Mẹ&Con – Khi thật sự hiểu và nắm bắt được tâm lý hay những hành động, cử chỉ của bé yêu, bạn sẽ giúp con phát triển một cách tốt nhất.

Nghệ thuật hiểu bé yêu – Lần đầu làm cha mẹ với bao bở ngỡ, lóng ngóng, có những tình huống của con khiến bạn bối rối, không hiểu thế nào và cũng chẳng biết làm sao như: trẻ cứ lật đi lật lại hoài một trang sách, nói những câu nghe như vô nghĩa, bướng bỉnh không chịu bỏ đồ chơi ra để ăn cơm, v.v.. Nếu hiểu được “thế giới phức tạp” của con, bạn sẽ thấy mọi thứ không quá khó hiểu và có thể giúp con phát triển một cách tốt nhất.

Một số mẹo và nghệ thuật để hiểu bé yêu hơn

Đừng cao hơn trẻ

hiểu bé yêu

(Ảnh minh họa)

“Cao” ở đây được hiểu chính xác theo nghĩa đen 100%. Sẽ thật khó khăn cho việc gần gũi và chơi cùng con khi bạn đứng, ngồi cao hơn trẻ. Đừng để trẻ phải ngước nhìn lên bạn. Thay vào đó, hãy cùng con quỳ, bò, thậm chí lăn trên sàn nhà trong các hoạt động vui đùa.

Việc này rõ ràng giúp hình thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa bạn với bé. Và quan trọng, chính trong những thời khác như thế này, bé dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương của cha mẹ. Bé hiểu bạn đang thật sự muốn bước vào thế giới của bé.

Để trẻ học theo cách của mình

Hiểu bé yêu của bạn có làm những việc này không? Bạn ném cho trẻ trái banh và trẻ cứ ngắm nhìn mãi không ném lại cho bạn? Trẻ giở đi giở lại cuốn sách ở đúng một trang? Trẻ mở cửa rồi đóng cửa lại không biết bao nhiêu lần? Trẻ chỉ vào hình dáng trên tường ra ý hỏi bạn đó là cái gì và bạn phải lặp lại câu trả lời không dưới trăm lần?

Với bạn, những việc này lại gây thắc mắc, đôi khi phiền phức, bực mình, không hiểu vì sao con cứ làm như thế; nhưng với trẻ, đó lại là những trò chơi thú vị mà thông qua đó, bé học được nhiều điều.

Hãy kiên nhẫn, biết chờ đợi và chấp nhận cách học riêng này của con. Qua những hành động lặp đi lặp lại đó, trẻ dần nắm bắt được vấn đề và thành thạo mọi thứ.

Để trẻ là người chủ động

nghe thuat hieu be yeu

(Ảnh minh họa)

Bạn nghĩ con còn nhỏ và chưa đủ nhận thức nên muốn áp đặt con trong mọi việc, kể cả cách sử dụng đồ chơi và chơi như thế nào. Nếu vậy, trẻ sẽ không phát triển tự nhiên được. Mọi sự áp đặt đều kìm hãm sự phát triển trí tuệ, năng lực và kỹ năng của bé. Hãy để trẻ tiếp cận và sử dụng đồ chơi theo cách bé muốn.

Nếu trẻ dùng quả bóng để ngồi, giấy trắng để lau sàn, bút để làm muỗng, đất sét để ném, v.v. thì đó là cách trẻ đang khám phá và thỏa mãn sự tò mò của mình đấy.

Cho trẻ sự lựa chọn

Đôi khi, thay vì ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, trẻ tỏ ra bướng bỉnh không chịu dọn đồ chơi, thay bỉm hay ngồi vào bàn ăn. Khi đó, bạn có thể đưa cho con vài lựa chọn để khuyến khích sự tự giác và cộng tác của bé.

Sự mềm mỏng, dịu dàng, linh hoạt lúc này sẽ có ích hơn tiếng quát tháo, dọa nạt đấy bạn! “Hay con ngồi lên xe và mẹ kéo con vào bàn ăn?” (trẻ không chịu ăn cơm vì mãi chơi với xe kéo), “Mẹ cho con xem đến khi kim dài chỉ số 3 nhé hay con thích tắt ti vi và vào phòng nghe mẹ đọc truyện?” (trẻ không chịu tắt ti vi để đi ngủ).

Quan tâm đến ngôn ngữ của trẻ

Trẻ nghe và hiểu được ngôn ngữ từ rất sớm trước khi trẻ có thể phát âm và nói đúng từ, đúng ngữ pháp. Vì thế, hãy chú ý tới những hành động, âm thanh, biểu hiện, cử chỉ và từ ngữ của trẻ. Trẻ rất muốn giao tiếp, kết nối và bộc lộ ý nghĩ.

Khi những nhu cầu này được cha mẹ khuyến khích một cách tôn trọng, khả năng ngôn ngữ phát triển, trẻ sẽ sớm giỏi giao tiếp. Khả năng nói, nghe, đọc và viết sau này của trẻ khơi nguồn từ chính mối liên kết ban đầu giữa trẻ với cha mẹ và những người chăm sóc mình.

Tôn trọng suy nghĩ của trẻ

Học hỏi và khám phá về thế giới xung quanh là một quá trình phát triển từng bước một, trong đó, trẻ sẽ dựa vào những điều quan sát được để hình thành suy luận của mình về hiện thực xung quanh.

Vì thế, đôi khi, bạn sẽ thấy con đưa ra một ý kiến, nhận định nào đó có phần chưa đúng, còn ngây ngô và rất buồn cười, ngộ nghĩnh nhưng hãy chấp nhận và xem đó là một phần của quá trình học tập chủ động.

Quan trọng là bạn không nên la mắng hay chế nhạo con vì điều ấy; sự sợ hãi sẽ chỉ khiến bé ngại suy nghĩ và không dám đưa ra ý kiến của mình.

Hóa giải vấn đề

Trong quá trình chơi mà học của mình, trẻ chắc chắn sẽ gây ra một vài rắc rối khiến bạn bực mình. Ví dụ, trẻ muốn tự mình rót nước nên làm đổ nước ra bàn, vẽ bậy lên tường để biết cách sử dụng bút, tìm hiểu âm thanh bằng cách ném đồ chơi xuống đất, xé giấy, kéo ghế, v.v..

Tại sao bạn lại không biến chúng thành cơ hội dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề. “Nước đổ ra bàn rồi, làm sao bây giờ hả con?”, “Quyển sách bị rách rồi, có cách nào làm nó liền lại không?”, “Con vịt bị gãy chân rồi, nó sẽ không đi đâu được nữa cả”.

Tags:

Bài viết liên quan