Mẹ&Con – Mang thai là niềm hạnh phúc quý giá của bất cứ người phụ nữ nào. Có lẽ trong 40 tuần thai kỳ, ai cũng hồi hộp không biết bé yêu trong bụng hình thành và phát triển thế nào, cũng như cơ mình có những thay đổi ra sao…? 

Lần đầu làm mẹ, những thắc mắc này là điều không thể tránh khỏi. Để giúp chị em có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi trong suốt 40 tuần thai kỳ, trong chuyên mục “Chín tháng thai kỳ”,  Mẹ&Con sẽ liên tục cập nhật những diễn biến trong suốt 40 tuần thai.

Tuần 1 và tuần 2 của thai kỳ

Ngày thai thứ 1 – 7 (ngày 11 hoặc 14 – 21 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn chỉ mới bắt đầu và bạn có thể nghĩ về việc mang thai. Thời gian rụng trứng là điều quan trọng nhất bạn cần phải hiểu khi muốn thụ thai. Rụng trứng xảy ra khi một trứng trưởng thành được phóng khỏi buồng trứng, đẩy xuống ống dẫn trứng và sẵn sàng được thụ tinh.

Lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên, chuẩn bị cho một quả trứng được thụ tinh. Nếu sự thụ thai không xảy ra, nội mạc tử cung sẽ bị bong ra (hiện tượng kinh nguyệt khi tới tháng).

Một số việc liên quan đến rụng trứng:

• Một quả trứng sống 12-24 giờ sau khi rời khỏi buồng trứng
• Thông thường, chỉ có một quả trứng được phóng ra mỗi thời điểm rụng trứng
• Sự rụng trứng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Căng thẳng, bệnh tật hoặc sự gián đoạn của thói quen bình thường.
• Một số chị em có thể xuất hiện vết máu màu hồng nhạt, ở đũng quần lót trong thời gian rụng trứng.

Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?

Vẫn chưa có chuyện gì xảy ra, hãy kiên nhẫn chờ đợi nhé.

Làm cách nào để xác định việc rụng trứng?

Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của người phụ nữ được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, cho đến ngày đầu tiên của giai đoạn tiếp theo. Trung bình, chu kỳ của người phụ nữ dao động trong khoảng 28 – 32 ngày. Hầu hết phụ nữ rụng trứng trong khoảng từ ngày 11 hoặc ngày 14, đến ngày 21 của chu kỳ. Nhiều người nói khoảng thời gian này là “thời gian sinh sản” hoặc “cửa sổ sinh sản”, bởi vì quan hệ tình dục trong thời gian này làm tăng cơ hội mang thai.

Nhật ký mang thai: 40 tuần thai kỳ khỏe mạnh (Phần 1) 4
Thai nhi 1 tuần tuổi, hay còn được gọi là túi phôi. (Ảnh minh họa)

Những việc mẹ nên làm lúc này

Cần phải có một số thay đổi trong lối sống vào thời gian này để tăng khả năng thụ thai và có những đứa con khỏe mạnh trong suốt 40 tuần thai kỳ. Tập thể dục đầy đủ và có một chế độ ăn uống cân bằng là những yếu tố quan trọng. Bạn nên bắt đầu bổ sung vitamin trước khi sinh và loại bỏ những thứ như: Caffeine, chất làm ngọt nhân tạo, rượu, chất kích thích, nicotine… Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa, cần kiểm tra với bác sĩ xem những loại thuốc này có thực sự an toàn đối với phụ nữ mang thai hay không.

Trong suốt 40 tuần thai kỳ, duy trì thực đơn hàng ngày với đầy đủ các vitamin, đặc biệt là axit folic. Phụ nữ đang muốn có thai nên sử dụng ít nhất 0.4 đến 0.8 milligram axit folic mỗi ngày. Lượng axit folic được cung cấp đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra rủi ro khiếm khuyết về hệ thần kinh cho bé trong suốt 40 tuần thai kỳ (dị tật sơ sinh gây ra bởi sự phát triển không hoàn chỉnh của não bộ và hệ tủy sống), chẳng hạn như dị tật đốt sống chẻ đôi. Hãy cho bác sĩ biết lượng axit folic mà bạn sử dụng mỗi ngày khi chuẩn bị mang thai.

Lời khuyên cho các ông bố

Nhiều ông bố cảm thấy họ không đóng vai trò nào vào thời điểm này. Tuy nhiên, sức khỏe và lối sống của người bố cũng ảnh hưởng quan trọng không kém người mẹ tới em bé trong bụng. Bạn có thể cần phải xem xét lại chế độ dinh dưỡng, loại thuốc đang dùng và những thói quen không tốt như hút thuốc, sử dụng rượu bia…  Đàn ông cũng có thể được hưởng lợi từ việc dùng thuốc vitamin trước khi sinh, hoặc một loại vitamin bổ sung trong thời gian trước khi người vợ mang thai.

NHẬT KÝ THAI KỲ

Cách tính tuổi thai:

Nếu người mẹ có kinh đều đặn và biết được ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, có thể dùng cột mốc này để xác định tuổi thai. Lưu ý: Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ, chứ không tính từ ngày thụ thai.

Siêu âm: Có thể ước lượng được em bé vào khoảng 5 hoặc 6 tuần sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ. Siêu âm là cách đoán tuổi thai chuẩn nhất trong kỳ đầu mang thai. Thời gian tốt nhất để ước tính tuổi thai bằng siêu âm là giữa tuần 8 và 18 của thai kỳ. Cách chính xác nhất để xác định tuổi thai, đó là sử dụng ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng, và đối chiếu tuổi thai này với số đo từ siêu âm.

Cách tính ngày thai (ngày trứng thụ tinh):

Với thai phụ bình thường: Đối với người thụ thai bình thường, trứng thụ tinh trong khoảng từ 11 đến 21 ngày kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối. Hầu hết phụ nữ không biết chính xác ngày thụ thai, và ngày thụ thai của họ chỉ là một ước tính dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối.

Các trường hợp đặc biệt như thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm thường tính ngày thụ thai chính xác hơn.

Tính toán ngày sinh con:

Ước lượng ngày bé ra đời dựa vào thời gian của kỳ kinh nguyệt cuối cùng, thông thường là sau đó 40 tuần thai kỳ. Đây cũng chỉ là ước lượng, bởi chỉ có khoảng 5% trẻ được sinh ra vào đúng ngày đã dự đoán.

Những khó khăn khi tính tuổi thai:

Thời kỳ kinh nguyệt cuối cùng: Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc phụ nữ không thể nhớ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của họ, rất khó khăn để có thể xác định tuổi thai bằng phương pháp này. Trong những trường hợp này, siêu âm thường được dùng để xác định tuổi thai.

Kích thước của em bé: Trong một số trường hợp, rất khó để xác định tuổi thai nếu kích thước của thai nhi quá nhỏ hoặc quá lớn hơn so với bình thường. Ngoài ra, kích thước của tử cung trong thai kỳ ban đầu hoặc chiều cao của tử cung trong giai đoạn sau của thai kỳ không khớp với những ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng – những trường hợp này cũng rất khó khăn để xác định tuổi thai chính xác.

Bài viết liên quan