Mẹ Và Con – Nếu mẹ thực hiện đúng những điều như bài viết dưới đây đề cập thì bạn có thể phòng ngừa giun sán cho trẻ.

ngua giun san cho tre bang cach nao

(Ảnh minh họa)

Nhiễm giun sán được xem là… phổ biến đến mức các bà mẹ thấy nó “bình thường”. Quả thật, theo báo cáo tổng hợp từ các quốc gia khu vực châu Á, Việt Nam là nước có số người bị nhiễm giun, sán cao nhất.

Trong đó, tỷ lệ đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là trẻ em do ý thức giữ vệ sinh ở trẻ còn kém. Ước tính trung bình trong mỗi người Việt Nam có 8 giun đũa, 17 giun móc và 32 giun tóc sống ký sinh.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun sán

Giun sán là những loài sinh vật tuy nhỏ bé nhưng tác hại của nó thì nguy hiểm vô cùng. Nếu bị nhiễm, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, gây chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.

Trẻ bị nhiễm giun sán mà không được phát hiện sớm và chữa trị kịp có thể dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt lâu dài, gây ra những tác hại bất lợi đối với sức khỏe của trẻ. Đó là chưa kể trẻ có thể gặp tình trạng tắc ruột, tắc ống mật do giun.

Ở các bé gái, khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm. Nhiễm giun sán trong trường hợp nặng còn có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.

Ví dụ như giun có thể chui vào ống mật làm tắt ống mật, đi vào mạch máu, qua gan, phổi, v.v.. Trẻ bị giun chui vào phổi sẽ bị ho kéo dài, gầy gò, mệt mỏi. Chính vì thế, các bà mẹ trẻ không nên lơ là chuyện này hay xem giun sán như chuyện… bé nào cũng bị, để đến lớn cũng có sao đâu.

Dấu hiệu nào ở trẻ khiến bạn cần nghi ngờ là bé bị nhiễm giun? Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đây là các dấu hiệu điển hình: gầy còm, chậm lớn, thỉnh thoảng kêu đau bụng, ăn không ngon, ngủ không ngon, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, hay buồn nôn, nôn ra thức ăn; trẻ hay bực tức, quấy khóc, tính tình thay đổi, lười vận động.

Những trẻ nhiễm giun kim thì hậu môn bị ngứa, nhất là vào ban đêm nên trẻ ngủ không yên, hay nghiến răng và đái dầm.

Một điều bất lợi và đáng ngại là khí hậu Việt Nam rất “lý tưởng” cho các loại ký sinh trùng phát triển. Trong khi đó, các loại thức ăn hàng ngày như rau củ, thịt bò, cá, v.v. là mầm mang rất nhiều giun sán.

Chưa kể ở nhiều vùng thôn quê, khi người mẹ vẫn chưa có đầy đủ kiến thức về chăm sóc trẻ nên vẫn cho con ăn tiết canh, các món sống và nghĩ rằng như thế là “bổ”.

Ngoài ra, cũng phải thấy rằng trẻ rất hiếu động, hay chơi những trò chơi tiếp xúc nhiều với đất và bụi bẩn, hay ngồi xuống đất, hay ngậm các loại đồ chơi, vật lạ bẩn vào miệng. Điều đó khiến trẻ càng dễ bị nhiễm giun sán hơn.

ngừa giun sán

(Ảnh minh họa)

Ngăn ngừa giun sáng cho trẻ bằng cách nào?

Làm được điều này thật ra không khó. Trước tiên, bạn cần chú trọng giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống cho bé. Luôn rửa tay sạch cho mình và cho bé trước khi đút bé ăn. Lau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Thức ăn cho trẻ dù ở độ tuổi nào cũng phải luôn luôn nấu chín, nước uống phải được đun sôi để nguội. Nếu cho trẻ ăn trái cây hoặc rau sống thì phải ngâm muối và rửa lại nhiều lần dưới vòi nước đang chảy.

Ngay từ lúc trẻ còn nhỏ, phải luôn chú ý vệ sinh tay chân, cắt móng tay móng chân sạch sẽ, hạn chế tối đa cho trẻ đi chân đất dưới nền dơ.

Không để trẻ nằm, bò, trườn dưới đất. Không để trẻ mặc quần thủng đáy (nhiều bà mẹ than phiền trẻ hay tè nhiều làm ướt quần áo nên thôi cho trẻ… khỏi mặc quần luôn cho tiện, điều này rất dễ dẫn đến việc trẻ sớm bị nhiễm giun sán).

Quần áo của trẻ sau khi giặt nên phơi ở nơi có nhiều nắng để khô ráo hoàn toàn và có thể diệt được trứng giun. Ngoài ra, trẻ từ 2 tuổi trở lên nên cho uống thuốc xổ giun định kỳ 6 tháng một lần theo chỉ định của bác sĩ.

Chú ý là mỗi khi tẩy giun, phải tẩy đồng loạt tất cả thành viên trong gia đình (cả người lớn lẫn trẻ nhỏ) cùng lúc thì mới có thể điều trị việc nhiễm giun sán được.

Nếu chỉ tẩy giun và giữ vệ sinh cho con mà chính bạn lại bị nhiễm giun hoặc không có thói quen rửa tay trước khi đút cơm cho con thì mọi thứ chỉ là vô ích.

Bạn cũng nên chú ý, thuốc tẩy giun là một loại thuốc dễ sử dụng và tương đối an toàn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chỉ bắt đầu tẩy giun định kỳ khi trẻ được 2 tuổi trở lên.

Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa trẻ đi khám để làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun thì trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Trẻ từ 2 tuổi trở lên được tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng. Một số phản ứng phụ trẻ có thể gặp sau khi dùng thuốc là đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua. Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi.

Trong một số ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng với thuốc như bị dị ứng, phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun cho trẻ. Hầu hết thuốc dễ uống, có vị ngọt thơm nên không khó khăn trong việc cho bé uống. Trường hợp nặng, bé nhiễm sán thì cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp tẩy giun dân gian hiệu quả như cho bé ăn hạt bí đỏ đã nấu hoặc rang chín.

Sổ tay cho mẹ

Mẹ nhớ những việc này để đề phòng nhiễm giun sán cho bé nhé!

  • Rửa tay sạch cho bé bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi ngoài.
  • Cho bé ăn chín, uống nước đã đun sôi, nếu ăn rau sống phải rửa thật sạch (với trẻ dưới 5 tuổi, không nên cho bé ăn rau sống).
  • Không để bé đi chân đất, tránh ấu trùng giun móc chui qua da.
  • Tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi cứ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.
Tags:

Bài viết liên quan