Thớt gỗ bị mốc gây ung thư gan
Thớt gỗ bị mốc chứa vi nấm aflatoxin gây ung thư gan. (Ảnh minh họa)
Hầu hết các gia đình thường sử dụng thớt gỗ trong chế biến thức ăn và ít quan tâm đến việc vệ sinh chúng thật kỹ lưỡng. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, những mảnh vụn bám trụ lại trên mặt thớt sau khi chúng ta chặt, cắt thức ăn lâu ngày sẽ biến đổi thành nhiều vi khuẩn có hại. Trong đó, một loại nấm có tên là aflatoxin chính là “thủ phạm” nguy hiểm nhất gây ung thư gan.
Aflatoxin là gì?
Đây là một chất có tinh thể trắng, bền với nhiệt, không bị tiêu diệt khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường. Do vậy, nó có thể tồn tại lâu trong thực phẩm. Có đến 17 loại aflatoxin khác nhau, nhưng thường gặp và độc nhất vẫn là aflatoxin B1.
Vì sao nấm aflatoxin gây độc?
Aflatoxin tác động lên các tế bào, gây ra hiện tượng quái thai, ung thư. Đây được xem là hoạt chất gây ung thư rất mạnh. Nếu cơ thể chúng ta hấp thụ khoảng 2,5 mg aflatoxin trong 89 ngày, chỉ một năm sau cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh ung thư gan.
Cách đối phó
Sau khi rửa sạch, bạn nên để thớt phơi ngoài nắng. (Ảnh minh họa)
Việc chùi rửa bình thường sẽ không làm rửa trôi hết nấm aflatoxin, thậm chí dù bạn có rửa kỹ và dùng nhiệt độ rất cao, lên đến hơn 280ºC thì chúng vẫn có khả năng tồn tại. Vì vậy, luộc trong nước sôi hoàn toàn không phải là giải pháp hiệu quả nhất loại bỏ hết vi nấm nguy hiểm này.
Vì vậy, để phòng tránh bệnh tật, các bà nội trợ có thể tham khảo một số phương pháp tẩy rửa an toàn và hiệu quả sau:
– Phơi nắng: Đây là giải pháp cực kỳ hữu hiệu mà lại đơn giản. Sau khi chùi rửa thớt sạch sẽ, bạn chỉ cần phơi thớt dưới ánh nắng mặt trời trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ là được.
– Dùng muối: Đầu tiên, bạn nhúng thớt vào trong nước sạch rồi rải một lớp muối mỏng lên mặt thớt. 30 phút sau rửa lại thớt với nước sạch.
– Dùng gừng: Sau khi đã rửa sạch thớt, bạn dùng một miếng gừng chà xung quanh bề mặt của thớt rồi rửa sạch với nước. Bạn có thể thực hiện lặp lại thêm một lần nữa để khử sạch mùi hôi và diệt vi khuẩn bám trụ trên thớt.
– Dùng chanh hoặc giấm: Sau khi cắt, chặt thực phẩm, lấy nửa quả chanh hoặc nhỏ vài giọt giấm ăn xoa đều lên bề mặt thớt. Dùng khăn sạch lau mặt thớt vài lần rồi mới rửa lại bằng nước sạch. Bạn nhớ để thớt ở vị trí khô ráo, thoáng khí nhé.
– Phân loại thớt: Với những gia đình có điều kiện nên mua nhiều thớt để dùng cho những mục đích khác nhau, bao gồm thớt chặt hoặc cắt thực phẩm chín và sống, thớt cắt rau củ quả…
Aflatoxin có trong thực phẩm nào?
Thớt mốc, đũa mốc, các thực phẩm bẩn là nơi chứa nhiều vi nấm aflatoxin. Loại nấm mốc tự nhiên này cũng có trong các loại ngũ cốc như đậu phộng mốc, bắp, một số loại hạt có dầu, lúa gạo, khoai mì. Ngoài ra, các sản phẩm lên men tự nhiên từ các nguyên liệu này như cơm, xôi, tương, rượu… cũng sinh ra aflatoxin.