Ngày nay, ung thư dạ dày là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, di truyền,… thì các yếu tố khác như lối sống, chế độ ăn uống, môi trường,… cũng tác động không nhỏ đến tình trạng bệnh của bạn. Do đó, điều quan trọng là hiểu đúng về ung thư dạ dày để có thể thay đổi lối sống, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cũng như có thể kịp thời phát hiện bệnh, tăng cường khả năng điều trị.

Q: Ung thư dạ dày là gì?

A: Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào bên trong dạ dày phát triển bất thường và hình thành nên các khối u. Nếu không phát hiện kịp thời, các khối u này có thể tiến triển nặng và trở thành khối u ác tính, lan rộng ra xung quanh và di căn đến các cơ quan khác. Lúc này, tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây tử vong.

Q: Nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày?

A: Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, điển hình như tình trạng nhiễm vi khuẩn H. pylori. Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bạn có thể kể đến như:

  • Giới tính: Theo thống kê về số bệnh nhân mắc ung thư dạ dày trong những năm qua, có thể thấy số bệnh nhân nam cao gấp đôi so với bệnh nhân nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác vì sao nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày thường tăng cao sau khi bước qua tuổi 50, đặc biệt là trong giai đoạn từ 60-80 tuổi.
  • Tiền sử bệnh: Nếu bạn từng mắc các bệnh liên quan đến dạ dày như bị viêm dạ dày mạn tính, nhiễm khuẩn H.pylori, trào ngược dạ dày thực quản, từng phẫu thuật dạ dày, thiếu máu ác tính,…. nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày sẽ cao hơn.
  • Tiền sử bệnh gia đình: Nếu trong gia đình có người thân (cha mẹ, chị em gái, anh em trai,…) từng bị ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu tiền sử bệnh gia đình từng mắc các bệnh di truyền và đột biến gen, bạn cũng nên đi tầm soát ung thư dạ dày từ sớm.
  • Lối sống kém lành mạnh và chế độ ăn uống kém khoa học: Ăn ít trái cây, rau quả, ăn mặn, ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp nhiều chất bảo quản, thừa cân béo phì, thường xuyên hút thuốc,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.

ung thư dạ dày

Q: Dấu hiệu ung thư dạ dà là gì?

A: Một số dấu hiệu để bạn có thể nhận biết tình trạng ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể kể đến như:

  • Sụt cân: Người mắc ung thư dạ dày thường sụt cân nhanh ngay trong giai đoạn đầu của bệnh, thậm chí giảm 15% trọng lượng cơ thể chỉ trong 3 tháng
  • Đau bụng: Những cơn đau từng đợt và nghiêm trọng hơn theo thời gian, không thuyên giảm kể cả khi uống thuốc chính là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày
  • Chán ăn: Người mắc ung thư dạ dày thường cảm thấy chán ăn, khó nuốt, cảm giác thức ăn tắc nghẽn ở cổ họng
  • Đầy bụng: Một triệu chứng khác thường gặp ở người ung thư dạ dày chính là cảm giác đầy bụng khó tiêu
  • Nôn ra máu: Nôn ra máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên không thể loại trừ đây cũng là một dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày
  • Đi ngoài phân đen: Khi bị viêm loét dạ dày và chuyển sang ung thư, bạn có thể thấy phân đen xuất hiện mỗi khi đi ngoài

Q: Ung thư dạ dày có lây không?

A: Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng ung thư dạ dày có thể lây khi dùng chung bát đũa hoặc các dụng cụ ăn uống khác. Tuy nhiên, bệnh ung thư dạ dày chỉ lây lan trong quá trình cấy ghép nội tạng hoặc mô. Tuy nhiên, nguy cơ lây bệnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 2/10.000 ca cấy ghép nội tạng xảy ra tình trạng này.

Các trường hợp khác có tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung bữa ăn, hít thở chung bầu không khí,… đều không làm lây bệnh nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm.

ung thư dạ dày 2

Q: Phụ nữ mang thai bị ung thư dạ dày có lây sang con hay không?

A: Hiện nay, tình trạng phụ nữ mang thai bị ung thư dạ dày thường rất ít. Trong trường hợp này, chỉ một vài ca bệnh tế bào ung thư có thể đi vào máu, theo dòng máu đến nhau thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là một trường hợp vô cùng hiếm và đứa trẻ sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường.

Điều khó khăn khi phụ nữ mang thai bị ung thư dạ dày chính là các bác sĩ sẽ phải hội chẩn cẩn thận cũng như cùng tham khảo ý kiến gia đình để xác định có nên thực hiện điều trị hay không. Các phương pháp hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật đều có thể tác động tiêu cực đến thai nhi, buộc phải đình chỉ thai trước khi tiến hành điều trị. Ngược lại, nếu trì hoãn điều trị cho đến sau khi sinh con, các khối u có thể lan rộng và khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Q: Ung thư dạ dày có chữa được không?

A: Nhìn chung, ung thư dạ dày vẫn có thể điều trị. Tuy nhiên, việc chữa ung thư dạ dày tương đối sẽ khó khăn hơn so với các bệnh khác và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Giai đoạn bệnh
  • Vị trí khối u nằm ở đâu trên dạ dày
  • Tình trạng sức khỏe, độ tuổi và thói quen sinh hoạt của người bệnh

ung thư dạ dày 3

Trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn Ia

Lúc này, các tế bào ung thư chỉ nằm ở lớp niêm mạc dạ dày nên vẫn có thể điều trị ằng cách phẫu thuật cắt u nội soi hoặc cắt bỏ một phần dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày và tiến hành nạo các hạch bạch huyết lân cận. Sau khi phẫu thuật, cần tiếp tục theo dõi xem bệnh có tiến triển hoặc tái phát hay không.

Trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn Ib-III

Lúc này, tế bào ung thư đã phát triển sâu hơn vào thành dạ dày hoặc lây lan sang các cơ quan lân cận, các hạch bạch huyết. Do đó, việc điều trị khỏi bệnh cũng trở nên khó khăn hơn. Các bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh để nhằm có được kết quả điều trị tốt nhất.

Trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn cuối hay ung thư di căn

Ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối thường khó có hy vọng chữa khỏi vì lúc này các tế bào ung thư đã lan sang các giai đoạn khác như gan, phổi, xương,… Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ tiến hành điều trị nhằm giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn cũng như kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Trường hợp ung thư dạ dày tái phát

Với trường hợp ung thư dạ dày tái phát, tùy theo tình trạng bệnh (vị trí tái phát, phương pháp đã thực hiện ở lần trước và tình trạng sức khỏe của người bệnh,…) mà cơ hội chữa khỏi cũng sẽ khác nhau.

ung thư dạ dày 4

Q: Làm gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày?

A: Bạn có thể phòng ngừa nguy cơ dạ dày bằng một số bí quyết sau đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Người béo phì thừa cân thường có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Do đó, nên cố gắng tập thể dục, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, đặt mục tiêu giảm cân chậm và ổn định (1-2kg/tuần).
  • Ăn uống lành mạnh: Hãy cố gắng ăn nhiều rau củ quả, trái cây để bổ sung các chất chống oxy hóa ngăn ngừa nguy cơ tế bào ung thư phát triển bên trong cơ thể. Ngoài ra, nên giảm ăn thịt đỏ, ăn mặn, ăn các loại thịt đã qua chế biến,…
  • Cai thuốc lá: Thuốc lá không chỉ có hại cho phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Do đó, nếu có thói quen hút thuốc lá, bạn nên tập bỏ ngay từ hôm nay.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nếu có nguy cơ mắc ung thư dạ dày (do tiền sử bệnh bản thân, tiền sử bệnh gia đình,…), nên thường xuyên tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm tầm soát để có thể phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ung thư dạ dày 5

Ung thư dạ dày là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và khó điều trị, nguy cơ tử vong cao. Do đó, đừng xem thường căn bệnh này mà hãy cố gắng xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bạn nhé.

Bài viết liên quan