Mẹ và Con - 10-20% thai phụ bị bị nấm âm đạo khi mang thai, chủ yếu nhất là loại Candida. Liệu sức khỏe của mẹ bầu có bị ảnh hưởng khi gặp tình trạng này và bé yêu có nguy hiểm hay không?

Hệ thống miễn dịch trong thai kỳ thay đổi, nồng độ estrogen cao hơn và glycogen được tăng sản xuất để dự trữ năng lượng trong cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng pH trong âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Vì vậy, 10-20% thai phụ bị nấm âm đạo khi mang thai, chủ yếu nhất là loại Candida. Nếu mắc phải, liệu sức khỏe của mẹ bầu có bị ảnh hưởng, bé yêu có gặp nguy hiểm?

Triệu chứng nhiễm nấm âm đạo khi mang thai

Hầu hết, nấm gây viêm nhiễm âm đạo chủ yếu là Candida. Những viêm nhiễm này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ vì những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, bệnh thường sẽ phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ.

Các biểu hiện thường thấy ở mẹ bầu khi bị viêm âm đạo do nấm khi mang thai:

  • “Cô bé” bị ngứa nhiều.
  • Khí hư ra nhiều hơn bình thường, màu bột trắng hoặc giống như vảy trắng bám trên quần lót, có mùi hôi rất khó chịu.
  • Khi đi vệ sinh hay quan hệ tình dục, mẹ bầu thường cảm thấy nóng rát vùng kín.

Trong một số trường hợp, nấm âm đạo khi mang thai sẽ không có bất cứ biểu hiện nào. Do đó mẹ bầu khó có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Bị nấm âm đao khi mang thai 3

Thai nhi có bị ảnh hưởng xấu khi mẹ bị nấm âm đạo?

Đa số các bệnh nhiễm trùng đều có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên, rất khó để các bác sĩ xác định chính xác mức độ ảnh hưởng và tác động tiêu cực nào đến em bé trong bụng mẹ. Thông thường, viêm nấm âm đạo khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi theo 3 cách:

  • Gián tiếp: Khiến cơ thể mẹ không thể nuôi dưỡng tốt cho thai hoặc phải sử dụng các loại thuốc điều trị nấm âm đạo có thể gây hại cho thai nhi.
  • Trực tiếp: Tác động đến người mẹ và thai nhi, tạo ra những thay đổi dẫn đến bất thường khi sinh.
  • Kích thích chuyển dạ sớm hoặc tệ nhất là gây sảy thai.

Ngoài ra, bệnh viêm âm đạo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi như sau:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể kích thích chuyển dạ, khiến mẹ sinh non.
  • Lây bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục cho thai nhi, chẳng hạn như: Viêm gan, giang mai, herpes và HIV, có thể lây nhiễm cho thai nhi.
  • Viêm âm đạo do vi khuẩn Chlamydia có thể gây nhiễm trùng mắt và viêm phổi.
  • Bị chuyển dạ sinh non do bệnh lậu. Tệ hơn là trong quá trình thai nhi đi qua âm đạo của mẹ, nhiều khả năng vi khuẩn lậu bám vào mắt em bé gây nhiễm trùng mắt, có thể dẫn đến mù lòa.
  • Liên cầu (streptococcus) nhóm B có thể gây biến chứng nặng ở trẻ sơ sinh, và có thể gây tử vong trong một số trường hợp hiếm gặp.

Thông qua những thông tin trên, mẹ bầu có thể nhận thấy các bệnh viêm âm đạo có thể khiến cả bản thân và thai nhi rơi vào nguy hiểm. Vì vậy, mẹ không nên chủ quan khi bị viêm, nấm âm đạo trong lúc mang thai.

Mẹ bầu cần làm gì khi bị viêm âm đạo do nấm?

Nếu không được điều trị, nhiễm nấm âm đao khi mang thai có thể lây truyền sang cho con khi mẹ sinh thường. Vì vậy, khi nghi ngờ mình bị viêm âm đạo, việc đầu tiên mẹ bầu làm là đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, mẹ sẽ được tư vấn và điều trị bệnh kịp thời, không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Bị nấm âm đạo khi mang thai, mẹ bầu được điều trị như thế nào?

Khi đang mang thai, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị “cô bé” bị viêm nấm tại chỗ bằng các loại kem bôi hay thuốc đặt âm đạo. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc có cùng công năng ấy đều sử dụng được và an toàn trong thai kỳ. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến​​ của bác sĩ hoặc dược sĩ để có được phương pháp và liều lượng thuốc điều trị phù hợp.

Bị nấm âm đao khi mang thai 1

Mẹo giảm nguy cơ viêm nấm âm đạo khi mang thai

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của viêm âm đạo khi mang thai chính là phòng ngừa nhiễm nấm. Sau đây là những lời khuyên hữu ích cho bạn để giảm nguy cơ viêm âm đạo do nấm:

  • Nên quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, chỉ một vợ một chồng.
  • Tuyệt đối không dùng chung đồ lót với người khác.
  • Quần lót luôn phải sạch sẽ, rộng rãi, thông thoáng.
  • Băng vệ sinh chỉ nên dùng trong những ngày “đèn đỏ”, ngoài ra hãy hạn chế dùng thường xuyên.
  • Khi vệ sinh, luôn nhớ lau rửa cơ quan sinh dục và hậu môn từ trước ra sau.
  • Lưu ý nên tắm sạch lại ngay sau khi bơi, vì đồ lót hay quần áo ẩm là môi trường tốt cho nấm men phát triển.
  • Vệ sinh âm đạo đúng cách, tránh thụt rửa âm đạo, hoặc dùng các dung dịch vệ sinh nặng mùi và có chất tẩy rửa mạnh.
  • Không nên dùng chất xịt thơm vùng kín như nước hoa.
  • Hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn mỗi ngày.
  • Tập thể dục để tăng sức đề kháng, tránh hoạt động quá nặng.
  • Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể nhanh chóng hồi phục và có khả năng chống lại nhiễm trùng dễ dàng hơn.

Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm nấm âm đạo khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, nếu “cô bé” có biểu hiện đáng nghi như đau, ngứa rát…, mẹ đừng ngại đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.

Bài viết liên quan