Nanh sữa ở trẻ sơ sinh mẹ có nên nhổ? Tỷ lệ xuất hiện nanh sữa ở trẻ rất cao, lên đến hơn 50% và còn nhiều trường hợp cha mẹ không phát hiện nên không thống kê được. Nhìn bề ngoài, nanh sữa ở trẻ sơ sinh dường như là khối u nguy hiểm và có thể gây đau cho bé.
Trên thực tế, đây là tổn thương lành tính và thường không cần phải can thiệp y tế. Nếu bạn vẫn lo lắng, hãy đọc bài viết này để tìm hiểu nanh sữa là gì, nguyên nhân hình thành nanh sữa ở trẻ sơ sinh và tại sao chúng không cần phải điều trị.
Nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Nanh sữa ở trẻ sơ sinh hay đẹn là cách gọi những đốm nhỏ hình thành trên nướu ở trẻ sơ sinh. Tên khoa học của nanh sữa là Gingival Cyst of Newborn hay nang lá răng (Dental Lamina Cyst). Đôi khi bạn còn thấy các nang xuất hiện trong vòm miệng, nếu ở vị trí này thì chúng sẽ được gọi là Epstein pearls.
Nhìn chung, nanh sữa ở trẻ sơ sinh là một loại tổn thương lành tính ở niêm mạc, không chỉ trẻ sơ sinh mà đôi khi người lớn cũng gặp phải. Nanh sữa là loại u nang có vỏ mỏng, bên trong chứa đầy keratin (một sản phẩm thoái hóa của biểu mô sừng hóa). Các nang nhỏ này thường có màu trắng hoặc vàng. Kích thước nang sữa ở trẻ sơ sinh thường là 2-3mm, trường hợp các biệt có thể to đến 1cm. Chúng xuất hiện chủ yếu trong khoảng 3 tháng đầu đời của bé.
Nguyên nhân hình thành nang sữa là do sự phát triển răng xương của bé. Cụ thể, nanh sữa mọc ở nướu là do các mảnh vụn tế bào khi hình thành răng sữa còn sót lại, tích tụ thành nang. Nếu nanh bên trong vòm miệng thì nguyên nhân là do các vụn tế bào tuyến nước bọt phụ còn kẹt lại từ khi bé còn trong bụng mẹ.
Tóm lại, tuy khoảng 6 tháng tuổi bé mọc răng sữa nhưng mầm răng đã hình thành trong xương ngay từ giai đoạn thai nhi. Trong quá trình phân hóa này một số thành phần lẽ ra phải tiêu biến thì còn sót lại và tạo nang, hay nanh sữa.
Có nên nhổ nanh sữa ở trẻ sơ sinh không?
Như đã nói, nanh sữa ở trẻ sơ sinh là tổn thương lành tính và sẽ tự khỏi. Thời gian từ lúc mọc đến khi tự vỡ khoảng 2 tuần. Một số trường hợp cá biệt nang sữa to thì có thể tồn tại đến 5 tháng mà vẫn không gây biến chứng.
Nanh sữa có thể bị nhầm lẫn với răng bẩm sinh hay răng sơ sinh. Tức là các răng sinh ra đã có hoặc mọc ngay sau khi sinh. Trường hợp nếu là răng mà không phải nanh sữa thì thường cần đưa bé đi kiểm tra để nhổ bỏ.
Việc chăm sóc nanh sữa ở trẻ sơ sinh không đòi hỏi bất kỳ sự can thiệp nào. Cha mẹ không cần phải cố gắng làm gì để nhổ bỏ hay làm nanh sữa nhanh vỡ ra. Trong lúc chờ đợi bạn cũng không nên dùng các mẹo dân gian hay cố ý tác động tới các nang này vì rủi ro có thể lớn hơn lợi ích:
- Gây tổn thương: Nhổ, nhể nanh sữa không đúng cách có thể gây tổn thương các mô mềm trong miệng bé. Trẻ sơ sinh còn rất mỏng manh nên nguy cơ bạn làm tổn thương bé là rất cao.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Bạn khó mà đảm bảo được các nguyên tắc vô trùng khi tự ý nhổ nanh sữa ở trẻ. Hậu quả là gây nhiễm trùng thứ phát, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công bé.
- Gây sợ hãi không cần thiết cho trẻ: Trải nghiệm này chắc chắn sẽ khiến bé sợ hãi, thậm chí có thể làm trẻ sợ bị kiểm tra răng miệng sau khi đã lớn.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Đa số các trường hợp nanh sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng lành tính, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ cần đưa bé đến bệnh viện hoặc nha sĩ để kiểm tra:
- Các nanh sữa không tan đi sau khi bé được 6 tháng tuổi và chuẩn bị mọc răng sữa. Lúc này bạn nên đưa bé đi kiểm tra để đảm bảo răng sữa của con mọc bình thường. Đây là biện pháp chăm sóc răng sữa cho con tốt nhất.
- Nanh sữa ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu bất thường như thay đổi màu sắc, hình dạng, kích thước hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm như nướu sưng đỏ, mưng mủ.
- Tuy không dễ để xác định bé khó chịu là do mọc nanh sữa hay các lý do khác nhưng bạn có thể để ý các dấu hiệu như: Bé quấy khóc và khó chịu hơn khi ăn, ngậm chặt miệng, tỏ ra không thoải mái khi bạn kiểm tra răng miệng.
Trong trường hợp này, nếu cần thiết, trẻ sẽ được chỉ định nhể/ chích để loại bỏ nanh sữa. Thủ thuật này tương đối đơn giản: Sát khuẩn, bôi thuốc tê giảm đau cho bé rồi dùng dụng cụ nhọn để chích vào nang. Các nanh sữa ở trẻ sơ sinh có lớp vỏ rất mỏng, sau khi bị chọc rách, u nang sẽ vỡ và giải phóng chất bên trong, trông giống như nhân mụn trứng cá. Chỗ nướu sẽ tự lành lại sau 1-2 ngày.
Cần lưu ý là nanh sữa hoàn toàn có thể tái phát, nhưng sẽ ở vị trí khác. Nếu không cần thiết thì không cần xử lý các nanh sữa mới.
Cách chăm sóc trẻ mọc nanh sữa
Cha mẹ không cần phải chăm sóc đặc biệt để loại bỏ nanh sữa. Chúng sẽ tự vỡ và việc quan trọng là đảm bảo khoang miệng của bé sạch sẽ, không có các ổ vi khuẩn để tránh viêm nhiễm. Vậy nên bạn chỉ cần chú ý chăm sóc răng miệng cho trẻ thật tốt. Hầu hết các nanh sữa này sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần.
Như vậy, có thể thấy nanh sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Trừ khi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, bạn không cần phải lo lắng tìm cách loại bỏ chúng. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào hãy đưa trẻ đến phòng khám nhi khoa hoặc cơ sơ nha khoa có uy tín để được tư vấn chuẩn xác nhất.