tim phổi (Cardiopulmonary resuscitation – CPR) là kỹ năng sơ cứu quan trọng, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ. Kỹ năng hô hấp nhân tạo; nhận biết các dấu hiệu khó thở và tim ngừng đập là rất quan trọng nếu bạn có con mắc bệnh tim; hoặc có nguy cơ mắc chứng loạn nhịp tim.
Dùng thuốc đúng khuyến cáo
Nếu trẻ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thì cha mẹ phải là người quản lý, theo dõi thuốc sát sao. Cần đảm bảo dùng thuốc đúng liều, đúng thời điểm. Một số loại thuốc điều trị cần phải được tiêm đều đặn mới đảm bảo tác dụng. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc.
Nói chung, nhịp tim trẻ em khác nhau và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ rối loạn nhịp tim thì cha mẹ cần theo dõi cẩn thận. Liên hệ ngay với bác sĩ nhi khoa nếu trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc bạn cần lời khuyên chăm sóc trẻ đúng cách.