Búp bê đầu trái cây xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại gây ung thư, vô sinh… bị thu hồi ở châu Âu, nhưng vẫn bán tràn lan ở VN. (Ảnh: Q.ĐỊNH)
Đồ chơi trẻ em cũng có chì
Theo ông Doãn Ngọc Hải – viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, viện thực hiện đề tài cấp nhà nước về thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em VN và hiệu quả một số biện pháp can thiệp.
Qua khảo sát tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (gần mỏ chì Làng Hích), có 109/209 trẻ em 3-14 tuổi có hàm lượng chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong đó có 105 cháu chì máu ở mức 10-44 mcg/dl, tương đương mức nhiễm độc chì nhẹ, 4 cháu hàm lượng chì máu mức trên 45 mcg/dl, tức nhiễm độc mức trung bình.
Tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên – nơi có hoạt động sản xuất kim loại màu, luyện thép, nhóm nghiên cứu cho hay 78/180 trẻ em 3-14 tuổi có chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong số này có 66 em ở mức nhiễm độc chì nhẹ, 12 em nhiễm độc chì mức trung bình. Xét nghiệm chì trong môi trường cho thấy có 3/30 mẫu nước, 12/30 mẫu đất và 2/10 mẫu thực phẩm được kiểm tra có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép.
Ông Lỗ Văn Tùng, thư ký đề tài này, cho biết nguyên nhân ô nhiễm chì có thể từ đất, nước, không khí hay những sản phẩm trẻ em hay dùng bị ô nhiễm chì.
Theo ông Tùng, trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã đến khảo sát về hàm lượng chì trong loại sơn tường sử dụng ở hai trường mầm non và các đồ chơi được dùng tại hai trường này. Kết quả cho thấy loại sơn được chọn tương đối an toàn, nhưng một số đồ chơi được sử dụng có chì ở ngưỡng thấp.
Cẩn thận đồ chơi màu sặc sỡ
“Với đồ chơi cho trẻ em, các loại đồ chơi có màu càng sặc sỡ thì càng có nguy cơ tiềm ẩn lượng chì cao” – ông Tùng cho biết.
Theo ông Hải, hai ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng hàm lượng chì máu cao ở trẻ em là gây tình trạng thiếu máu, trẻ hay quấy khóc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển trí tuệ của trẻ.
Ông Hải cho hay ở Mỹ hàm lượng chì ở mức 5 mcg/dl máu đã được coi là nhiễm độc chì mức nhẹ, ở VN chỉ số này ở mức từ 10 mcg/dl và trong đề tài cấp nhà nước kể trên, nhóm nghiên cứu đã can thiệp bằng cách sử dụng sản phẩm để thúc đẩy quá trình đào thải chì khỏi cơ thể trẻ nhanh hơn.
Phương pháp này đã được triển khai tại làng nghề tái chế ắc quy Đông Mai, Hưng Yên, nơi cũng có tỉ lệ trẻ bị nhiễm chì rất cao và sau can thiệp bước đầu, theo ông Hải, là có hiệu quả.
Do nguy cơ ô nhiễm chì đến từ nhiều nguồn, ngoài nguy cơ từ đồ chơi, sơn tường còn có thuốc cam (rất hay được sử dụng để trị chứng biếng ăn và tưa lưỡi cho trẻ em) nên không chỉ trẻ em sống ở khu vực làng nghề, mỏ chì hay khu vực luyện kim bị ô nhiễm chì bị nhiễm, mà trẻ ở thành phố cũng dễ bị.
Ông Hải cho biết qua khảo sát tại một nhà máy sản xuất ắc quy có quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt nhưng hàm lượng chì máu của công nhân vẫn rất cao, lý do là bề mặt quần áo, nguồn không khí hít thở đều có chì. Công nhân mặc quần áo làm việc về nhà, thay và tắm giặt tại nhà mang theo nguồn ô nhiễm chì có thể làm trẻ em và các thành viên khác trong gia đình nhiễm chì.
Theo ông Hải, các bậc cha mẹ phải chú ý đến một căn nguyên mới là đồ chơi bằng cách lựa chọn những sản phẩm an toàn với trẻ em như màu ít sặc sỡ, hoặc chọn nhà cung cấp uy tín và nếu sản phẩm đã được đánh giá an toàn với chì thì càng tốt.
Những biểu hiện ngộ độc chì
Phần lớn trẻ em bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện qua khám chuyên khoa kỹ lưỡng. Nhưng những biểu hiện rõ của bệnh là trẻ thiếu máu, hay nôn, đau bụng, chán ăn hoặc các biểu hiện ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, không phối hợp với các thành viên khác trong gia đình hoặc lớp học, chậm phát triển tinh thần.
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỉ lệ nghịch giữa IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả các trường hợp có chì máu dưới 10 mcg/dl, trẻ có chì máu càng cao càng có nguy cơ mắc chứng tăng vận động và giảm tập trung.
Ở người lớn, biểu hiện ngộ độc chì là lơ mơ, lẫn lộn, dễ buồn ngủ, co giật, đau đầu, liệt, miệng có vị kim loại, chán ăn, thiếu máu (ngay cả ở các trường hợp chì máu dưới 10 mcg/dl), giảm khả năng sinh đẻ, dễ sẩy thai… Nhưng việc có ngộ độc chì hay không cũng chỉ có thể đánh giá được khi khám chuyên khoa sâu.
Can thiệp và theo dõi ngộ độc chì thường kéo dài hằng tháng đến hằng năm do chì thường gắn chặt vào xương.
(Nguồn: Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai)
Nguy cơ nhiễm chì từ đồ chơi sử dụng sơn chì
Các nghề nghiệp có nguy cơ nhiễm chì cao như nung nấu, tinh chế chì, sản xuất thủy tinh, hướng dẫn tập bắt hay thu gom đạn, phá dỡ tàu, sản xuất, sửa chữa, tái sử dụng ăcquy, công nhân làm việc với sơn có chứa chì.
Ngoài ra có hàng chục nghề khác có nguy cơ ở mức trung bình. Những người có một số sở thích như bắn súng, đúc lại chì làm đạn, đánh bóng hay phục chế nội thất hoặc chơi đồ chơi có sử dụng sơn chì và nhựa có chì cũng có nguy cơ nhiễm chì.
Theo Tuổi trẻ