Chọn vợ như thế nào khi vợ quá… “mít ướt”
Quen nhau trên một diễn đàn giải trí, Quang tự hào khi trở thành chỗ dựa tinh thần cho Hoa. Những lúc có chuyện gì, Hoa đều tâm sự với Quang và ngồi khóc ngon lành. Từ nhỏ Quang đã thích mẫu phụ nữ yếu đuối nên gặp Hoa, anh nghĩ ngay đó chính là “một nửa” của mình. Vì vậy, chỉ cần Hoa nhắn tin có chuyện buồn là Quang có mặt. Anh ra sức vỗ về, niềm hạnh phúc được che chở cho ai đó khiến Quang vui ra mặt.
Ngặt nỗi, những chuyện làm Hoa khóc chỉ là cỏn con với người khác. Hoa được sinh ra trong một gia đình khá giả, ba mẹ đều có địa vị cao ngoài xã hội. Cuộc sống của cô “êm chèo mát mái” không có một gợn sóng nào. Chỉ có điều cô thích đọc tiểu thuyết và rất hay tưởng tượng.
Bị gia đình quản lý chặt chẽ quá, thế là cô có thêm nỗi buồn tại sao mình không được lang thang trên những con đường vắng hay một mình ngắm lục bình trôi (giống như những nhân vật trong phim, truyện)? Dù là lý do lãng xẹt đến mấy đi nữa, Quang vẫn tìm lời an ủi cho Hoa bớt buồn. Nhưng… đó chỉ là quãng thời gian yêu nhau!!!
Cưới nhau về, cuộc sống hôn nhân phát sinh thêm bao nhiêu chuyện phức tạp. Hoa vẫn được chồng cưng chiều nhưng “mít ướt” đã là bản tính nên chẳng dễ bỏ. Đụng chuyện gì cô cũng khóc. Càng ngày cô khóc càng dai. Dần dà, tiếng khóc trở thành nỗi ám ảnh cho Quang, thậm chí dẫn đến stress nặng.
Quang không còn hứng thú vỗ về, an ủi, hay cả hỏi han cũng không. Anh thừa biết chẳng có lý do gì nghiêm trọng nên cứ để vậy. Vẻ thờ ơ của Quang khiến Hoa vô cùng đau khổ và tuyệt vọng, cho rằng anh đã thay đổi. Cô âm thầm nghĩ đến cái chết để… giải thoát. Dù ngán đến tận cổ, Quang vẫn cứ phải lục bài cũ ra an ủi cho Hoa nguôi ngoai.
Quang tâm sự: “Cô ấy trách tôi thay đổi mà thật ra tình cảm tôi dành cho cô ấy vẫn vậy. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn cô ấy. Có điều làm tôi thắc mắc mãi, ngần ấy tuổi, đúng ra cô ấy đã hết “trẻ con” để hiểu cho tôi chứ đâu cứ động cái khóc lóc như thế mãi?”.
Chọn vợ như thế nào khi vợ thiếu… nữ tính!
Khác với Quang, Trung bị ấn tượng bởi cái vỗ vai của vợ khi lần đầu tiên gặp mặt. Lúc đó, Trung đang loay hoay với những thủ tục ngoài sân bay thì bị cái vỗ vai của một cô gái lạ: “Cho tôi mượn cây viết!”.
Trung quay lại, một khuôn mặt khá thanh tú, làn da trắng mịn hồng hào, tóc xõa ngang vai. Anh nhìn kỹ vậy vì không tin nổi cô gái kia lại đi kèm với hành động vỗ vai một người lạ mặt, lại là người khác giới.
Trung quá ấn tượng với cô gái ấy, bởi từ lâu, anh rất ghét con gái yếu đuối, ủy mị. Bây giờ là thời đại gì rồi? Chẳng thể nào hở tí là ngồi khóc lóc được. Họ tiến đến hôn nhân sau hơn một năm tìm hiểu.
Mai – vợ Trung vừa đi làm vừa sinh con mà chuyện nhà vẫn chu đáo chẳng hề có một câu than thở khiến Trung rất hài lòng. Nhất là khi bạn bè đến chơi ai cũng khen: “Vợ mày giỏi quá!” làm Trung càng nở mày nở mặt với bạn bè. Hầu hết mọi việc trong nhà do Mai tự quyết. Từ đặt tên con, chọn nơi gửi con, trang bị phòng cho con… cho đến chuyện liên quan đến gia đình Mai rồi gia đình chồng. Mỗi khi nhà cha mẹ hai bên có đám tiệc là đầu tóc Mai xù lên như con nhím.
Trung có ý kiến là y như rằng Mai lại la toáng lên: “Chuyện đó cứ để em, anh xen vào làm gì cho cực thân”. Ngay cả những việc nặng nhọc trong nhà Mai cũng hùng hục làm hết. Trung đi làm về, cảm thấy thừa thãi trong căn nhà. Bỗng anh lại muốn nghe vợ tỉ tê: “Anh làm giùm em cái này…”, hay một lần than thở với mình chuyện công việc, con cái… Nhưng xem ra, đó chỉ là giấc mơ.
Theo các chuyên tâm lý hôn nhân – gia đình, người vợ muốn gia đình ổn định, hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người cần phải biết hài hòa giữa cương và nhu. Những việc gì cần cương quyết thì cương quyết, như chuyện nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, trong ứng xử phải tuyệt đối mềm mỏng, lựa lời mà nói để tránh làm tổn thương đến chồng và người thân. Còn nếu người vợ quá ủy mị thì sẽ làm chồng chán ngán. Cả hai trường hợp trên đều dẫn đến hậu quả không tốt cho con cái. Trẻ nhỏ thường noi theo tính cách của cha mẹ. Nếu mẹ quá “mềm” dẫn đến tình trạng trẻ dễ bi quan vì học theo tính cách của mẹ. Ngược lại, mẹ “cứng” quá thì con cũng bị ảnh hưởng.