Mẹ và Con - Đi kèm với những lợi ích thiết thực và hữu hiệu, việc học online cũng có không ít những hệ lụy khiến phụ huynh, thầy cô không khỏi lo lắng. Trong đó, không ít gia đình hồi hộp e ngại việc trẻ bị đe dọa, bắt nạt trực tuyến và trở thành nạn nhân của bạo lực học đường trên không gian mạng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai mô hình học online là một giải pháp giúp trẻ có thể tiếp cận tri thức ngay tại nhà. Tuy nhiên, nhiều thầy cô và phụ huynh cũng lo lắng về các hậu quả khi trẻ truy cập Internet quá nhiều, trong đó có vấn đề trẻ bị “bắt nạt trực tuyến”

Đau đáu lo trẻ bị bắt nạt trực tuyến

Có thể thấy, bạo lực học đường vẫn đang diễn ra dù cho trẻ đang học online đi chăng nữa. Việc bạo lực trên không gian mạng trở thành một thách thức đối với nhà trường, thầy cô và cả phụ huynh. Phải làm sao để có thể quản lý khi con học online để có thể kịp thời can thiệp, hạn chế trẻ bị bắt nạt trực tuyến?

Chị V – một phụ huynh có con học lớp 7 chia sẻ: Năm nay vì ảnh hưởng của dịch nên con chỉ học online tại nhà. Bố mẹ thì làm việc cả ngày nên cũng đưa máy tính cho con tự học. Vô tình mình phát hiện Facebook của con và biết được con thường xuyên bị bạn bè trong lớp bình luận khiêu khích về hình ảnh của con đăng lên nhưng con cũng không phản kháng. Mình hỏi thì con cũng không trả lời nên chẳng biết phải làm sao để giải quyết.”

Cùng nỗi lo với chị V, phụ huynh T cho biết: Kể từ lúc biết con học online là mình đứng ngồi không yên vì đã nghe nhiều về những hậu quả khi học trên Internet. Mình sợ con bị bắt nạt trực tuyến, sợ con bị lừa đảo, bị đánh cắp thông tin, bị đe dọa làm những điều nguy hiểm mà con không lường trước được.”

Theo thông tin được chia sẻ từ PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội), trong 5-6 năm qua, số lượng trẻ em dưới 9 tuổi sử dụng Internet tăng cao đáng kể. Có những trẻ chưa hiểu rõ thế nào là bạo lực học đường, chưa biết được cách xử lý, phản ứng khi gặp các trường hợp bị đe dọa, bị bắt nạt trực tuyến.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, bạo lực học đường bao gồm nhiều hình thức khác nhau như bắt nạt, trêu ghẹo, cô lập, lan truyền những lời đồn không có thực,.. Một số khảo sát khác thực hiện với 1000 học sinh độ tuổi tiểu học và THCS cũng chỉ ra rằng, có đến khoảng 1.6% học sinh có nguy cơ bị bắt nạt thông qua việc bị gửi tin nhắn đe dọa, bị đăng ảnh và tin nhắn bí mật lên trên mạng, thường xuyên nhận bình luận tiêu cực về cá nhân, bị lan truyền những thông tin không đúng sự thật trên Internet,…

bắt nạt trực tuyến 1

Trẻ em cần được trang bị kiến thức cơ bản về việc sử dụng Internet an toàn

Hiện nay, không thể ngăn trẻ sử dụng Internet bởi đây gần như là phương pháp học tập chính của trẻ khi con chưa thể quay trở lại học tập trung. Hơn nữa, việc học online là một xu thế được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì thế, điều quan trọng là phải trang bị được cho trẻ những kiến thức cơ bản để có thể sử dụng Internet an toàn, tránh trường hợp trẻ bị đe dọa, bắt nạt trực tuyến.

Không chia sẻ thông tin cá nhân lên Internet

Theo anh Đào Xuân Mừng, chuyên gia về bảo mật và an toàn thông tin của Công ty Cổ phần Phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (Misoft): “Ngay khi các con tôi tiếp cận internet, việc đầu tiên là tôi yêu cầu các con cam kết một số việc: Không tiết lộ các thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ/số điện thoại/nơi làm việc của bố mẹ hoặc tên và địa điểm trường học của mình mà chưa có sự đồng ý của bố mẹ.”

Khi cho trẻ sử dụng Internet để phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giải trí, nên hướng dẫn con những thông tin nào có thể chia sẻ và những thông tin nào thì không. Đặc biệt, cần dặn dò trẻ không được đăng tải thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại bố mẹ, nơi làm việc của bố mẹ và hình ảnh cá nhân, đặc biệt là không được chụp và chia sẻ ảnh có lộ các bộ phận trên cơ thể để tránh bạn bè, kẻ xấu lợi dụng đe dọa, bắt nạt trẻ.

Tạo mật khẩu mạnh cho các tài khoản đang sử dụng

Để tránh thông tin của trẻ bị tiết lộ ra bên ngoài và tạo điều kiện cho người khác đe dọa, bắt nạt trực tuyến, phụ huynh nên hướng dẫn con tạo mật khẩu mạnh cho các tài khoản mà con đang sử dụng. Khi tạo tài khoản, nên lưu ý sử dụng cả chữ viết hoa lẫn chữ viết thường, có thêm số và các ký tự. Để đảm bảo tính bảo mật cho tài khoản cá nhân của con, không nên chọn những gợi ý quen thuộc như họ tên của con, ngày tháng năm sinh hoặc lớp học của con trong mật khẩu.

Ngoài ra, cần yêu cầu trẻ không được chia sẻ mật khẩu này với bất kỳ ai, cho dù là bạn bè hay anh chị em trong gia đình đi chăng nữa.

học online

Yêu cầu trẻ lập tức thông báo với gia đình, thầy cô khi bị bắt nạt

Khi bị bạn bè hay người lạ bắt nạt trực tuyến, đe dọa sẽ chia sẻ ảnh của bé lên mạng xã hội hoặc yêu cầu trẻ thực hiện những hành vi phi đạo đức, trẻ thường có xu hướng sợ hãi, không dám nói với ai. Lúc này, trẻ sẽ có xu hướng làm theo những lời đe dọa này hoặc sống trong sự sợ sệt, lo lắng.

Vì thế, khi hướng dẫn con sử dụng Internet, bố mẹ, gia đình và nhà trường cũng nên nhấn mạnh với con về tính chất nghiêm trọng của việc bị đe dọa, bắt nạt, từ đó hướng dẫn con cách chia sẻ, thông báo với người lớn thay vì im lặng khi trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường trên không gian mạng.

Gia đình, nhà trường cần làm gì để bảo vệ học sinh khi học online?

Khi cung cấp các thiết bị điện tử cho trẻ để phục vụ việc học tập và giải trí, bố mẹ nên cài đặt các ứng dụng để ngăn trẻ truy cập vào các trang web đen, các trang web không phù hợp với độ tuổi của con.

Ngoài ra, nên cài đặt thêm một số ứng dụng để theo dõi việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử của trẻ. Như vậy, bố mẹ có thể kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường xảy ra và có hướng xử lý, giải quyết phù hợp.

Đặc biệt, cần thường xuyên hướng dẫn trẻ cách sử dụng Internet an toàn, trò chuyện và tâm sự với con để cập nhật tình hình của con. Bố mẹ cũng nên chú ý quan sát xem trẻ có những dấu hiệu bất thường như lo lắng, sợ sệt, chán ăn,… hay không. Nếu có, đây có thể là dấu hiệu con đang gặp áp lực tâm lý do bị bắt nạt trực tuyến trong thời điểm học onlne. Lúc này, cần nhẹ nhàng hỏi thăm, chia sẻ cùng con để tạo được sự tin tưởng, giúp con thoải mái nói ra những vấn đề của mình.

bắt nạt trực tuyến

Bên cạnh đó, nên thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các buổi chia sẻ để thầy cô và phụ huynh có thể trao đổi thêm với nhau về các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi bị bắt nạt trực tuyến trong bối cảnh trẻ học online như hiện tại. Các buổi học kỹ năng giải quyết tình huống khi học online cũng rất cần thiết đối với trẻ.

Bạo lực học đường hiện nay vẫn có thể diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả việc bắt nạt trực tuyến. Do đó, khi triển khai mô hình học online, thầy cô và phụ huynh nên kết hợp với nhau để có thể hướng dẫn trẻ sử dụng Internet an toàn, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.