Vệ sinh cá nhân cho con không chỉ là cách để cơ thể con luôn thoải mái, mà còn giúp con tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Từ những điều nhỏ nhặt nhất như cắt móng tay, móng chân hay lấy ngoáy tai cho trẻ sơ sinh, ba mẹ cần phải đặc biệt chú ý. Nếu không cẩn thận, vô tình chúng ta gây xước vành tai khiến bé bị nhiễm trùng, thậm chí là còn làm ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Cách lấy ráy tai cho bé không đau
Thường ngày, chắc hẳn là sẽ có nhiều ba mẹ vẫn duy trì thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai cho bé. Tuy nhiên, điều này không được các chuyên gia khuyến khích đâu. Bởi nó có thể khiến ráy tai đi sâu vào bên trong gây ảnh hưởng đến màng nhĩ. Để lấy ráy tai cho bé không đau, mẹ có thể làm theo cách sau:
- Mẹ sử dụng khăn mặt hay khăn sữa của bé làm từ cotton hoặc sợi tre, mỏng, mềm và nhúng qua nước, vắt khô để thấm nhẹ xung quanh vành tai.
- Sau đó, mẹ nhẹ nhàng lau sạch các góc tai ngoài, xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn theo hình sâu kèn và từ từ đưa sâu vào bên trong tai, tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn để ra ngoài.
Kinh nghiệm lấy ráy tai khô, vón cục
Để ngoáy tai cho trẻ sơ sinh trong trường hợp ráy tai bị khô, vón cục, cách đơn giản nhất là mẹ nhỏ vào tai con dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Mỗi lần nhỏ từ 5-7 giọt, giữ yên khoảng 1 phút. Nước muối sẽ làm ráy tai mềm hơn và giúp mẹ lấy ra dễ dàng. Mẹ có thể lấy ráy tai cho con bằng một trong hai cách sau:
Cách lấy ráy tai khô bằng dầu ô liu
Ráy tai khô, cứng, vón cục lâu ngày sẽ khiến bé khó chịu và ngứa ngáy. Mẹ có thể sử dụng dầu ô liu để làm tan các cục ráy tai bị vón cục. Những gì cần chuẩn bị là một chút dầu ô liu, một chiếc bơm tiêm nhựa 1ml dùng một lần (không có kim) hoặc một chiếc thìa nhỏ. Mẹ thực hiện mỗi ngày một lần, trong vòng 2 tuần tình trạng ráy tai vón cục của bé sẽ được cải thiện.
Cách thực hiện
- Bước 1: Để bé nằm nghiêng, cho vài giọt dầu ô liu vào một chiếc thìa nhỏ hoặc dùng bơm tiêm nhựa (loại không kim) hút một ít dầu ô liu.
- Bước 2: Kéo nhẹ vành tai của bé rồi đổ dầu vào ống tai của bé.
- Bước 3: Dùng tay day nhẹ gờ bình tai trong khi vẫn kéo vành tai. Lặp lại động tác này nhiều lần để dầu ô liu di chuyển sâu vào trong, làm tan ráy tai bị vón cục. Chú ý sau khi nhỏ dầu, ba mẹ nên để bé ở tư thế nằm nghiêng thêm khoảng 3 phút.
Cách lấy ráy tai khô bằng oxy già
Bên cạnh sát khuẩn vết thương, làm sạch vết thương… oxy già còn dùng để làm tan cục ráy tai cho trẻ hiệu quả. Mẹ chỉ cần chuẩn bị dung dịch oxy già 3%, một chiếc bơm tiêm nhựa 5ml (không có kim). Và thực hiện đúng trình tự theo các bước sau nhé:
Cách thực hiện
- Bước 1: Hòa chung nước ấm và dung dịch oxy già theo tỷ lệ 1:1.
- Bước 2: Đặt bé nằm nghiêng. Dùng bơm tiêm nhựa (loại không kim) hút hỗn hợp làm mềm ráy tai đã pha chế ở bước 1 rồi nhỏ từ từ vào ống tai.
- Bước 3: Mỗi lần nhỏ khoảng 5-10 giọt, nhỏ từng giọt một để làm mềm ráy tai. Sau đó giữ bé nằm yên khoảng 3 phút.
Lưu ý khi vệ sinh tai cho trẻ
- Không dùng tăm bông hay vật sắc nhọn để ngoáy tai cho trẻ sơ sinh vì có thể khiến ráy tai đi sâu vào trong, lâu ngày sẽ trở thành những cục ráy tai khô, vón cục.
- Một tháng chỉ nên vệ sinh tai cho bé khoảng 2-3 lần.
- Trường hợp tai bé đang bị trầy xước hoặc viêm tai giữa, mẹ không nên dùng bông ráy tai hay các dụng cụ khác để ngoáy tai cho bé.
- Nếu thấy tai trẻ có chảy mủ, chảy dịch có mùi hôi… ba mẹ hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.
Như vậy là Mẹ&Con đã hướng dẫn xong cách ngoáy tai cho trẻ sơ sinh. Chúc bạn thực hiện thành công và bé yêu luôn vui vẻ, khỏe mạnh!