Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người trên khắp thế giới. Khi cơ thể thiếu sắt thì sẽ không thể sản xuất đủ hồng cầu để cung cấp oxy đến các mô và cơ quan, gây ra tình trạng thiếu máu. Dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng khác.
Vì thế, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về những dấu hiệu chính để nhận biết thiếu máu do thiếu sắt, bạn nhé!
Thiếu máu do thiếu sắt là gì?
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng cơ thể bạn không có đủ chất sắt để sản xuất huyết sắc tố – protein trong các tế bào hồng cầu khỏe mạnh có chức năng mang oxy đi khắp cơ thể. Sắt là một khoáng chất thiết yếu cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu và lượng sắt thấp có thể dẫn đến thiếu máu, gây đau đầu, da nhợt nhạt, mệt mỏi và các triệu chứng khác.
Chế độ ăn uống không đủ chất sắt, mất máu và một số tình trạng bệnh lý dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Việc điều trị tình trạng này sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng thường, với một người thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc bổ sung để tăng lượng sắt của bạn.
Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng vô cùng phổ biến, ảnh hưởng đến 30% dân số toàn cầu. Bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng căn bệnh này phổ biến nhất ở phụ nữ và trẻ em nhiều hơn.
Những dấu hiệu nhận biết thiếu máu do thiếu sắt
Triệu chứng thường gặp
Các tế bào hồng cầu của bạn giúp gửi oxy đến các mô của cơ thể bạn. Để có đủ tế bào hồng cầu cho cơ thể hoạt động tốt, bạn cần phải có đủ chất sắt trong cơ thể. Khi bạn bị thiếu sắt, bạn thường có số lượng tế bào hồng cầu thấp, khiến máu khó cung cấp đủ oxy cho phần còn lại của cơ thể. Do đó, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt hoặc luôn trong trạng thái cảm thấy lâng lâng
- Hụt hơi, khó thở
- Gặp khó khăn khi tập thể dục
- Khó chịu ở ngực, đau ngực
- Đau đầu
- Da nhợt nhạt
- Tim đập nhanh
- Tay chân lạnh
Có thể thấy, một số triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt có thể giống với các triệu chứng của các tình trạng bệnh lý khác. Trong đó, đau ngực, khó thở và tim đập nhanh có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn về tim mạch.
Do đó, nếu bạn bắt đầu có những triệu chứng này một cách đột ngột, tốt nhất bạn nên lập tức đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng hiếm gặp
Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng thiếu máu do thiếu sắt cũng có thể ảnh hưởng đến da, tóc, hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Thèm ăn bất thường: Thèm ăn những thứ không phải thực phẩm, chẳng hạn như đá, đất sét, phấn và giấy có thể là một biểu hiện của người bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Viêm lưỡi: Viêm lưỡi xảy ra kèm theo cơn đau nhức và sưng tấy ở vùng lưỡi.
- Koilonychia: Đây là một căn bệnh khiến móng tay giòn, mỏng bất thường và có hình thìa (lõm vào bên trong một cách bất thường).
- Hội chứng chân không yên : Không thể nghỉ chân và có nhu cầu cử động chân hoặc đi lại, đặc biệt là vào ban đêm chính là hội chứng chân không yên – một biểu hiện ở người thiếu máu do thiếu sắt.
- Thay đổi về da và tóc: Thiếu oxy có thể khiến tóc trở nên yếu hoặc dễ gãy hơn. Bạn cũng có thể thấy da của mình khô ráp và sần sùi hơn.
- Tâm trạng chán nản: Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn và gây ra cảm giác chán nản, không có hứng thú trong bất cứ việc gì.
Triệu chứng ở trẻ em
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng có các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt gần giống với người lớn. Nếu không được điều trị, thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến chậm phát triển ở trẻ.
Do đó, cần quan sát để sớm nhận biết các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em và có thể giúp trẻ được khăm thám, điều trị kịp thời:
- Cáu gắt, thường xuyên quấy khóc không rõ lý do
- Da nhợt nhạt
- Bú kém, bỏ bú
- Thở nhanh
- Muốn ăn những thứ không phải thực phẩm
Triệu chứng khi mang thai
Có rất nhiều sự trùng lặp giữa các triệu chứng mang thai và thiếu máu do thiếu sắt. Trong một số trường hợp, khó có thể biết liệu mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh hoặc cảm giác thèm ăn lạ là do các triệu chứng mang thai bình thường hay do thiếu máu do thiếu sắt.
Thai nhi đang phát triển cần sắt, điều này có thể làm cạn kiệt lượng sắt dự trữ trong cơ thể của người mẹ. Ngoài ra, mang thai có thể hạn chế lượng sắt bạn nhận được trong chế độ ăn uống do buồn nôn hoặc chán ăn khi bạn đang mang thai.
Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai nên thực hiện các xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) định kỳ để sàng lọc bệnh thiếu máu sớm trong thai kỳ. Hoặc nếu bạn đang có những triệu chứng kể trên và nghi ngờ thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể đến bệnh viện để được kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Xem thêm: Thiếu máu sau sinh nguy hiểm thế nào? Điều trị ra sao?
Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý và điều trị kịp thời. Bằng cách nhận biết các dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để tăng cường sự hấp thụ sắt.
Nếu bạn có những dấu hiệu đáng ngờ hoặc nghi ngờ mình bị thiếu máu do thiếu sắt, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp bạn nhé!