Mẹ và Con – Với bé, tập đi là một giai đoạn khó khăn. Với mẹ, con tập đi cũng là một giai đoạn… khó khăn không kém! Do đó, khi bé tập đi, ba mẹ đừng quên những lưu ý quan trọng này nhé!

Khi bé tập đi: Hạn chế bế bé

Việc được bố mẹ bế quá nhiều sẽ khiến bé “làm biếng”, không chịu tập đi. Vì vậy, đến gần giai đoạn con biết đi (khoảng 7-8 tháng), bạn chỉ nên bế con trong trường hợp thật cần thiết. Còn lại, nên để bé tự do ngồi chơi, bò quanh nhà (tự di chuyển).

Nên khuyến khích con bằng cách chỉ cho con xem các anh chị lớn hơn đi đứng, chạy nhảy như thế nào. Bé sẽ tò mò và muốn thử sức mình. Tuy nhiên, xin nhắc bạn một lần nữa là chỉ nên khuyến khích bé thật nhẹ nhàng và thật kiên nhẫn. Đến khi cơ xương đủ vững, bé sẽ bắt đầu làm quen với việc tập đi thôi.

Hỗ trợ con đứng dậy

Trong quá trình quan sát con khi bé bò quanh nhà, nếu bạn thấy bé có dấu hiệu tì tay, với tay lên một chiếc ghế, thì nhiều khả năng là bé muốn đứng lên. Để giúp bé, bạn có thể đỡ tay ở phần thân, thử giúp con đứng lên. Nếu sau đó bé không thích nữa, có thể đỡ bé ngồi xuống lại.

Trong trường hợp bé hào hứng với tư thế đứng này, hãy cho bé được đứng thêm một lúc (vẫn giữ tay bên cạnh). Sau nhiều lần như thế, bé có thể tự đứng vững vàng, sau đó nhích dần chân về phía trước (tay vịn cạnh giường, cạnh ghế) mon men thử những bước đầu tiên.

Bé tập đi

Khi bé tập đi: Chọn giày cho bé

Một đôi giày cho giai đoạn tập đi vô cùng quan trọng. Mẹ cần chọn giày có đế đủ cứng, tạo cảm giác chắc chắn cho bé. Phần sau giày hơi cao hơn, kín và dày giúp nâng đỡ chân bé, để bé đi lại dễ dàng. Giày giống như dạng bata rất hữu ích trong trường hợp này. Mũi giày cần cách ngón chân khoảng 1,5cm.

Đừng mua giày ôm quá sát chân bé (không có khoảng không nơi mũi giày), vì khi bé bước đi về phía trước, phần mũi giày khít ngay trước ngón chân sẽ làm đau bé.

Mẹ lưu ý thêm: Không cần các đôi giày mỗi bước đi tạo ra tiếng “bíp bíp” hay chớp đèn vì nó sẽ khiến bé bị phân tâm, thay vì cố gắng giữ thăng bằng, bước đi thì bé sẽ lại dán mắt vào… đôi giày phát ra âm thanh hay ánh sáng.

Đảm bảo an toàn khu vực bé tập đi

Trong khu vực bé tập đi, tuyệt đối không có xe chạy (không cho bé tập đi khu vực lề đường, sát đường cái). Cho bé tập đi trong sân, trong nhà thì cần quan sát khoảng không gian này, đảm bảo không có đồ vật gì dễ đổ, dễ ngã. Khoảng không đủ trống cho bé chập chững bước tới mà không va phải cái gì.

Bạn cũng cần biết rằng bé vô cùng háo hức khi mới biết đi nên sẵn sàng… lao tới phía trước và té ngã. Do đó, cần để ý xem trên sàn có những vật dễ làm đau bé không, nền có phẳng không hay là có nhiều thứ gồ ghề như đá, sỏi không.

Không lạm dụng xe tập đi

Như đã nhắc đến từ bài trước, việc lạm dụng xe tập đi quá nhiều sẽ khiến bé yếu và biết đi muộn hơn. Tốt nhất, bạn nên để bé đi tự nhiên trên nền sạch và an toàn. Có vấp váp vài lần cũng không sao, vì dù bé khóc, bé đau nhưng đó sẽ là quy trình tất yếu để con khôn lớn.

Khi bé đi ra ngoài được, muốn kiểm soát tốc độ của con và giữ an toàn cho con, bạn có thể dùng dây dắt bé. Dây dắt sẽ giúp bé đi thoải mái, thăng bằng, vững chãi, đôi tay hoạt động tự nhiên. Chỉ khi nào bé ngã, dây dắt mới giúp nâng giữ bé, bảo vệ cho bé an toàn bên bạn mà thôi.

Bé tập đi

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Để tránh con bị cong chân, đi vòng kiềng, cần chú ý cho bé uống nhiều sữa, tắm nắng đầy đủ, cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết.

Tuy nhiên, cũng không nên cho bé ăn quá nhiều dẫn đến tình trạng béo phì, vì việc này sẽ tạo ra áp lực với đôi chân còn rất non nớt của bé, khiến những bước chập chững đầu tiên trở nên rất khó khăn.

Bạn cũng cần chú ý đừng cho bé đứng hoặc đi quá sớm so với độ tuổi, vì trọng lượng cơ thể dễ ảnh hưởng đến chân, tạo nên tình trạng bị vòng kiềng.

Với trẻ bình thường, hai chân sẽ thẳng khít song song khi đứng, hai đầu gối và hai mắt cá bên trong đều sát khít nhau. Trường hợp khi trẻ đứng thẳng, hai đầu gối không thẳng khít, có khe giữa khoảng 1,5cm hoặc cẳng chân cong vào trong, có khe giữa trên 1,5cm thì đó gọi là hiện tượng chân vòng kiềng, cần chữa trị.

Tuy nhiên, lưu ý là cách này chỉ được xác định khi trẻ đã đi vững vàng. Ở trẻ mới biết đi, chân trẻ có thể khuỳnh ra, tướng đi rất ngộ nghĩnh nhưng không gọi là chân vòng kiềng.

Hỏi nhanh bác sĩ khi bé tập đi

Hỏi : Con tôi mới 8 tháng, bé chưa biết đi nhưng rất thích đứng, thích men men nhúc nhích chân theo mép giường. Tôi thấy bé có vẻ hào hứng thì để tự do cho bé làm điều này. Nhưng nhiều bạn bè của tôi thì bảo không nên vì xương bé còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc tập đứng, tập đi. Tôi nên làm thế nào?

Hoàng Lam (Quận Gò Vấp)

Đáp: Khoảng 9-11 tháng, bé sẽ biết đi. Con bạn mới 8 tháng đã thích đứng và muốn “lẫm chẫm” thì hơi sớm, tuy nhiên cũng không hại gì cả. Bạn cứ để bé tự nhiên, vì trẻ chỉ tập đứng, tập đi nếu như đó là nhu cầu “thôi thúc” từ bên trong và trẻ đã sẵn sàng cho chuyện ấy.

Nói như vậy nghĩa là bạn không nên kích thích quá mức hay ép bé tập đi sớm, song cũng không nên cản khi bé cảm thấy sung sướng, hào hứng với việc này, sẵn sàng nỗ lực chuẩn bị cho những bước chập chững đầu đời. Tạp chí Mẹ và Con chúc bé nhà bạn vui khỏe và có những trải nghiệm khi tập đi nhé! 

Bài viết liên quan