Mẹ và Con - Nàng dâu mới chắc chắn sẽ trải qua rất nhiều "cửa ải". Trong đó, đón tết ở nhà chồng được xem là một thử thách khiến nhiều nàng lo lắng...

Một trong những cảm xúc mà bất kỳ nàng dâu mới nào cũng phải trải qua chính là cảm giác lo lắng khi lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng. Năm đầu tiên làm dâu, phải “thể hiện” thế nào để được lòng bố mẹ chồng và gia đình chồng? Và đón Tết ở nhà chồng, liệu cảm xúc có như những ngày được đón Tết tại nhà bố mẹ đẻ?

về làm dâu

Cảm xúc ngổn ngang vào những ngày Tết ở nhà chồng

Nhớ bố mẹ và gia đình

Theo phong tục tập quán của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, nàng dâu sau khi cưới thường sống chung với gia đình chồng, Tết đến cũng đón Tết ở nhà chồng, chỉ có thể về thăm bên ngoại vào mùng 2 Tết trở đi. 

Nàng dâu mới, lần đầu tiên đón Tết xa bố mẹ, lại chứng kiến nhà chồng sum vầy bên nhau để đón chào khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, chắc chắn cảm giác nhớ bố mẹ là cảm giác khó tránh khỏi… Nhớ những lúc cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết. Nhớ cảnh bố bắc ghế lên để sơn lại tường, sửa sang hết món này đến món kia để không gian trong nhà được tươm tất nhất, khang trang nhất có thể. Và nhớ cả những câu nói đùa của bố mẹ, không biết hậu đậu như con thì sau này về nhà chồng sẽ như thế nào… 

Tủi thân

Xen lẫn với cảm giác nhớ bố mẹ của một nàng dâu mới lần đầu tiên đón năm mới cùng gia đình chồng chính là cảm giác tủi thân. Khi ở nhà với bố mẹ, con là “con vàng con bạc”, được bố mẹ cưng chiều. Khi ở nhà với bố mẹ, ngày Tết dù vẫn phải phụ bố mẹ một tay nhưng vẫn được bố mẹ cưng chiều hơn, có thể ngủ nướng một chút, có thể lười biếng một chút vẫn không sao.

Khi về làm dâu và đón Tết ở nhà chồng, phải tỏ ra là một người dâu hiền vợ đảm, chủ động quán xuyên mọi việc trong nhà, sáng phải dậy sớm cùng mẹ chồng đi chợ, chuẩn bị mâm cỗ để cúng trong những ngày cuối năm và cả ngày đầu năm. So sánh với những ngày còn được bố mẹ cưng chiều, chắc chắn bất kỳ nàng dâu nào cũng có ít nhiều chút tủi thân và muốn được bé lại, trở về nhà cùng bố mẹ…

Lo lắng

đón tết ở nhà chồng

Ngày Tết không phải chỉ có bố mẹ chồng hay chồng mà còn có họ hàng nhà chồng, người quen đến chào hỏi, chúc Tết. Vì thế, nàng dâu phải cố gắng hết sức mình để chuẩn bị mọi thứ chu đáo nhất, tươm tất nhất. Bất kỳ một sơ suất nào cũng có thể khiến bạn “mất điểm” với mọi người.

Vì thế, dịp Tết cũng là dịp mà các nàng dâu mới “đứng ngồi không yên”. Sợ mình chuẩn bị quà Tết biếu bố mẹ hai bên chưa đủ, sợ mâm cơm Tết mình chuẩn bị chưa đủ thịnh soạn, sợ những gì mình sắm sửa cho Tết còn thiếu sót, sợ nồi thịt kho mừng giao mùa chưa hợp vị với gia đình nhà chồng,…

Với 1.001 nỗi lo lắng đó, nàng dâu mới hầu như không thể đón Tết, ăn Tết mà chỉ có thể “đối phó” với Tết mà thôi.

Cố gắng để thích nghi

Nề nếp sinh hoạt mỗi nhà mỗi khác. Chưa kể đến sự khác biệt trong cách đón Tết ở mỗi vùng miền. Điển hình như những món ngon ngày Tết ở 3 miền Bắc – Trung – Nam có sự khác biệt rõ rệt. Miền Bắc có bánh chưng nhưng miền Nam ngày Tết lại cần bánh tét, miền Bắc chuộng món nem rán thì miền Trung lại thích nem chua. Đơn giản hơn, ngày đầu năm mới ở miền Nam không thể thiếu thịt kho hột vịt, trong khi miền Bắc lại không thể thiếu xôi gấc và gà luộc.

Mỗi vùng miền, gia đình sẽ có những thói quen khác nhau để đón mừng mùa xuân đến. Vì thế, nàng dâu mới về ăn Tết nhà chồng lần đầu tiên sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ và phải cố gắng thích nghi nhanh nhất có thể với văn hóa, nếp sinh hoạt của nhà chồng bởi thuyền theo lái, gái theo chồng, không thể mang những thói quen của ngày còn ở nhà để bắt nhà chồng phải làm theo được.

nàng dâu mới

Có lỗi với bố mẹ đẻ

Với những nàng dâu là con 1, ở nhà bố mẹ chỉ có mỗi mình thì đón Tết ở nhà chồng thường khiến nàng dâu mang cảm giác… có lỗi. Bố mẹ nuôi lớn bao nhiêu năm, ấy vậy mà khi lớn rồi lại để bố mẹ thui thủi ở nhà đón Tết một mình, căn nhà lúc này chắc hẳn sẽ hiu quạnh lắm. 

Và nếu gia đình không trọn vẹn có cả bố lẫn mẹ thì cảm giác có lỗi này sẽ càng nhiều hơn. Lắm lúc suy nghĩ, hay là mình không lấy chồng nữa, về ở cùng bố mẹ cho xong… 

Gánh nặng tài chính

Nàng dâu mới về nhà chồng năm đầu tiên, tiền biếu bố mẹ, tiền lì xì cho các cháu trong nhà cũng được gia đình chồng “để ý”. Nếu biếu bố mẹ chồng quá ít lại dè xẻn trong việc lì xì cho các cháu, bạn sẽ dễ bị đánh giá là keo kiệt, bủn xỉn. Vì thế, những ngày Tết vốn đã mệt mỏi nay lại càng áp lực hơn khi phải chuẩn bị hết phong bì này đến bao lì xì khác.

lo lắng

Bí kíp giúp nàng dâu mới có một mùa Tết “suôn sẻ” ở nhà chồng

Để có thể vượt qua cửa ải khó nhằn này, nàng dâu cần chuẩn bị cho mình những chiến lược riêng để ngày Tết vẫn có thể vui vẻ, phơi phới thay vì lòng lúc nào cũng ngổn ngang những cảm xúc và tâm sự. Muốn tận hưởng không khí và cảm giác đặc biệt của lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, nàng dâu mới có thể:

  • Tìm hiểu trước về nếp sinh hoạt, phong tục đón Tết ở nhà chồng. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của chồng bạn, nói anh hướng dẫn mình những thói quen của các thành viên trong gia đình vào ngày Tết. Như vậy, bạn sẽ không còn bỡ ngỡ nữa mà có sự chuẩn bị tâm lý từ trước, dễ thích nghi và hòa hợp hơn với gia đình chồng bởi lẽ, nhập gia tùy tục, chúng ta không thể khăng khăng làm theo ý của mình được.
  • Nghe chồng kể về những “mùa Tết đã qua”. Bạn có thể hỏi khéo chồng mỗi năm anh thường biếu bố mẹ bao nhiêu, lì xì cho các cháu bao nhiêu để có thể cân nhắc cho ngân sách năm nay đấy!
  • Chủ động nhờ bố mẹ chồng hay người lớn chỉ bảo thêm. Khi bạn đối xử bằng sự chân thành, bạn sẽ nhận lại được sự chân thành. Có thể bạn còn vụng về, chưa thể nấu được món ngon chuẩn vị như mẹ chồng mong muốn. Nhưng bạn hoàn toàn có thể “thú tội” trước với mẹ chồng và nhờ mẹ chỉ dạy thêm cho mình. 
  • Ngoài ra, nếu trong nhà còn có các chị em dâu khác, bạn có thể tìm đồng minh và có được sự trợ giúp bởi suy cho cùng, cùng là nàng dâu với nhau ít nhiều sẽ cảm thông cho nhau, phải không nào? Hãy cố gắng “khai thác” các thông tin như mẹ chồng thường kiêng kị điều gì trong những ngày đầu năm, bố chồng thích quà như thế nào,… 
  • Khi ăn Tết ở nhà chồng, hãy thường xuyên gọi điện thoại để hỏi thăm bố mẹ đẻ của mình. Như vậy, bố mẹ sẽ không buồn vì con gái lấy chồng xa bố mẹ, không đón Tết cùng bố mẹ và bạn cũng sẽ vơi bớt phần nào cảm giác nhớ bố mẹ của mình.
  • Và đừng quên thảo luận với chồng về kế hoạch về nhà bố mẹ đẻ đón Tết. Bạn có thể thống nhất với chồng việc ở nhà chồng hết sáng mồng 1, sau đó về đón Tết ở nhà bố mẹ đẻ vài ngày. Nhớ xin phép bố mẹ chồng từ trước để tránh bố mẹ chồng không vui trong những ngày đầu năm bạn nhé!

tủi thân

Năm đầu tiên về đón Tết ở nhà chồng, chắc hẳn nàng dâu nào cũng có thật nhiều cung bậc cảm xúc. Và lúc này, Tết đã không còn là một dịp để hân hoan vui mừng nữa. Tết giờ đây bỗng trở thành nỗi ám ảnh của những nàng dâu mới. Hãy cứ bình tĩnh và tận hưởng Tết, tận hưởng khoảnh khắc của năm mới cho dù chúng ta ở bất cứ đâu, bạn nhé!

Bài viết liên quan

cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất

Cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính

Mẹ và Con - Tiết kiệm tiền cho những dự định tương lai luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là giải pháp đáng tin cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để việc tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lời tối ưu? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất, sinh lời cao trong bài viết dưới đây nhé.