Mẹ&Con – Có nhiều mẹ nghĩ rằng: Răng sữa mọc xong rồi cũng… rụng, thay răng vĩnh viễn. Thế nên không cần chăm sóc quá kĩ răng sữa của bé làm gì cho “phức tạp”! Thật ra, ý nghĩ này vô cùng sai lầm. Ngay khi con đến giai đoạn mọc răng, mẹ đã phải thực hiện các việc chăm sóc cho những “bé” răng xinh này, để mai sau con có một hàm răng chắc khỏe.

Nao cung cham soc be rang

(Ảnh minh hoạ)

Tại sao phải chăm sóc răng sữa?

Răng sữa chỉ tổn tại trong vòng vỏn vẹn vài năm. Đến lúc bé được 6 tuổi, răng sữa bắt đầu rụng, để thay dần thành răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, không phải tồn tại vài năm thì tầm quan trọng của răng sữa… ít hơn răng vĩnh viễn! Răng sữa giúp định hình cấu trúc xương hàm. Quá trình mọc răng sữa là một quá trình phát triển thiết yếu đối với việc nhai và nói của bé.

Răng sữa còn có tác dụng “hướng dẫn” răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ. Nếu răng sữa bị xô lệch, bị sâu, rụng quá sớm thì sẽ ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn sau này. Chính vì thế, việc chăm sóc răng miệng cho thiên thần bé bỏng phải được thực hiện ngay từ chiếc răng sữa đầu tiên.

Để giúp bé có một hàm răng chắc khỏe, bạn cần đảm bảo chế độ ăn của bé luôn chứa đủ vitamin, các khoáng chất cần thiết, đặc biệt là Canxi. Bạn cũng cần lưu ý là bắt đầu từ khi mọc chiếc răng đầu tiên, bé đã phải đối diện với nguy cơ… sâu răng. Do đó, cần chú ý đến chất đường trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé. Khi cho bé ăn uống hàng ngày, nên hạn chế lượng đường, tránh các thức uống có ga, bánh kẹo, siro… Nên cho bé “măm” đường tự nhiên từ trái cây, hoa quả tươi. Tuy nhiên, ngay cả khi ăn các loại trái cây này, bé vẫn cần được uống lại nước lọc và vệ sinh răng miệng trước giờ đi ngủ.

Mẹ lưu ý!

Nếu bé yêu của bạn có thân nhiệt tăng cao, ngủ nhiều, nôn, ho, mẩn đỏ… thì đó không phải là dấu hiệu mọc răng. Hãy đưa bé đến bác sĩ để biết chính xác tình trạng của con tại sao lại như vậy.

Làm gì để chăm cho các “bé” răng?

Lúc đầu khi bé mới mọc răng, bạn có thể cho bé nhai hay ngậm các vòng lạnh, các miếng vải lạnh để giúp bé giảm đau. Chú ý đừng để bé cho các vật cứng, có cạnh vào miệng vì sẽ làm tổn thương đến lợi và răng của bé. Một số người thường dùng các biện pháp dân gian như dầu đinh hương để giúp bé giảm đau nhưng việc này tuyệt đối không nên vì nó có thể làm bỏng lợi và da của bé.

Nếu mỗi khi mọc răng, bé quá đau, có thể dùng các loại kem có vị ngọt dịu để bôi cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, giúp làm dịu sự kích thích của lợi. Lưu ý là các loại thuốc này không dùng cho trẻ dưới 4 tháng tuổi. Ngay từ khi mọc chiếc răng đầu tiên, có thể lau cho con bằng một miếng vải mềm. Khi con từ 1 tuổi trở lên có thể đánh răng cho bé bằng các loại bàn chải khuôn nhỏ cho trẻ em, đầu lông thật mềm và mịn.

Với bé trước 1 tuổi, bạn không cần phải dùng kem đánh răng cho con. Chỉ cần vệ sinh răng bằng nước và gạc sạch. Lưu ý đừng để các sợi vải trong miếng gạc rơi ra, dính vào miệng bé gây khó chịu. Khi con được 1 tuổi thì có thể dùng bàn chải mềm cùng kem đánh răng dành riêng cho trẻ em để chải răng cho bé.

Bạn có thể dùng một lượng kem đánh răng có fluor bé bằng hạt đậu xanh để đánh răng cho bé khi con đã có một số lượng răng “kha khá”. Kem đánh răng trẻ em thường có hương vị dễ chịu, khiến bé thích thú, không cay.

Hãy biến việc này thành một trò chơi thú vị để bé có thể hình thành thói quen chải răng ngay từ nhỏ. Thói quen này sẽ theo bé mãi đến sau này, góp phần không nhỏ trong việc mang đến cho con nụ cười tươi xinh, rạng rỡ.

Một lời nhắc cuối cùng là một số loại thuốc, thuốc siro có thể gây ảnh hưởng đến răng của bé, khiến răng bé bị vàng, dễ sâu… Do đó, cần lưu ý đặc biệt mỗi khi cho bé sử dụng loại thuốc nào.

Thời điểm bé mọc răng, việc đau nhức, sốt nhẹ cũng khó tránh khỏi. Nếu cần thiết dùng thuốc vào giai đoạn này, bạn cũng cần hỏi kỹ bác sĩ, để đảm bảo thuốc an toàn cho bé.

Lịch mọc răng sữa của bé

Đây là kiểu mọc răng sữa thường gặp nhất ở trẻ. Tuy nhiên, bạn lưu ý là nó chỉ có tính tham khảo thôi nhé. Con của bạn có thể mọc răng theo “lịch” chậm hơn hoặc nhanh hơn so với các cột mốc này.

– 4 răng cửa giữa của hàm dưới và hàm trên: 5-8 tháng.

– 4 răng cửa bên: 7-10 tháng.

– 4 răng hàm đầu tiên: 12-16 tháng.

– 4 răng nanh: 14-20 tháng.

– 4 răng hàm thứ 2: 20-32 tháng.

* Chi tiết

– 6 tháng: răng cửa giữa hàm dưới

– 6 tháng rưỡi: răng cửa giữa hàm trên

– 7 tháng: răng cửa bên hàm dưới

– 8 tháng: răng cửa bên hàm trên

– 10 tháng: răng hàm thứ 1 hàm dưới

– 14 tháng: răng hàm thứ 1 hàm trên

– 16 tháng: răng nanh hàm dưới

– 18 tháng: răng nang hàm trên

– 24 tháng: răng hàm thứ 2 hàm dưới

– 30 tháng: răng hàm thứ 2 hàm trên

Chải răng đúng cách

– Bé trên 1 tuổi mới cần dùng đến bàn chải và chải răng cho bé ngày 2 lần (buổi sáng và tối). Lưu ý bàn chải đánh răng và kem đánh răng phải là loại dành riêng cho trẻ nhỏ.

– Nếu bé còn chưa tự đứng vững được, bạn có thể bế bé vào lòng, chải từ phía sau của răng. Khi bé đủ lớn, đã tự đứng vững được, bạn có thể chải răng cho bé từ phía trước. Khi bé có thể tự chải răng, bạn vẫn cần theo dõi để tránh trường hợp bé chải qua loa hoặc… trốn chải răng.

Tags:

Bài viết liên quan