Theo thống kê, có đến gần 1/5 phụ nữ sẽ bị sảy thai ít nhất trong đời. Có thể nói, việc bị sảy thai là một hiện tượng tương đối phổ biến. Hầu hết phụ nữ từng bị sảy thai sẽ gặp những chấn thương trong tâm lý nhưng các vấn đề này thường ít được công nhận và không phải ai cũng biết cách để an ủi người vừa trải qua nỗi đau bị sảy thai.
Việc chia sẻ không đúng cách ngược lại sẽ khiến người đang gặp những rắc rối về sức khỏe tinh thần trở nên suy sụp hơn, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, nếu bạn có người thân, bạn bè hay đồng nghiệp vừa bị sảy thai, hãy lưu ý những vấn đề sau đây bạn nhé!
Khủng hoảng tâm lý của người từng bị sảy thai
Sau khi sảy thai, tâm lý người phụ nữ thường không ổn định, dễ rơi vào trầm cảm nếu người nhà không quan tâm, chăm sóc và can thiệp kịp thời. Phụ nữ từng bị sảy thai thường tự trách mình là nguyên nhân khiến con không thể chào đời. Cảm giác này khiến họ phải sống trong day dứt, dằn vặt, cảm thấy có lỗi với bản thân, với đứa con và với tất cả mọi người.
Hơn nữa, phụ nữ khi bị sảy thai thường trải qua cảm giác hụt hẫng, đau đớn khi vừa nghe tin vui do mang thai thì lại phải đối mặt với sự thật rằng đứa con mình mong chờ nay không còn nữa. Tuy đây là sự thật nhưng lại rất khó chấp nhận, khiến nhiều người từng bị sảy thai dễ rơi vào trạng thái tâm lý không ổn định.
Không chỉ vậy, phụ nữ sau khi sảy thai thường trở nên dễ tức giận, cáu gắt, có tâm lý thờ ơ hoặc bất mãn với mọi người xung quanh và cảm thấy bản thân mình bị thiệt thòi, bị đối xử không công bằng khi mọi người đều có thể mang thai nhưng mình thì không.
Nên chia sẻ những gì với người từng bị sảy thai?
Những vấn đề không nên nói với người từng bị sảy thai
Khi an ủi một người vừa trải qua nỗi đau sảy thai, nên chú ý không đề cập, nhắc đến những vấn đề sau đây:
- “Chà, ít nhất thì cậu cũng có thể mang thai.”
Rất nhiều người gặp tình trạng vô sinh hiếm muộn, phải “đấu tranh” để thụ thai. Và cuộc đấu tranh đó đi kèm với nỗi đau và nỗi buồn của chính họ mà chúng ta không thể nào hiểu được. Nhưng có thai mới chỉ là bước đầu tiên để lên chức bố mẹ, và sảy thai sẽ hoàn toàn cướp mất hy vọng của họ. Vì thế, không có lý do gì để chúng ta so sánh việc người mang thai nhưng từng bị sảy thai có may mắn hơn người thụ thai nhưng không thành công hay không vì cả hai trường hợp đều vô cùng đau đớn do chưa thể có được thiên chức làm mẹ như mong muốn.
- “Hãy cảm thấy may mắn bạn không gặp các biến chứng khi sảy thai nên chẳng có gì để đau buồn.”
Đây là một câu nói có thể gây sát thương cực mạnh với những người từng bị sảy thai. Dĩ nhiên, sẽ may mắn hơn nếu không gặp biến chứng sau sải thai nhưng điều này không có nghĩa là việc sảy thai là một việc bình thường, không nên đau khổ hay buồn bã.
- “Rất nhiều người cũng từng bị sảy thai.”
Chắc chắn sảy thai là một hiện tượng phổ biến nhưng đây vẫn là một điều vô cùng đau lòng. Tỷ lệ phụ nữ sảy thai càng tăng cao thì càng đáng lo ngại chứ không phải vì nhiều người bị mà chúng ta trở nên thờ vơ, vô cảm với nỗi đau sảy thai hoặc không được phép cảm thấy buồn khi sảy thai.
Hãy lắng nghe họ
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm cho phụ nữ từng bị sảy thai chinh là lắng nghe họ. Nếu không biết phải nói gì, bạn có thể im lặng và lắng nghe tâm sự của họ, để họ có thể được thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình.
Không phải ai bị sảy thai cũng may mắn được thông cảm và chia sẻ. Vì thế, sẽ thật tuyệt vời biết bao nếu có một người có thể lắng nghe tất cả những cảm xúc và tâm trạng mà một người mất con phải trải qua.
Đừng hỏi những câu hỏi mang tính xâm phạm quyền cá nhân
Sảy thai là một sự kiện có thể gây ra hậu quả về thể chất và tinh thần đòi hỏi thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu bạn là một đồng nghiệp hoặc quản lý của người bị sảy thai và nhận được thông tin họ cần nghỉ ngơi, đừng cố gắng để hỏi họ quá nhiều, chẳng hạn như nguyên nhân sảy thai, cần nghỉ ngơi bao lâu hay có ý định mang thai lại hay không.
Việc hỏi quá nhiều khiến người từng bị sảy thai nhớ lại những ký ức đau buồn của mình và tiếp tục chìm đắm trong những cảm xúc tồi tệ. Đừng hỏi khi thấy họ không sẵn sàng cho việc chia sẻ bạn nhé!
Yêu cầu được hỗ trợ
Với người từng bị sảy thai, bạn có thể yêu cầu được hỗ trợ họ ở một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như tìm một địa điểm phù hợp để du lịch kết hợp thư giãn nghỉ ngơi hay tìm một bác sĩ tốt để kiểm tra sức khỏe sau khi sảy thai chẳng hạn. Điều này cho thấy bạn vẫn luôn đồng hành bên họ và không bỏ rơi họ, khiến người bị sảy thai cảm thấy được an ủi nhiều hơn.
Sảy thai là một việc vô cùng kinh khủng và đau đớn với những ai luôn mong mỏi được trở thành mẹ, luôn khao khát đón chào đứa con của mình. Vì thế, người từng bị sảy thai sẽ có thể rất nhạy cảm khi đề cập, chia sẻ về vấn đề này. Hãy thật thận trọng trong mỗi câu từ khi trò chuyện, tâm sự bạn nhé!