Có những người có bao nhiêu tiêu xài bấy nhiêu, có những người xài hết khoản tiền mình có để mua sắm hoặc phục vụ những tham muốn cá nhân. Ngược lại, có những người ki bo, sống tằn tiện, có làm ra tiền cũng không dám chi vì sợ hết của.
Dù là kiểu người nào và cách xài tiền của họ như thế nào thì chung quy lại tất cả chúng ta đều muốn mình có khoản dư rủng rỉnh và hơn một chút nữa thì muốn có của để dành. Nhưng mấy ai đã tìm ra bí quyết cắt đứt được mọi lo âu về tiền bạc trong cuộc sống…?!
Người giàu, người nghèo, ai cũng bị đồng tiền làm cho phiền não
Người nghèo thường hay khổ về cuộc sống thiếu thốn, không đủ ăn, đủ mặc. Mối quan tâm duy nhất của họ là làm sao để thoát nghèo. Họ ao ước có cơm ăn đủ bữa, áo ấm mặc mỗi khi trời lạnh, hay một mái nhà để về khi mưa giông, nắng gắt. Những điều mong mỏi đó chỉ có thể đáp ứng và thỏa lấp bằng vật chất hay nói cách khác đó chính là tiền.
Người ở tầng lớp trung lưu thì hy vọng mình có thể kiếm nhiều tiền hơn một chút. Khi đã có đủ cơm ăn áo mặc, họ đòi hỏi cao hơn trong cuộc sống, rằng những món ăn phải ngon, những bộ quần áo phải mới, những dịch vụ họ dùng phải đạt chất lượng tốt… Chính những đòi hỏi đó mà chúng ta luôn được thúc đẩy để làm việc cực lực và kiếm thật nhiều tiền.
Người khá giả thì nghĩ cách làm sao để giàu hơn bằng việc mở rộng kinh doanh, mua thêm nhà, mua thêm đất, và những tài sản đắt giá khác để khuếch trương độ giàu có của bản thân mình. Có một nhà thiết kế nội thất danh tiếng từng phát biểu rằng nếu ông chồng đi trên một con siêu xe, mà người vợ ra chợ mua một xấp vải đem đi may theo mẫu của nhà mốt nổi tiếng Chanel thì còn gì là đẳng cấp của kẻ giàu!
Hoặc giả là những người thuộc tầng lớp siêu giàu, họ được nhận định là sống khép kín hơn và tiền họ làm ra có một phần sẽ được dùng để chia sẻ cho xã hội và cộng đồng, thì đồng tiền lúc này lại càng phải được cân nhắc chi tiêu và sử dụng một cách kỹ lưỡng hơn bao giờ hết!
Đôi khi tất cả chúng ta mãi chạy theo đồng tiền mà không biết bản thân mình đã bị những mong muốn và tham vọng, hay vì trách nhiệm cùng với những lý do nào khác vắt kiệt sức, lắp đầy tâm hồn mình bằng những toan tính và phiền não.
Tiền có phải là tất cả ?
Câu hỏi này luôn tạo ra những ý kiến trái chiều. Người thì bảo không có tiền sẽ không có khả năng làm bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Người khác lại cho rằng, tiền chỉ là những tờ giấy có thể trao đổi được những món hàng nhưng không chiếm lấy được tình cảm, sức khỏe, sự hòa thuận, những người bạn tốt, hay một người thầy tận tâm…
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền trong cuộc sống và bài viết cũng sẽ không bàn về những luồng nhận định xoay quanh câu hỏi “Tiền có phải là tất cả?”. Vì ý kiến nào cũng sẽ có ý đúng và chưa đúng tùy theo khía cạnh và góc độ nhìn nhận ở từng tình huống nhất định.
Điều quan trọng ở đây là làm sao để chúng ta sống mà không phụ thuộc quá nhiều vào đồng tiền hay làm sao để sống mà không trao gửi niềm hạnh phúc của mình hoàn toàn vào đồng tiền. Bởi suy cho cùng, điều mọi người cần trên cuộc đời này là sự bình an, tự tại dù bạn không có tiền, ít tiền, hay nhiều tiền đi chăng nữa.
Tài sản của một con người không chỉ gói gọn bằng 1 chữ Tiền
Chúng ta vẫn luôn nói tiền bạc, ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, xe cộ… là tài sản của một con người. Thế nhưng ý nghĩa đó chỉ tập trung khoanh tròn vào những thứ vật chất có thể đánh đổi và mất đi bất cứ lúc nào, trong khi một con người cần nhiều hơn đến vậy. Chúng ta đặc biệt vì chúng ta có cảm xúc và có thể đối xử với nhau bằng tình cảm đặc biệt. Nếu không có tình cảm mà thế giới này chỉ toàn vật chất thì con người chẳng khác nào những con robot khô khan, sống một đời chỉ biết tuân lệnh, làm việc tạo ra của cải hay sao?
Thứ con người cần không chỉ gói gọn trong một chữ “Tiền” hay những thứ vật chất xa hoa, mà chúng ta cần tình cảm, sức khỏe, sự yêu thương lẫn nhau. Gộp chung tất cả những điều ấy lại thì mới có thể gọi đó là tài sản của con người. Vậy nên người giàu không hẳn phải là người có nhiều tiền nhất thế giới, người giàu là người có đủ các yếu tố: tiền của, sức khỏe, trí tuệ, gia đình và bạn bè tốt. Nếu chỉ có tiền của mà mất đi một trong những yếu tố còn lại thì cuộc đời này chẳng khác gì nấu canh mà… không bỏ muối! Con người sống mà không định nghĩa được mình là ai và sinh ra trên đời để làm những gì.
Chúng ta tại sao phải điên cuồng tranh giành, ghen ghét, hãm hại lẫn nhau chỉ để đạt được những thứ không tồn tại mãi mãi được với mình? Con xe, cái nhà, chiếc điện thoại xịn, chiếc giỏ hiệu hay cái đầm đính kim cương… nhắm mắt rồi mở mắt ta mọi thứ đều thay đổi cả, ta thấy cái xe đã trở thành đồ cổ, ngôi nhà thì xuống cấp, chiếc điện thoại xịn đã lỗi thời, cái giỏ hiệu đã sờn da, còn chiếc đầm đính kim cương đã không còn tinh xảo. Vậy thì từ lúc ban đầu ta đấu tranh bằng mọi giá để có được những thứ abcd nào đó thì nó có ý nghĩa gì nếu một ngày ta cũng phải vứt bỏ, thay mới chúng?
Tiền có thể mua được tất cả những thứ vật chất, nhưng đừng vì tiền mà quên mất bản thân mình và những gì mình thật sự cần để cảm thấy đáng sống, bạn nhé!