Mẹ&Con - Trước ngày sinh, bố mẹ cần chuẩn bị cho trẻ sơ sinh nhiều món đồ khác nhau. Bên cạnh mua quần áo, tã bỉm, bình sữa, mẹ còn cần phải chuẩn bị cho con những vật dụng sau:

Với những người lần đầu làm mẹ, dù còn rất nhiều bỡ ngỡ nhưng tâm lý chung là luôn mong muốn mang tới những điều tốt đẹp nhất cho con. Do đó, các bà mẹ sẽ sắm sửa rất nhiều đồ, mua quần áo, đồ chơi… cho bé.

Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ mới sinh, bạn chỉ nên sắm sửa vừa đủ để tiết kiệm vào những khoản sau này. Dưới đây là danh sách những món đồ không thể thiếu để chào đón thành viên mới mà Mẹ&Con đã chuẩn bị, bố mẹ tham khảo nhé!

trẻ sơ sinh

1.001 vật dụng cần có trong giỏ đồ đi sinh của mẹ

Quần áo sơ sinh

Khi mua quần áo cho bé sơ sinh, mẹ cần lưu ý mua đồ dài để giữ ấm cho con. Áo sơ sinh nên lựa chọn chất liệu cotton, dài tay, loại cài khuy lệch để ngực của bé không bị lạnh. Thêm nữa nếu bé được sinh vào mùa lạnh thì mẹ nên mua thêm 3-4 chiếc áo nỉ hoặc gile để giữ ấm về đêm.

Bạn nên mua cho bé 10 chiếc áo sơ sinh và 15 chiếc quần vì em bé sẽ hay tè dầm, dù dùng miếng lót thì vẫn có thể ngấm ra ngoài nếu bỉm đầy. Thế nhưng, bạn cũng không nên mua quá số lượng gợi ý trên do trẻ sơ sinh lớn tương đối nhanh, bạn sẽ phải thay đổi quần áo liên tục.

Mũ che thóp

Mũ cũng là món đồ quan trọng cần phải cân nhắc mua vật dụng cho bé. Trẻ mới ra đời phần sọ chưa liền lại, sẽ còn một vùng lõm trên trán được gọi là thóp. Lúc này, phần thóp còn rất yếu ớt, dễ bị tác động bên ngoài và nhiễm thoát nhiệt, nên bố mẹ cần đội mũ thường xuyên để che chắn cũng như giữ ấm cho con. Số lượng khoảng 3-4 cái là đủ, sau đó sẽ thay theo kích cỡ của đầu bé.

Bao tay và tất

Bao tay và tất để giữ ấm cũng như tránh để bé tự cào làm rách mặt, đầu của mình. Hiện nay trên thị trường chủ yếu là 2 loại có thun và cột dây để bố mẹ thoải mái lựa chọn thuận tiện nhất cho việc chăm sóc con. Mỗi loại cần chuẩn bị 5-6 đôi và thay đổi kích cỡ sau đó.

bao tay cho trẻ sơ sinh

Tã, bỉm, miếng lót

  • Giấy lót phân xu cho bé trong khoảng 3 tuần đầu. Lúc mới sinh, bé thường đi phân xu, mẹ không nên dùng tã ngay lập tức mà nên dùng giấy lót để tránh bị hăm. Sau khi hết đi phân xu thì mới thay qua bỉm.
  • Bỉm sơ sinh cũng rất quan trọng. Bố mẹ có thể tìm mua các loại bỉm dành riêng cho trẻ sơ sinh để phù hợp với làn da nhạy cảm của con. Trung bình 1 ngày bé sẽ cần tối thiểu 5-6 miếng bỉm. Do đó bố mẹ cần tính toán để mua dự trữ nhé!
  • Miếng lót thay tã, bỉm để tránh trường hợp thấm nước ra giường. Đặc biệt khi trời lạnh, trời nồm quần áo khó khô thì việc giường ướt cũng khiến bé bị nhiễm cảm lạnh.
  • Trường hợp không muốn bé đóng bỉm nhiều, có thể thay thế bằng tã lót xô và tã chéo. Chuẩn bị khoảng 10 cái mỗi loại cho bé để tiết kiệm tiền bỉm mà vẫn có thể tái sử dụng sau khi giặt. Bố mẹ có thể tìm mua những loại tã có chất liệu mềm mịn, nhanh khô, không bám bẩn và tránh màu trắng.

Vật dụng tắm rửa

  • Bên cạnh mua quần áo sơ sinh, tã bỉm, các vật dụng tắm rửa cũng rất cần thiết vì em bé mới sinh không thể tắm trực tiếp với vòi sen như người lớn được. Bố mẹ nên trang bị một chiếc chậu tắm riêng biệt có độ bền cao để bé thoải mái vùng vẫy mà vẫn an toàn.
  • Dầu tắm cho bé sơ sinh phải có thành phần tự nhiên, dung tích vừa phải để phòng trường hợp bé dùng không thích hợp cũng có thể đổi loại khác mà không tốn kém.
  • Khăn tắm để quấn cho bé khi ra ngoài nên sử dụng loại thấm nước tốt, đặc biệt vào mùa lạnh thì nên dùng loại 4 lớp hoặc 6 lớp để giữ ấm cơ thể. Số lượng khoảng 3 chiếc, một chiếc lau nước, một chiếc quấn sau khi đã khô để chờ thời gian mặc quần áo.
  • Dụng cụ đo nhiệt độ nước tắm để đảm bảo độ ấm vừa phải cho làn da cũng như nhiệt độ của con. 35-38 độ là nhiệt độ lý tưởng để bé tha hồ tắm táp.

tắm cho trẻ sơ sinh

Vật dụng vệ sinh

Tại những cửa hàng bán đồ dành cho trẻ sơ sinh chuyên nghiệp, khi mua quần áo hoặc những vật dụng khác thì bố mẹ cũng sẽ được tư vấn món nhỏ lẻ dành cho vệ sinh cá nhân bé mới chào đời.

  • Băng gạc để bảo vệ phần rốn cho đến khi cuống rốn rụng. Cần thường xuyên thay sau khi tắm để đảm bảo vệ sinh vùng nhạy cảm này.
  • Gạc rơ lưỡi để vệ sinh trong miệng bởi vì sữa tích tụ sẽ có mùi hôi khó chịu, vi khuẩn sinh sôi, thậm chí ảnh hưởng tới việc mọc răng sữa sau này của bé. Do đó, mẹ cần thường xuyên rơ lưỡi sau khi con bú sữa để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé.
  • Khăn ướt được sử dụng rất nhiều khi bé ăn uống hoặc thay tã, vậy nên Mẹ&Con khuyến khích bạn dùng những loại không mùi để tránh gây kích ứng cho da.
  • Nước muối sinh lý để rửa những phần nước ối còn đọng lại trong mắt và lỗ mũi bé mới sinh. Bên cạnh đó, bé cũng cần được vệ sinh tai, mũi và mắt hằng ngày để tránh các bệnh về mắt, xoang…

Kem chống hăm

Kem chống hăm cũng rất quan trọng khi lên kế hoạch mua quần áo, chuẩn bị đồ cho thành viên mới. Đặc biệt vào mùa hè, nếu bé thường xuyên mặc bỉm hoặc bị mẩn đỏ thì bố mẹ cần thường xuyên thoa kem chống hăm cho con.

Vật dụng ăn uống

Ngoài việc bú trực tiếp bầu ngực mẹ thì nhiều phụ nữ muốn quay lại công việc sớm nên đã cho sữa mẹ vào bình để con bú quen, để khi không có mẹ bên cạnh thì con cũng không quấy khóc hay bỏ bữa. Những vật dụng cơ bản khi bé bú gồm có:

  • Bình sữa được làm bằng nhựa dẻo silicon y tế có chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho bé.
  • Nước rửa bình sữa chuyên dụng để giúp đánh bật những mảng bám. Tuyệt đối không dùng nước rửa chén thông thường quá nặng mùi và thành phần hóa chất.
  • Túi trữ sữa trong tủ lạnh để đảm bảo vệ sinh cũng như chất lượng. Thời gian trữ sữa tốt nhất là 6 tháng.
  • Máy hâm sữa để kịp thời làm nóng sữa khi từ trong ngăn lạnh ra trong lúc bé đói. Máy tự động điều chỉnh nhiệt độ để phù hợp với cơ thể bé, tránh gây phỏng hoặc quá lạnh.
  • Máy tiệt trùng bình sữa giúp vệ sinh cũng như úp riêng những dụng cụ ăn uống của bé ra để thuận tiện kiếm tìm khi cần thiết.
  • Máy vắt sữa cho mẹ để không bị tức ngực đồng thời dự trữ sữa cho khoảng thời gian đi làm sau này.

bình sữa

Đồ dùng khi ngủ

  • Bên cạnh việc mua quần áo dài tay cho bé ngủ thì những đồ dùng khi ngủ của con cũng cần chuẩn bị riêng biệt.
  • Gối chặn chống giật mình giúp con không bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu cũng như không giật mình và òa khóc trong lúc ngủ.
  • Cũi, nôi được đặt sát cạnh mép giường của bố mẹ vừa đảm bảo con không bị người lớn đè mà vẫn thuận tiện chăm bé giữa đêm.
  • Gối nằm có lỗ để cân bằng và không làm đầu bị méo do cấu tạo sọ chưa hoàn chỉnh của trẻ sơ sinh.
  • Chăn đắp riêng biệt với người lớn vì bé có thể cảm thấy nóng và khó chịu. Do đó, cần chuẩn bị 2-3 chiếc chăn mềm mại và nhẹ cho con.

Đồ chơi cho con

Dù trẻ sơ sinh chưa chơi nhiều đồ chơi như những bé sau 1 tuổi, nhưng những món đồ này sẽ hình thành khả năng quan sát và phản xạ cho con. Đối với bé từ 0-2 tháng tuổi, bạn nên ưu tiên chất liệu mềm như cao su, silicon để bé không bị tổn thương. Từ 2 tháng tuổi trở đi, những phản xạ cầm nắm, phân biệt ánh sáng, màu sắc, hình dạng, âm thanh được hình thành từ những món đồ chơi xung quanh. Do đó, bố mẹ nên chọn những món đồ phù hợp với giai đoạn này.

Những lưu ý khi mua quần áo và chuẩn bị đồ đi sinh

  • Có quá nhiều thứ cần chuẩn bị từ mua quần áo, mua đồ tắm, đồ vệ sinh, ăn uống tới đồ chơi nhưng bố mẹ cũng đừng lo lắng quá nhé! Khi có bất cứ điều gì cảm thấy bất ổn, hoang mang, hãy tìm sự trợ giúp của phụ huynh hai nhà hoặc các bác sĩ, y tá, người có kinh nghiệm.
  • Bạn nên cất gọn đồ của bé vào một giỏ xách để có thể dễ dàng tìm và sử dụng bất cứ khi nào. Ngoài ra, đừng quên chỉ cho chồng và bố mẹ biết chỗ cất đồ để trong trường hợp bạn đi sinh, mọi người có thể kịp thời mang vào viện cho bạn.
  • Đừng quá căng thẳng khi chuẩn bị đồ cho trẻ. Điều cần nhất ở mẹ bầu chính là sự thoải mái và tâm trạng thư giãn. Chỉ có như vậy thì mới có thể mẹ tròn con vuông, bình an mừng con chào đời.

mua quần áo cho trẻ sơ sinh

Mua quần áo và đồ dùng cho trẻ sơ sinh là điều bất cứ gia đình nào cũng cần chuẩn bị trước khi con chào đời. Hy vọng những chia sẻ của Tạp chí mẹ và Con sẽ giúp bạn an tâm hơn trước ngày vượt cạn! 

Bài viết liên quan