Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch non yếu rất dễ mắc bệnh nhiễm trùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây biến chứng sức khỏe và tử vong cho trẻ sơ sinh. Tìm hiểu nguyên nhân cũng như dấu hiệu bệnh dưới đây để kịp thời đưa trẻ đi kiểm tra, thăm khám bạn nhé.
Nhiễm trùng sơ sinh là gì?
Nhiễm trùng sơ sinh là tình trạng trẻ lứa tuổi sơ sinh (từ khi sinh ra đến 28 ngày tuổi) bị nhiễm trùng. Trong đó nhiễm trùng sơ sinh sớm là bệnh xuất hiện trong vòng 72 giờ sau sinh. Nhiễm trùng sơ sinh sớm là bệnh lý gây tử vong cao chỉ sau bệnh suy hô hấp cấp sơ sinh.
Nguyên nhân và dấu hiệu
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng do đâu?
Nguyên nhân gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh có rất nhiều. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc virus từ giai đoạn bào thai, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh. Chủ yếu có các con đường sau:
- Lây đường máu từ mẹ sang con: Trẻ cũng có thể nhiễm các loại virus lây từ mẹ sang con khi còn là bào thai như giang mai bẩm sinh, HIV, rubella…
- Lây đường tiếp xúc khi sinh: Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng sơ sinh là do trong quá trình ra đời thì trẻ hít, nuốt phải vi khuẩn sống trong đường sinh dục của mẹ. Sau đó các tác nhân gây hại này đi vào phổi hoặc máu của trẻ và gây bệnh.
- Lây qua đường ối: Do mẹ bị nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, hở cổ tử cung, vỡ ối sớm hoặc thăm khám âm đạo nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Do môi trường: Lây gián tiếp thông qua các vật dụng như kim tiêm, do môi trường bẩn, do tiếp xúc nguồn bệnh…
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh
Các dấu hiệu, triệu chứng trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh rất đa dạng và hầu hết dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Hơn nữa, nhiễm trùng sơ sinh chỉ là nói chung, tùy thuộc từng loại nhiễm trùng mà triệu chứng cũng khác nhau. Trẻ nhỏ vẫn luôn có những thời điểm quấy khóc, bú kém nhưng nếu các triệu chứng này kéo dài hoặc tần suất dày lên hoặc xuất hiện các triệu chứng khác thì hãy đi khám ngay:
- Trẻ bú kém hoặc bỏ không bú
- Trẻ lờ đờ, ít cử động hơn bình thường
- Ngủ li bì, khó đánh thức
- Tim đập nhanh hoặc chậm hơn bình thường
- Trẻ nôn, chướng bụng…
- Trẻ bị vàng da sớm 24 giờ đầu tiên sau sinh
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn 36°C hoặc > 38°C trong khi môi trường vẫn ổn định.
- Trẻ có dấu hiệu suy hô hấp: xuất hiện cơn ngừng thở, thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực nặng.
- Thiểu niệu.
- Trẻ co giật, phồng thóp.
Bệnh thường sẽ tiến triển nặng và nhanh hơn ở các bé sinh non, sinh thiếu cân. Khi phát hiện một trong các triệu chứng trên đây hoặc trẻ có biểu hiện bất thường thì nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ thăm khám, có thể kèm theo các xét nghiệm để cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Nhiễm trùng sơ sinh có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng sơ sinh có nguy hiểm không hẳn là điều nhiều phụ huynh lo lắng. Như đã nói, nhiễm trùng sơ sinh là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Trong giai đoạn này cơ thể trẻ đang phát triển rất nhanh và làm quen với môi trường mới bên ngoài tử cung mẹ. Bất kỳ thay đổi, gián đoạn nào cũng có thể gây ra biến chứng cho cơ thể. Biến chứng nhiễm trùng sơ sinh gồm khả năng phát triển về tim mạch, thần kinh, hô hấp, ảnh hưởng tới các giác quan đặc biệt là niêm mạc mắt…
Nhiễm trùng sơ sinh điều trị bao lâu?
Điều trị nhiễm trùng sơ sinh còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Hầu hết các trường hợp thì trẻ cần nhập viện và điều trị kháng sinh. Nếu bệnh nhẹ, trẻ sẽ được nằm cùng mẹ. Nếu trẻ bú kém, không bú được, suy hô hấp… thì cần được điều trị trong phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Thời gian điều trị cũng tùy vào mức độ đáp ứng điều trị và sức khỏe từng bé. Quyết định về phác đồ điều trị, thời gian ra viện, tái khám… là do bác sĩ phụ trách đưa ra.
Chăm sóc trẻ nhiễm trùng sơ sinh
Chăm sóc trẻ nhiễm trùng sơ sinh cần đảm bảo các điều kiện như:
- Không gian vô trùng
- Đảm bảo dinh dưỡng
- Ổn định thân nhiệt
- Đảm bảo hô hấp
- Theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện bất thường.
Việc chăm sóc trẻ tại bệnh viện chủ yếu do nhân viên y tế có chuyên môn đảm nhiệm. Bố mẹ và người thân chỉ cần làm đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuân thủ các quy định về vệ sinh khi chăm sóc trẻ mới sinh. Trong đó, lưu ý cần giữ vùng rốn khô, sạch và vệ sinh sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Nếu rốn có dấu hiệu viêm mủ, tấy đỏ thì cần báo bác sĩ để xử lý kịp thời, không nên tự điều trị. Đồng thời, bất kỳ ai có tiếp xúc trực tiếp với trẻ cũng cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tránh trở thành nguồn lây bệnh cho bé.
Việc nhiễm trùng sơ sinh là tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ vì có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Trong đó yếu tố vệ sinh của cả mẹ lẫn bé đóng vai trò cốt lõi. Do đó, các gia đình nên chú ý tìm hiểu về bệnh, học cách phòng tránh cũng như nhận biết các dấu hiệu để kịp thời xử lý.
Nhìn chung nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nhưng chỉ cần chú ý thì hoàn toàn có thể phát hiện, điều trị. Ngoài ra, việc thăm khám thai định kỳ cũng góp phần quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ lẫn bé.