Hiện nay, rất nhiều người nhiễm khuẩn H.p (niễm khuẩn Helicobacter pylori, hay H. pylori) nhưng không hay biết và cũng không nắm được rằng việc nhiễm khuẩn này có nguy hiểm nay không. Nhiều thông tin còn cho rằng, người bị nhiễm khuẩn H.p sẽ bị ung thư dạ dày. Vậy sự thật thì như thế nào?
Khuẩn H.p là gì? Tổng quan về Helicobacter pylori
Helicobacter pylori là một loại khuẩn hình xoắn ốc thường nằm trong dạ dày người nhiễm. Các thống kê hiện nay cho thấy, có đến hơn một nửa dân số thế giới nhiễm khuẩn này và tỷ lệ nhiễm khuẩn H.p thường cao hơn ở các quốc gia và khu vực kém phát triển hoặc đang phát triển.
Phần lớn trường hợp nhiễm khuẩn Helicobacter pylori không có triệu chứng nên người bệnh ít nhận biết được. Tuy nhiên, vi khuẩn nằm trong dạ dày có thể gây nên nhiều bệnh lý tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Vi khuẩn H.p thường lây chủ yếu là từ miệng của người này sang người khác khi gắp thức ăn chung.
Ngoài ra, nhiễm khuẩn H.p cũng có thể là do người bệnh rửa tay không kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc do vi khuẩn lây lan khi tiêu thụ thực phẩm, nước bị nhiễm khuẩn.
Triệu chứng nhiễm khuẩn H.p
Các triệu chứng nhiễm H.pylori thường không rõ rệt, khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu bệnh gây nên các biến chứng khác như loét dạ dày thì người bệnh thường sẽ có những biểu hiện như:
- Đau, khó chịu ở vùng bụng trên
- Cảm giác phình, trướng bụng
- No sau khi ăn dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ
- Dễ chán ăn
- Thường xuyên buồn nôn, nôn
- Đi đại tiện ra phân sẫm màu, màu hắc ín
Ngoài ra, một số ít trường hợp nhiễm khuẩn H.p có thể dẫn đến ung thư dạ dày, gây nên nhiều biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, ăn khó nuốt, cảm giác thức ăn bị vướng trong cổ, đi đại tiện phân đen, da xanh tái và thiếu máu,…
Chẩn đoán nhiễm H.pylori
Làm sao để biết một người có bị nhiễm khuẩn H.p hay không? Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được thực hiện thăm khám như thế nào? Theo đó, phương pháp chẩn đoán nhiễm H.p thường được áp dụng nhiều nhất chính là nội soi dạ dày.
Thông qua nội soi, có thể giúp kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn H.p cũng như đánh giá được mức độ bệnh. Bên cạnh đó, để kiểm tra H.pylori thì các bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện kiểm tra hơi thở (Urea breath test), xét nghiệm máu và xét nghiệm phân.
Ai nên được kiểm tra H.pylori?
Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm kiểm tra nhiễm khuẩn H.p. Trong đó, hầu hết các trường hợp người bệnh đang bị loét dạ dày, tá tràng hay từng có tiền sử bị loét thì sẽ được thực hiện nội soi để chẩn đoán nhiễm H.pylori. Không phải trường hợp nào loét cũng do nhiễm H.p nhưng H.p lại là nguyên nhân gây loét phổ biến nên bác sĩ sẽ cho nội soi để xác định bệnh.
Với những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày hoặc có những biểu hiện bệnh dạ dày thì bác sĩ cũng sẽ cân nhắc thực hiện kiểm tra H.pylori. Còn các trường hợp không có triệu chứng thì thường không được khuyến khích thực hiện xét nghiệm.
Nhiễm H.p có nguy hiểm không?
Nhiễm khuẩn H.p không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng – một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Vì thế không nên chủ quan mà cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị từ bác sĩ.
Điều trị nhiễm khuẩn H.p như thế nào?
Nhiễm khuẩn H.p có chữa được không?
Nhiễm khuẩn H.p có thể được chữa khỏi bằng phác đồ điều trị phù hợp. Người bện cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian và liều lượng sử dụng thuốc an toàn, các biện pháp ăn uống thay đổi lối sống.
Điều trị nhiễm khuẩn H.p
Việc điều trị nhiễm khuẩn H.p giúp giảm các triệu chứng gây khó chịu và bất tiện đối với cuộc sống của người bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải. Với người bệnh H.p, bác sĩ thường sẽ chỉ định phác đồ điều trị gồm 3 loại thuốc trong 14 ngày, bao gồm thuốc chứa ức chế bơm proton cũng như các loại kháng sinh khác.
Các tác dụng phụ của thuốc thường gặp trong quá trình điều trị bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ăn không ngon miệng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, thay đổi vị giác, co thắt dạ dày, tiêu chảy, phân đen, đổ mồ hôi, tim đập nhanh,…. Khoảng 50% người bệnh sẽ gặp những triệu chứng này trong thời gian đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng vì đây là những triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng lâu dài,
Tốt nhất người bệnh nên uống thuốc đều đặn, tuân theo phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hay thay đổi liều lược để tránh vi khuẩn không được diệt trừ hết hoặc bị kháng thuốc, lờn thuốc dẫn đến việc điều trị nhiễm khuẩn H.p trở nên khó khăn hơn. Nếu lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn hoặc điều chỉnh.
Sau khi dùng thuốc điều trị và kết thúc liệu trình, người bị nhiễm khuẩn H.p sẽ được xét nghiệm để đánh giá đã khỏi bệnh hoàn toàn hay chưa (thường là xét nghiệm hơi thở). Có đến hơn 20% người bệnh không diệt trừ được toàn bộ khuẩn H.p sau đợt điều trị đầu tiên và cần thực hiện đợt điều trị thứ 2.
Nhiễm khuẩn H.p nên ăn và kiêng gì?
Với người nhiễm khuẩn H.p, cần lưu ý lựa chọn các loại thức ăn tốt cho dạ dày như các loại rau củ quả (cải bó xôi, củ cải, cà rốt, ớt chuông, dâu tây,…). Ngoài ra, các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, kim chi, kefir,… và các thực phẩm tốt cho sức khỏe như mật ong, nghệ, tỏi,… cũng nên được thêm vào chế độ dinh dưỡng của bạn.
Và nếu đang trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn H.p, cần chú ý hạn chế ăn thức ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Không nên ăn thức ăn chứa nhiều axit như chanh, quýt, bưởi, cam…. và hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
Phòng ngừa lây nhiễm H.p
Để phòng ngừa lây nhiễm H.p thì có thể làm gì? Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ lây bệnh gồm có:
- Thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng và dung dịch có cồn, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn, ôi thiu.
- Uống nước sạch, dùng nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm tại các hàng quán không đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tránh dùng chung đũa, muỗng gắp thức ăn với người khác.
Nhiễm khuẩn H.p có thể gây viêm loét dạ dày và dẫn đến ung thư dạ dày. Vì thế, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân mình và gia đình bạn nhé!