Bên cạnh nói mớ, ngáy… thì nghiến răng cũng là tình trạng rất thường gặp ở nhiều người. Mẹ và Con sẽ giúp các bạn tổng hợp những thông tin liên quan đến nghiến răng khi ngủ để bạn hiểu rõ về tình trạng này hơn nhé!
Nguyên nhân nghiến răng là gì?
Hiện nay nguyên nhân của tình trạng nghiến răng trong khi ngủ chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên nhiều người cho rằng nghiến răng thường liên quan đến các yếu tố sau:
Yếu tố tâm lý xã hội
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến các thói quen khi ngủ. Chủ yếu là lối sống căng thẳng. Hiện nay có rất nhiều bằng chứng chỉ ra nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ là do tình trạng căng thẳng đầu óc. Căng thẳng được xem là yếu tố kích hoạt chính, nghiến răng ban đêm có thể là sự phản hồi lại căng thẳng ban ngày. Căng thẳng có thể xảy ra nếu cơ thể liên tục trong tình trạng lo âu, kìm nén có thể kích thích các hoạt động của não bộ.
Điều này làm tăng kích thích thần kinh, có thể gây nên tất cả các phản ứng liên quan đến răng hàm. Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng tình trạng nghiến răng trong khi ngủ:
- Tính cách: Những người mạnh mẽ, dễ kích động có khả năng mắc bệnh cao hơn
- Tuổi: Nghiến răng thường gặp ở tuổi trẻ và thường biến mất khi lớn hơn
Yếu tố di truyền
Nếu gia đình bạn có thành viên đang hoặc từng mắc bệnh nghiến răng trong khi ngủ thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể có một số mức độ liên quan đến di truyền trong việc nghiến răng.
Những người có thành viên trong gia đình đang hoặc từng mắc bệnh nghiến răng khi ngủ có nguy cơ cũng bị bệnh này. Nghiên cứu cho thấy rằng có thể có một mức độ liên quan đến di truyền trong việc phát triển tật nghiến răng. 21 – 50% những người bị nghiến răng ban đêm có thành viên trong gia đình từng mắc bệnh trước đây. Điều này cho thấy yếu tố di truyền có liên quan đến bệnh.
Tác dụng phụ thuốc và chất kích thích
Một số loại thuốc và thuốc gây nghiện làm tăng nguy cơ nghiến răng như: Thuốc chủ vận và đối kháng dopamin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, rượu, cocaine…
Yếu tố tại chỗ
Cản trở cắn khớp có thể là nguyên nhân gây bệnh. Vì chúng cản trở đường đi của vận động nhai bình thường. Đây là nguyên nhân có thể ở một răng hay một nhóm răng. Ví dụ: khi răng khôn hàm trên mất, răng khôn hàm dưới mọc trồi. Lúc cắn lại, hàm dưới phải đưa ra trước nhiều hơn để đóng hàm. Điều này sẽ làm lệch vận động hàm bình thường.
Yếu tố toàn thân
- Dị ứng: Do nhiễm ký sinh trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa hay dị ứng thức ăn. Đây là những nguyên nhân có thể của nghiến răng trầm trọng ở trẻ em (Marks, 1980)
- Rối loạn dinh dưỡng, tiết niệu, nội tiết cũng là những yếu tố thuận lợi gây bệnh, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn
- Khi cơ thể thiếu vitamin, mất cân bằng enzym cũng ảnh hưởng đến tình trạng nghiến răng khi ngủ
Các rối loạn thần kinh trung ương có thể liên quan đến bệnh:
- Chứng bại não
- Bệnh Down
- Động kinh
- Bệnh Huntington
- Bệnh Leigh
- Nhiễm khuẩn màng não
- Bệnh Parkinson
- Stress sau chấn thương
- Hội chứng Rett
Yếu tố nghề nghiệp
Một số nghề nghiệp đòi hỏi đặc biệt có thể gây nên tình trạng nghiến răng hay cắn chặt răng. Ví dụ một số nghề nghiệp cần sự tập trung và dùng sức thường sẽ cắn chặt răng trong quá trình làm việc nên sẽ ảnh hưởng đến thói quen trong quá trình ngủ.
Nghiến răng có nguy hiểm hay không
Nghiến răng khi ngủ là một trong những tình trạng phổ biến ở nhiều lứa tuổi Thông thường tình trạng này sẽ không gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân nghiến răng với mức độ nặng và thường xuyên có thể sẽ dẫn đến những tổn thương nhất định như: tổn thương xương hàm. tổn thương răng, ảnh hưởng đến phục hình răng, răng trở nên dễ ê buốt do bào mòn thậm chí là gãy răng, căng đầu, đau mặt hoặc đau hàm nặng, gây biến dạng khuôn mặt…
Cách khắc phục tình trạng nghiến răng trong khi ngủ
Nghiến răng nếu dừng ở mức độ thường, nhẹ thì không cần điều trị. Tuy nhiên nhiều phương pháp điều trị thường sẽ được cân nhắc nếu nghiến răng ở mức độ nặng hơn. Sau đây là những phương pháp điều trị giúp giảm tình trạng nghiến răng khi ngủ:
Kiểm soát tình trạng căng thẳng
Nghiến răng do căng thẳng cần áp dụng nhiều phương pháp giúp giảm stress như: tập thể dục, thư giãn, điều trị rối loạn về giấc ngủ, massage cơ mặt thường xuyên, điều trị rối loạn về giấc ngủ, tránh sử dụng chất kích thích, đặc biệt là trước khi đi ngủ…
Nếu bạn thường nghiến răng trong khi ngủ, bạn có thể thử nghe nhạc, tắm nước ấm, vận động nhẹ nhàng để đầu óc thư giãn và giảm nguy cơ nghiến răng khi ngủ nhanh chóng.
Sử dụng thuốc
Hiện nay thuốc không thực sự hiệu quả trong quá trình điều trị tật nghiến răng mà chúng chỉ làm giảm sự căng thẳng cơ quá mức do nghiến răng gây ra. Một số thuốc được sử dụng là thuốc giãn cơ, giảm đau… Các bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu trong thời gian ngắn để giúp kiểm soát stress hoặc các vấn đề về cảm xúc – nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng trong khi ngủ.
Tiêm Botox – một dạng độc tố của botulinum giúp người mắc chứng nghiến răng khi ngủ nghiêm trọng và không đáp ứng với phương pháp điều trị khác
Can thiệp nha khoa
Các can thiệp điều trị nha khoa giúp bảo vệ răng tránh được những tác hại của việc nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên những phương pháp này cũng không chắc chắn điều trị dứt điểm được tật nghiến răng. Một trong những phương pháp là sử dụng máng chống nghiến răng để bảo vệ mặt răng khỏi sự mài mòn.
Một số loại máng còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động của hàm, vì rất có thể giúp hạn chế nghiến răng. Các dụng cụ bảo vệ hàm này có thể được làm bằng vật liệu mềm, acrylic cứng phù hợp với hàm trên và hàm dưới của mỗi người.
Điều chỉnh các khớp cắn về vị trí để làm giảm các tác động quá mức đến cơ nhai cũng như răng. Nếu mòn răng nhiều, răng nhạy cảm thì bệnh nhân cần phải phục hồi lại hình thể răng để khôi phục sự tương quan răng giữa hai hàm, khớp cắn khớp với nhau.
Nghiến răng tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng thường kéo dài dai dẳng và có thể gây ra những tác hại nặng nề đối với răng miệng. Việc điều trị nghiến răng cũng đòi hỏi sự kiên trì. Hy vọng với những thông tin trên đây các bạn sẽ hiểu hơn về tình trạng nghiến răng khi ngủ để có cách khắc phục hợp lý.