Vào những ngày giáp Tết nguyên đán, bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa thì chuẩn bị mâm cúng tất niên cũng là một điều vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Với những đặc trưng văn hóa, mâm cúng trong ngày cuối năm của 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng có những đặc điểm khác nhau.
Mâm cúng tất niên mang ý nghĩa như thế nào?
Mâm cúng tất niên là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt ta. Mâm cúng sẽ được dâng lên vào ngày cuối cùng của năm với ý nghĩa dâng lên các vị thần tiên cũng như ông bà tổ tiên và người đã khuất trong gia đình, mong cho một năm mới bình an, thuận lợi.
Sau khi cúng xong, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần với nhau để dùng bữa, trò chuyện và tưởng nhớ và người đã khuất, chia sẻ với nhau những câu chuyện trong năm vừa qua cũng như dự định, mong mỏi trong năm mới sắp đến.
Mâm cúng tất niên cần những lễ vật gì?
Tuy việc chuẩn bị mâm cỗ cúng ở mỗi vùng miền sẽ có sự khác biệt nhưng về phần lễ vật thì cũng có nét tương đồng. Thông thường, các lễ vật cần chuẩn bị trên mâm cúng sẽ bao gồm:
- Mâm ngũ quả (có thể thay thế bằng các loại trái cây đẹp mắt khác và phù hợp với điều kiện của từng gia đình)
- Đèn cầy
- Nhang (hương)
- Trầu cau
- Trà rượu
- Thuốc lá (tùy phong tục)
- Tiền vàng mã
- Hoa tươi
- Mâm cỗ cúng tất niên
Những món ăn trong mâm cúng tất niên theo từng vùng miền
Miền Bắc
Theo phong tục tập quán, mâm cúng tất niên của các gia đình tại khu vực miền Bắc thường phải đủ 4 bát – 4 đĩa. Nếu gia đình có điều kiện có thể chuẩn bị 8 bát – 8 đũa. Các món ăn trong mâm cúng của người miền Bắc thường cầu kỳ hơn, bao gồm những món như:
- Bánh chưng
- Giò lụa
- Nem rán
- Thịt gà trống luộc nguyên con
- Canh măng hoặc canh bóng nấu thả
- Thịt đông
- Dưa hành muối
- Nộm rau củ
- Miến nấu lòng, mề gà
- Rau củ xào thập cẩm
- Xôi gấc
Miền Trung
Mâm cúng tất niên của người miền Trung thường rất tươm tất với những món ăn mang đậm nét văn hóa và bản sắc ẩm thực nơi đây. Bạn có thể bắt gặp những món ăn đặc sản miền Trung trên mâm cúng như:
- Bánh chưng hoặc bánh tét
- Thịt đông
- Giò lụa
- Dưa món củ kiệu
- Măng minh khô
- Gỏi gà bóp rau răm
- Cá chiên hoặc ram
- Măng ninh khô
- Nem
Miền Nam
Ở miền Nam, các món ăn thường góp mặt trong mâm cúng tất niên cũng là những món ăn vô cùng quen thuộc, dân dã. Một số món ăn còn có phát âm hoặc hình ảnh gần giống với những gì tốt đẹp nhất, chẳng hạn như canh khổ qua (mong mọi khó khăn qua đi) hoặc thịt kho hột vịt (thịt vuông, trứng vịt to tròn, mang ý nghĩa vuông tròn đầy đặn, phúc lộc cả năm). Một số món ăn trong mâm cúng tất niên của các gia đình miền Nam:
- Bánh tét
- Thịt heo luộc
- Dưa giá củ kiệu
- Thịt kho hột vịt
- Nem
- Gỏi cuốn
- Gỏi tôm thịt
- Canh khổ qua nhồi thịt
- Măng tươi ninh
Bài cúng Tất niên
Nam mô A-Di-Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, tiên linh nội ngoại họ …
Hôm nay là ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại…
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A-Di-Đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Một số lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng tất niên
Tùy theo mỗi gia đình, vùng miền mà sẽ có những lưu ý khác nhau. Tuy nhiên, một số lưu ý chung khi chuẩn bị mâm cúng gồm có:
- Trước khi làm mâm cúng tất niên, nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Gia chủ cần tắm rửa, chuẩn bị trang phục nghiêm túc, kín đáo, không mặc quá hở hang khi dâng mâm cúng
- Với mâm ngũ quả, có thể ưu tiên lựa chọn các loại quả thông dụng, đẹp mắt, ăn được và vừa đủ chín. Tuyệt đối không được chọn quả giả hoặc quả xanh để dâng trên mâm cúng tất niên.
- Với hoa, cần chọn hoa tươi, nói không với hoa giả. Có thể chọn một cành đào nhỏ đặt trên bàn thờ cũng rất đẹp mắt.
- Mỗi gia đình với không gian sống khác nhau sẽ có cách bày trí mâm cúng tất niên khác nhau. Tuy nhiên, nên lưu ý mâm cỗ mặn thường sẽ được đặt ở bàn con dưới bàn thờ chính còn hoa tươi, vàng mã và mâm ngũ quả sẽ được đặt ở trên.
- Hiện nay, Tết hiện đại có nhiều điểm khác biệt so với Tết truyền thống. Vì vậy, các món ăn trong mâm cúng tất niên cũng đa dạng hơn, được biến tấu và chế biến theo nhiều phong cách khác nhau. Tùy theo điều kiện kinh tế và khẩu vị của mỗi gia đình mà bạn cân nhắc chuẩn bị mâm cúng sao cho phù hợp.
Ngày cuối năm, không thể thiếu mâm cúng tất niên dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên, cầu khấn cho một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều sức khỏe. Nếu còn đang loay hoay không biết chuẩn bị gì cho mâm cúng tất niên thì hãy lưu ngay bài viết để “ghi điểm” trong mắt mọi người bạn nhé!