Mẹ&Con - Bé đã đến tuổi cần làm quen với những muỗng bột mặn đầu tiên. Thế nhưng chỉ riêng chuyện nấu bột cho con cũng đã có đến… một trăm thứ phải bàn, vì những 'hiểu lầm' của mẹ có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé ngay! Tâm sự của các bà mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật Sữa chua cho bé tuổi ăn dặm

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

– Năng lượng: 100 Kcal/kg/ngày

– Protein: 2,5 – 3g/kg/ngày

– Chất béo: 3 – 4g/kg/ngày

– Bột đường: 10 – 12g/kg/ngày

Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó trẻ cần khoảng 700kcal/ngày. Do vậy, thức ăn bổ sung là cần thiết để bù đắp năng lượng bị thiếu hụt.

Trẻ ở tuổi này bắt đầu có những thay đổi như mọc răng, bò hay bị các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa nên trẻ có những giai đoạn biếng ăn tâm lý. Bạn cần kiên trì và biết cách chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị của trẻ, tập cho trẻ một thói quen ăn uống tốt.

Thành phần dinh dưỡng trong chén bột của bé cần một tỷ lệ thích hợp, thông thường tỷ lệ thích hợp là: 3: 2: 1. Trong đó bột gạo 30g thì bột thịt khoảng 20g và rau là 10g.

nau-bot-cho-be-an-dam-dung-cach

Một chén bột mặn cần có những gì?

Một chén bột mặn phải có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, vitamin – khoáng chất, chất béo.

Đạm thì ngoài thịt, cá, tôm, cua, trứng (lưu ý giai đoạn dưới 1 tuổi chỉ sử dụng lòng đỏ, không sử dụng lòng trắng), bạn còn có thể tìm đến các loại đậu như đậu hũ, đậu hũ non, đậu nành, đậu xanh… đều là các thực phẩm giàu đạm tự nhiên, dễ hấp thu cho bé.

Vitamin & khoáng chất thì sử dụng các loại rau củ. Thông thường, màu càng đậm càng nhiều vitamin (rau dền, mồng tơi, cải ngọt, rau ngót, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt…). Lưu ý là các loại thực phẩm này không nên nấu lâu, nếu không sẽ mất chất.

Chất béo thì lý tưởng nhất có thể sử dụng từ dầu ôliu, mỡ gà, dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương…

Nên thay đổi công thức bột trong ngày, để tránh tình trạng bé “ngán” khi 3-4 bữa đều ăn đúng một món bột giống hệt như nhau. Bột sau khi nấu xong có thể để nguội, cho vào lọ đậy kín và cất vào tủ lạnh, khi ăn có thể hâm nóng lại cho bé.

Đong đếm nguyên liệu

Bạn không biết lượng nguyên liệu nấu bột cho con bao nhiêu là vừa. Và thật sự cũng thật khó để ngồi tính bằng… gam, khi mà nhu cầu ăn của bé chỉ có độ 10g mỗi thứ. Vậy thì cách “đong đếm” này sẽ giúp bạn.

– 200ml nước (tương đương 1 chén ăn cơm đầy nước)

– 10g bột (tương đương 2 muỗng cà phê đầy có ngọn)

– 10g thịt/cá đã xay nhuyễn (tương đương 1 muỗng cà phê đầy có ngọn)

– 10g rau (tương đương 2 muỗng cà phê đầy có ngọn)

– 1 muỗng cà phê dầu ăn, có thể dùng dầu ôliu hoặc thay bằng mỡ gà.

Khi bé được 9 tháng thì có thể sử dụng gấp đôi lượng thực phẩm (lúc này không cần băm nhuyễn lắm) cũng với 200ml nước để có chén bột đặc hơn.

nau-bot-cho-be-an-dam-dung-cach

Chế biến đúng cách

– Rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải…), ưu tiên chọn phần lá non, mềm, tươi xanh. Bỏ cuống, xé nhỏ, chần sơ qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào may xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.

– Súp lơ: Đầy ắp folate, chất xơ, canxi, súp lơ còn được biết tới là một thực phẩm chống ung thư hiệu quả. Đồng thời, mùi vị của súp lơ cũng phù hợp cho bé ăn dặm. Cách chế biến súp lơ là rửa sạch, hấp chín một vài miếng súp lơ. Sau đó, nghiền nhừ hoặc cắt dạng hạt lựu cho bé, tùy theo độ tháng tuổi.

– Cá: Rửa sạch cá (cá trắm, cá hồi, cá thu…). Cho vào chén, để trong nồi hấp cách thủy 10-15 phút. Sau đó lấy cá ra, lọc bỏ da và xương, thật cẩn thận xem có lẫn xương vụn nhỏ không, rồi dùng muỗng nghiền ép thành dạng bột.

– Thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc cho vào máy xay. Sau đó cũng cho vào chén, hấp chín cách thủy.

Gan: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.

– Tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, hấp chín.

– Trứng: Chọn trứng gà, luộc chín kỹ, lột ra bỏ phần lòng trắng, lấy lòng đỏ nghiền nhuyễn ra.

3 bước nấu bột cho con

Bước 1: Chọn thành phần

Bắt đầu với các loại thực phẩm chọn lọc như cà rốt, khoai tây, củ cải, súp lơ, thịt, cá… để đảm bảo rằng bé không bị dị ứng thức ăn. Rửa thực phẩm thật sạch, cắt bỏ những phần rắn để tránh cho bé bị nghẹn, mắc cổ.

Bước 2: Ngâm và nấu

Chọn một miếng vải lọc để gạn và rây thực phẩm sau khi xay, cố gắng giữ lại dưỡng chất của chúng, một số loại có thể băm hoặc nghiền tay cho bé dùng chứ không cần xay nhuyễn tất cả.

Bước 3: Đút bé ăn và lưu trữ 

Cho bé sử dụng một lượng vừa đủ ngay sau khi nấu và để vừa đủ nguội. Phần còn lại nên cho vào lọ thủy tinh đậy kín, cất trong tủ lạnh ở ngăn đá. Khi cần chế biến lại thì lấy một lọ ra hâm. Lưu ý chỉ rã đông một lần duy nhất, nếu bé không ăn hết phải thay món mới.

nau-bot-cho-be-an-dam-dung-cach

Có thể bạn chưa biết

Bột cần phải…

Chuyển đổi từ bột ngọt sang bột mặn. Chuyển đổi từ lỏng sang đặc dần. Khi thêm nguyên liệu mới vào bột, chỉ thêm duy nhất 1 loại để nếu trẻ dị ứng thì biết trẻ dị ứng với nguyên liệu nào ngay. Nguyên liệu mới chỉ cho theo mức tăng từ ít đến nhiều về số lượng.

– Bột dùng để nấu cho trẻ có thể sử dụng bột gạo xay, các loại bột ăn liền đóng gói sẵn, hoặc nấu cháo thật nhừ rồi rây nhuyễn. Bạn có thể mua các loại bột gạo, ngũ cốc đã được đóng gói sẵn (với thương hiệu có uy tín). Bột gạo, ngũ cốc được sản xuất công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng và chỉ cần pha nước ấm (bột gạo xay cần phải nấu chính) là có thể cho bé ăn.

– Tuyệt đối không lấy khẩu vị người lớn làm chuẩn vì nếu bạn nếm thấy vừa miệng thì đã là quá mặn với trẻ nhỏ. Điều này dẫn đến việc thận của bé làm quá sức, thậm chí phù nề. Ngoài ra, cũng không dùng thêm bột nêm, bột ngọt, hương liệu, gia vị khi nấu ăn cho con.

– Khi nấu bột cho bé, rau chỉ sử dụng phần lá mềm, không dùng cuống rau vì chúng cứng hơn và dễ gây mắc cổ bé.

– Suốt giai đoạn cho đến khi bé ít nhất 12 tháng tuổi, bạn đừng nêm nước mắm vào bột cho con. Như đã nói, đừng sợ bé… lạt miệng. Thực tế trẻ ăn bột không cần nước mắm rất dễ dàng và ngon miệng.

– Từ lúc sôi đến khi bột chín là 7-10 phút. Không nên nấu lâu hơn vì các chất dinh dưỡng sẽ hao hụt đi khi mẹ nấu bột quá lâu.

– Rau để nấu bột cho bé nên ưu tiên loại có lá màu xanh sẫm, vì đây là loại chứa lượng sắt và folate cao. Cải bó xôi là loại rau điển hình nhất trong nhóm này.

– Rau cần được băm nhỏ hoặc giã nhuyễn, tùy tháng tuổi của bé. Rau và dầu ăn là thứ cho vào sau cùng khi nấu bột, tức là khi bột gần như chín hẳn mới cho rau vào, khuấy thêm một chút nữa rồi tắt bếp, cho dầu ăn vào. Không nên cho từ ban đầu vì sẽ mất lượng vitamin có trong rau.

– Khi trẻ đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì không dùng nước hầm xương. Vì trong tủy xương có nhiều chất béo nhưng đó là chất béo rất khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống.

– Thịt, cá sau khi băm nhuyễn thì tán trong nước nguội trước cho tan đều (không cho thẳng vào nước sôi).

– Mỡ/dầu ăn rất quan trọng đối với bé nên bạn không được quên chúng khi nấu bột cho con. Dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu. Không những thế, mỡ/ dầu ăn còn cung là yếu tố quan trọng để cơ thể trẻ hấp thu vitamin D và canxi.

– Ngoài thức ăn là bột đặc hay cháo đặc, có đủ 4 nhóm thức ăn trên, với lượng 2 – 3 chén/ngày, kèm thêm bú mẹ, trẻ cần được cho ăn thêm trái cây: chuối, đu đủ… nhưng chú ý không ăn quá nhiều và nên ăn sau khi bú hoặc sau khi ăn bột/cháo.

Mẹ lưu ý!

Có một thực tế đáng lo ngại là không ít trẻ khi vừa chuyển sang giai đoạn ăn dặm bột thì lập tức sụt cân, biểu đồ tăng trưởng yếu đi, không còn tốt như giai đoạn bú mẹ hoàn toàn nữa. Lúc này, bạn cần tham khảo ngay ý kiến của các bác sĩ dinh dưỡng vì ăn dặm bột là một việc rất quan trọng nhằm bổ sung cho bé những chất dinh dưỡng cần thiết để bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Đây còn là cách hỗ trợ quá trình tập ăn cũng như giúp bé quen dần với mùi vị các loại thức ăn khác nhau.

HỎI NHANH BÁC SĨ

Có nên ngưng bú mẹ khi trẻ được ăn bột?

H: Con tôi 6 tháng tuổi và cháu đã ăn được bột mặn khá nhiều mỗi ngày. Cháu ăn rất ngon miệng, cân nặng cũng tăng đều. Tôi sắp đi làm trở lại nên dự tính nếu cháu ăn tốt thế này sẽ ngưng sữa mẹ có được không?

(Trà Mi)

Đ: Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng, cần cố gắng duy trì cho đến khi trẻ được tối thiểu 12 tháng tuổi bạn ạ (lý tưởng nhất là duy trì sữa mẹ đến khi con tròn 24 tháng).

Nên nhớ, ở thời điểm 6 tháng tuổi, bé bắt đầu quen thuộc dần với bột mặn, nhưng thức ăn không thể thiếu của con vẫn là sữa mẹ (ngay cả sữa công thức cũng khó lòng so kịp), vì sữa mẹ có nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng, đặc biệt nguồn canxi dễ hấp thu và các chất giúp tăng cường sức đề kháng cho bé. Có thể “thành quả” bé ăn ngon miệng, tăng cân đều hiện nay một phần chính là nhờ nguồn sữa mẹ được duy trì tốt tạo nên đấy! Do đó, bên cạnh chế độ bột xay bạn vẫn nên tiếp tục cung cấp cho con trung bình 600-800ml sữa mẹ/ngày (hoặc hơn tùy nhu cầu bé cần).

Chuyển từ bột ngọt sang bột mặn?

H: Con em được 6 tháng, cháu ăn bột ngọt từ lúc 4 tháng 18 ngày, đến bây giờ em đang muốn cho cháu chuyển sang bột mặn. Tuy nhiên, không hiểu sao em cứ thử là cháu lè ra, không chịu ăn, đổi lại bột ngọt thì lại chịu ăn. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.

(Vũ Ngọc Dung)

Đ: Chuyển tiếp từ bột ngọt sang bột mặn là một giai đoạn quan trọng, vì hai loại này có vị khác nhau. Nhiều trẻ sẽ thích nghi rất dễ dàng, nhiều trẻ khác lại cần có thời gian để làm quen. Vì vậy, trong trường hợp cháu cứ “lè” ra, bạn cần thật kiên nhẫn với con. Đừng chuyển đột ngột, thay vào đó cho trẻ tăng dần từng chút một lượng bột mặn lên. Nhớ quan sát tiêu hóa của bé, xem chất thải của bé có tốt không. Nếu chất thải tốt, chứng tỏ bé hấp thu tốt. Trường hợp bé đi ngoài không tốt, bạn cần hỏi thêm ý kiến của bác sĩ.

Nấu bột cho con không đúng cách sẽ khiến trẻ trở nên khó tiêu hóa, biếng ăn, suy dinh dưỡng và để lại nhiều hậu quả không hề mong muốn về sau.

Tags:

Bài viết liên quan